Hà Tĩnh: Cựu binh làm giàu từ cây bưởi Phúc Trạch

Thứ sáu - 09/08/2019 08:33
Nói đến bưởi Phúc Trạch phải nhớ đến huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi đây được xem như một vựa bưởi đã có thương hiệu trên mọi miền. Để quả bưởi ngon, ngọt đúng với hượng vị của nó, cựu binh Bùi Văn Dung, trú tại xóm Ngọc Bội, xã Hương Trạch đã nhiều năm gây và phát triển giống bưởi thương hiệu này.

Hà Tĩnh: Cựu binh làm giàu từ cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 1

Khu vườn gồm keo tràm, trầm gió, bưởi Phúc Trạch của cựu binh Bùi Văn Dung

Ðến xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tìm đến vườn bưởi của cựu binh Bùi Văn Dung để tìm hiểu mô hình trồng cây ăn quả đạt hiệu quả, mới thấu hiểu được công lao vất vả của người ươm mầm và phát triển giống bưởi Phúc Trạch tại huyện miền núi này.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ngược về xóm Ngọc Bội, xã Hương Trạch đến thăm trang trại của ông Bùi Văn Dung. Nơi đây đã tình cờ gặp nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến đặt mua những quả bưởi chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Những người từ xa xôi ở thành phố Vinh-Nghệ An và các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Bình… đã tìm về đây chọn những vườn bưởi đẹp để đặt cọc sẵn chờ ngày thu hoạch. Ngoài ra còn có nhiều khách lẻ đến mua làm quà biếu vào Nam ra Bắc…

 

Hà Tĩnh: Cựu binh làm giàu từ cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 2

Ông Dung đang kiễm tra những quả bưởi đã chín hay chưa để tháo túi

Khuôn mặt sạm đen vì nắng, ông Dung khoác trên mình chiếc áo bay rồi dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi: “Tôi sinh năm 1962, lớn lên tại vùng quê này, nơi đây thời tiết khắc nghiệt lắm chú à – mùa nắng thì như thiêu như đốt, mùa mưa thì nước ngập băng đồng… Hồi đó nhìn thấy cảnh cha mẹ khổ cực trồng từng cây mì, cây sắn để nuôi chúng tôi ăn qua ngày, qua tháng. Năm 1981 tôi đã xin cha mẹ lên đường nhập ngũ, rồi được huấn luyện và công tác tại Bộ tư lệnh công binh, lữ đoàn 229, đóng quân tại Hà Bắc. Đến năm 1984 tôi trở về quê hương, năm 1985 thì lập gia đình và sinh sống tại quê nhà”, ông Dung kể.

Được sinh sống và tôi luyện trong quân đội, với suy nghĩ "bàn tay ta làm nên tất cả/ Với sức người sỏi đá cũng thành cơm".  ông Dung đã mạnh dạn đem cây bưởi áp dụng trồng trên mảnh đất trang trại hơn 4ha của gia đình. Trong những năm đầu ông đã nếm "quả đắng" khi thất bại, nhưng với lòng kiên nhẫn đến nay ông Dung đã khẳng định được vườn bưởi gia đình có thương hiệu đến các tỉnh thành trên cả nước.

Hỏi về cái duyên đến với nghề trồng bưởi ông Dung bộc bạch chia sẻ: Sinh sống tại quê nhà đầu tư làm ăn nghề gì cũng khó khăn. Những năm gần đây khi Nhà nước triển khai giao đất, giao rừng theo Nghị định 02/CP của Chính phủ cho các hộ gia đình, tập thể sử dụng lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp, tôi cùng vợ con nhận thêm mấy héc-ta đất trống đồi trọc gần trang trại tôi để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại. Trên trồng keo, dưới thì trồng trầm gió, còn ở trong vườn trại tôi thì trồng cây ăn quả kết hợp với đào ao thả cá… chăn nuôi theo hướng “lấy ngắn, nuôi dài”, cuộc sống của gia đình tôi dần được cải thiện.

Hà Tĩnh: Cựu binh làm giàu từ cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 3

Để màu quả bưởi vàng óng đẹp mắt, nông dân phải tháo túi bao đúng ngày

Khoảng năm 2010 tôi trồng thử nghiệm ít cây bưởi trong vườn xem thích nghi với vùng đất này không, sau khi cây lớn trưởng thành cho quả sai trĩu, chất lượng lại ngon, ngọt. Từ đó tôi dần dần tìm đến các trung tâm giống cây trồng nhằm tìm loại cây bưởi hợp với đất. Trồng giống bưởi nhiều năm tôi mới quyết định chọn loại bưởi Phúc Trạch này, giờ đây nó hầu như là cây trồng chủ yếu trong vườn.

Đến nay trong vườn trại ông có gần 300 cây bưởi Phúc Trạch, trong đó có trên 100 gốc đã có quả thu hoạch, bình quân mỗi gốc bưởi như vậy ông Dung chỉ cho đậu khoảng 30-50 quả để chọn lọc. Khi quả lớn thu hoạch giá bán mỗi quả giao động từ 50 -70 ngàn đồng. Mỗi năm ước tính gia đình ông thu lợi trên 100 triệu đồng từ cây bưởi. Ngoài cây bưởi ra ông Dung còn trồng hơn 200 cây trầm gió, và 3ha keo tràm. Được biết, mỗi cây trầm gió bán 500 ngàn đồng/ cây. Keo tràm thì 60 triệu/1ha.

Hỏi về khó khăn trong nghề trồng bưởi Phúc Trạch ông Dung nói thêm: Trồng bưởi Phúc Trạch cái quan trọng là giống, khi cây lớn phải tạo dáng, đến mùa ra hoa phải thụ phấn thêm cho nó, khi quả đậu phải mua túi về để bảo vệ tránh sâu bệnh và nắng sém vỏ… Nói chung là phải theo quy trình mới có thành phẩm ngon, ngọt, đẹp và hiệu quả.

 

Hà Tĩnh: Cựu binh làm giàu từ cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 4

Để có quả bưởi ngon, ngọt đúng vị bưởi Phúc Trạch chính cống, phải lựa chọn từ khâu cây giống

Ông Cao Quốc Hội – Phó chủ tịch xã Hương Trạch cho biết: Trên địa phương có rất nhiều người trồng bưởi, chủ yếu người dân trồng là bưởi Phúc Trạch. Trong xã có hộ ông Dung trồng khá nhiều và hiệu quả, ông Dung là một trong những người nông dân hay nghiên cứu về phương pháp, cách trồng và phát triển cây ăn quả.

Nói về đầu ra, huyện cũng đang kết nối với các doanh nghiệp lớn để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, xã cũng tuyên truyền và có dự án VietGap cho việc phát triển giống bưởi trên địa bàn. Bưởi trồng có 2 loại: 1 loại chiết từ cây gốc, 2 là mắt ghép từ ghép gốc nhưng chất lượng không thay đổi. Bình quân giá hiện nay từ 50-70.000 đồng/ quả. Thu nhập bình quân toàn xã gần 30 tỷ, ông Hội cho biết thêm.

Được biết, năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2002, Bộ NN&PTNT đã công nhận bưởi Phúc Trạch là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm không được xuất khẩu giống. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch. Ngày 9/11/2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Bưởi quả” huyện Hương Khê, tại QĐ số 2180/QĐ-SHTT.

DOÃN ĐẠT

Theo Doãn Đạt Dân sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây