Hà Tĩnh: Chàng kỹ sư mỏ bỏ việc về quê phát triển nghề gia truyền

Thứ ba - 28/03/2023 08:30
Từ một kỹ sư mỏ địa chất, chàng thanh niên Nguyễn Minh Phong đã bỏ phố về làng quê là xã Thanh Bình Thịnh của mình để lập nghiệp, nối tiếp nghề làm cưa gia truyền của gia đình.
Chàng kỹ sư mỏ bỏ việc về quê làm cơ khí

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề truyền thống làm cưa anh Nguyễn Minh Phong (SN 1987) từ nhỏ đã theo ông và cha của mình mày mò làm từng lưỡi cưa, ốc vít để phục vụ bà con trong làng nghề mộc Thái Yên.

Sau khi tốt nghiệp THPT anh cũng theo các bạn rời quê, vào đại học trở thành một chàng kỹ sư ngành mỏ địa chất, ra trường anh Phong lên Lào Cai làm việc Công ty con của Công ty khoáng sản Việt Nam, sau đó chuyển về chi nhánh ở Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, lương tháng hơn 10 triệu đồng. Vào thời điểm đó với mức thu nhập như vậy được xem là khá cao, nhiều người mơ ước.
 
20230322 102702 4
Anh Nguyễn Minh Phong bỏ việc về quê phát triển nghề gia truyền của gia đình.
 
Tuy nhiên, với niềm đam mê thích tìm tòi, khám phá về nhà lại thấy bố cặm cụi với xưởng cơ khí thủ công của gia đình nhưng không mấy hiệu quả, lại thấy thị trường bây giờ cưa máy phát triển, không những chỉ là cưa gỗ, cưa kim loại, mà đến thực phẩm cũng cần cưa riêng,… anh muốn tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống của gia đình.

Nghĩ là làm, năm 2015 anh Phong quyết định nghỉ công việc của mình về quê bắt đầu khởi nghiệp lại từ xưởng cơ khí gia truyền của gia đình, trước sự phản đối của gia đình và mọi người.

Ban đầu, vì làm thủ công nên công việc không mấy hiệu quả, anh bắt đầu nghiên cứu, thấy cần chuyên môn hóa, nâng cấp máy móc. Anh ra ngân hàng đặt vấn đề vay gần 500 triệu đồng về đầu tư, thuê thêm người, sắm các máy dập răng cưa, máy mài cưa, máy rửa cưa, máy hàn tự động, lưỡi cưa đa năng cùng nhiều thiết bị phụ trợ khác...

Nhờ có khách hàng truyền thống của bố cộng thêm các kênh bán hàng trên mạng xã hội, đến năm 2017, sản phẩm tại xưởng của Phong bán ra đều, cho mức thu nhập ổn định. Phong chia sẻ, việc được đào tạo qua đại học và từng là kỹ sư giúp ích rất nhiều cho nghề cơ khí. Vốn tiếng Anh khá, với những máy móc hiện đại nhập từ Châu Âu về, anh thường lên mạng tìm hiểu cách vận hành rồi áp dụng nhờ thế càng ngày sản phẩm đưa ra thị trường càng hoàn thiện và đa dạng hơn.
 
20230322 102702
Công nhân làm tại xưởng anh Phong.
 
Đầu năm 2022, xưởng cũ chật chội, an toàn lao động thấp, ảnh hưởng khu dân cư, Phong quyết định thuê cơ sở mới ở cụm công nghiệp Thái Yên, xã Thanh Bình Thịnh để mở rộng quy mô. Bố cũng ra làm cùng, vợ nghỉ việc ở trường mầm non về phụ giúp. Xưởng rộng hàng trăm m2, có 10 công nhân làm việc thường xuyên. Hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư hơn một tỷ đồng.

Xưởng cơ khí của Phong hiện tại sản xuất cưa vanh gỗ, cưa cắt trầm hương, cưa thực phẩm, bán phụ kiện, linh kiện cho ngành mộc. Cưa có kích thước đa dạng, dài một mét trở lên. Một ngày 8 tiếng, gia công chế tạo được 200 chiếc cưa các loại. Thị trường tiêu thụ ổn định. Không chỉ phục vụ trong tỉnh mà hầu như cưa của anh đã được người tiêu dùng trong cả nước tin dùng và đặt hàng thường xuyên.

Theo anh Phong, “Vì sinh ra trong làng mộc Thái Yên nổi tiếng nhất nhì Hà Tĩnh, sản xuất bàn ghế, tủ... với mẫu mã đẹp, thị trường tiêu thụ rộng lớn ở trong nước nên anh hiểu rõ được loại gỗ nào thì cần lưỡi cưa như thế nào nên tiếp cận được đúng khách hàng. Trước đây, người dân trong làng nghề muốn mua lưỡi cưa chủ yếu phải ra Nghệ An hoặc gửi từ Hà Nội về, nhưng từ khi có xưởng cơ khí của anh thì việc cần lưỡi cưa theo yêu cầu trở nên dễ dàng hơn đối với làng nghề nơi đây. Không những thế, sản phẩm của anh lại còn xuất ngược lại ra Hà Nội, vào đến tận TP. Hồ Chí Minh”.

Tạo nên thương hiệu riêng

Đặc biệt, anh Phong chia sẻ, lưỡi cưa trầm hương và lưỡi cưa thực phẩm được xem là hai lưỡi cưa độc quyền ở xưởng của anh.
 
20230322 101400
Lưỡi cưa thành phẩm của xưởng.
 
Lưỡi cưa trầm hương không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh khác như Quảng Nam, Khánh Hòa,… nhập về, vì trầm hương là một loại gỗ đặc biệt, để lấy được trầm ra không bị hỏng, bị hao trầm thì lưỡi cưa buộc phải mỏng, bén và đặc biệt không cắt phạm vào trầm.

Trong khi đó lưỡi cưa thực phẩm là lưỡi cưa anh nhập độc quyền thương hiệu nổi tiếng từ Anh về.

Nhờ vậy mà tổng doanh thu hàng tháng xưởng của anh thu về khoảng 300 triệu đồng chưa trừ chi phí. Công nhân hiện tại của xưởng 10 người với mức thu nhập từ 5- 8 triệu đồng tùy vào tay nghề của thợ.

Ông Quế bố của anh Phong cho biết: “Nó (anh Phong) không chỉ ham mày mò sáng tạo, khám phá mà với thôn xóm cũng là một chàng thanh niên năng nổ tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Giờ nghề gia truyền cũng có người kế nghiệp, nó cũng lo được cho gia đình vợ con nên tôi bớt lo hẳn”.

Hiện tại, anh Phong cũng đang muốn huyện, tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho mô hình sản xuất công nghiệp như anh để có thể vay vốn mở rộng cơ sở sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các bạn trẻ muốn ở lại quê hương lập nghiệp.

Tháng 12/2021,anh Phong được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn (tôn vinh thanh niên nông thôn đạt thành tích xuất sắc trong phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới). Tháng 12/ 2022 đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2022” do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức với dự án “Lưỡi cưa Phong Hoa".

Diễm Phước
Theo Kinhtedouong.vn
Link gốc: Hà Tĩnh: Chàng kỹ sư mỏ bỏ việc về quê phát triển nghề gia truyền (kinhtedouong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây