“Bộ đội Thông”

Thứ ba - 21/03/2023 07:45
Trước chuyến đi thực tế cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về cơ sở, chúng tôi được các đồng nghiệp nhắn nhủ, nếu có đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, nên tìm hiểu và viết về tấm gương Trung tá QNCN Phan Văn Thông, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng-người được bà con vùng biên yêu mến gọi thân mật là “Bộ đội Thông”.
 Anh có thâm niên gần 30 năm bám các địa bàn phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội để ươm mầm hy vọng, giúp đỡ nhiều người nghiện làm lại cuộc đời.

Cảm hóa bằng trách nhiệm và tình thương

Thượng tá Võ Văn Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kể lại với đoàn chúng tôi: Một thời, hễ nhắc đến thôn Khe 5 (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), ai nấy đều lo lắng và cảm thấy bất an. Bởi lẽ, trong xóm nhỏ nằm cạnh Quốc lộ 8A tồn tại hoạt động buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; số người nghiện nhiễm HIV tăng nhanh; tình hình trật tự, an toàn xã hội hết sức phức tạp.

Để ổn định cuộc sống của đồng bào, năm 2010, Trung tá QNCN Phan Văn Thông đã chủ động tham mưu với đơn vị và chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ (CLB) Tình thương, nhằm tuyên truyền pháp luật tới những người lầm lỡ, động viên họ tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Nơi tập trung sinh hoạt cho các đối tượng đã có, nhưng làm thế nào để tiếp cận và tập hợp được các đối tượng lại là điều trăn trở của đội ngũ cán bộ biên phòng. Do các đối tượng thường cho rằng cán bộ biên phòng tìm gặp là để bắt đi cai nghiện, nên họ thường xuyên lẩn tránh. Điều đó đồng nghĩa, an ninh, trật tự khu vực chưa thể ổn định và bà con vẫn sống trong thấp thỏm, lo âu.

Khó khăn là vậy, nhưng với tác phong của người lính biên phòng và vai trò Chủ nhiệm CLB Tình thương, anh Thông cùng các thành viên Đội Vận động quần chúng không quản khó khăn, quyết tâm bám nắm địa bàn nóng để quản lý đối tượng. Anh là một trong những người đầu tiên tiếp cận và vận động thành công các đối tượng tham gia sinh hoạt tại CLB. Bằng cách xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tuần, hằng tháng để tiếp cận những đối tượng nghiện ma túy, anh kiên trì lặn lội đến từng nhà để vận động. Đến một lần không được thì đến nhiều lần, anh kiên trì tìm gặp và vận động họ bằng được. Khi được hỏi về bí quyết để cảm hóa những đối tượng này, “Bộ đội Thông” chỉ mỉm cười, nhưng chúng tôi hiểu rằng, đó vừa là trách nhiệm vừa là tình thương đối với những con người lầm lỡ. Với những việc làm thiết thực và chân tình, anh động viên, giúp đỡ họ như chính người thân trong gia đình.
 
D2023032104
Một buổi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ Tình thương với sự tham gia của đại diện đoàn thể địa phương.

Khi chúng tôi bày tỏ muốn được biết về CLB Tình thương, “Bộ đội Thông” phấn khởi chia sẻ, hiện nay, CLB được xem là “mái nhà chung” của 47 thành viên không may lầm lỡ tham gia sinh hoạt. Hầu hết họ đã nhận rõ sai lầm, trở về với cuộc sống đời thường, làm ăn chân chính, gia đình hạnh phúc.

Anh tâm sự: "Sự nghiệp của những người lính biên phòng gắn bó với biên cương Tổ quốc, với đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Với tâm niệm “đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn mang tình thương yêu chân thành đến với bà con và được bà con ghi nhận, tin tưởng thì mình càng thêm tâm huyết".

Quả ngọt trên hành trình trở về nẻo thiện

Đoàn chúng tôi tới CLB Tình thương đúng dịp sinh hoạt định kỳ nên có cơ hội hiểu hơn về những thành viên trong CLB. Họ từng loay hoay muốn làm lại cuộc đời nhưng không biết bắt đầu từ đâu, từng nghĩ cuộc đời mình vậy là đã bỏ đi. Nhưng khi được cán bộ biên phòng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật, họ đã từ bỏ các tệ nạn xã hội, có kiến thức phòng, chống HIV. Ngoài ra, một số người có hoàn cảnh khó khăn còn được được tặng nhà tình nghĩa, được hỗ trợ vốn từ “ngân hàng bò”. Từ đây, những mảnh đời một thời lạc lối đã xếp lại quá khứ, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, mặc cảm để làm lại cuộc đời.

 Kể với chúng tôi, anh Phạm Quang Minh còn nhớ rất rõ, khi 21 tuổi, anh đã biết đến ma túy, 5 năm sau, anh phát hiện mình đã nhiễm HIV. Năm 2004, khi cai nghiện thành công và trở về quê hương, nhưng anh bị mọi người xa lánh. Ngay chính người thân trong gia đình cũng rất e ngại, dè dặt khi tiếp xúc với anh. Đó là những ngày tháng đau khổ và suy sụp nhất cuộc đời đối với anh. Thật may, với sự cảm thông, giúp đỡ của Trung tá QNCN Phan Văn Thông nên Minh đã tìm được lối thoát. Ra cửa khẩu lao động chân chính, Minh được bầu làm Tổ trưởng Tổ bốc vác và được bà con nơi đây tin tưởng. Sau đó, anh mạnh dạn vay vốn, nhận bảo vệ 4ha rừng, khoanh nuôi, trồng dặm thêm gần 2ha cây lấy gỗ và cây ăn quả. Với anh Minh, điều quan trọng hơn cả là anh đã tìm thấy tình yêu cuộc sống, đã đứng dậy sau khi vấp ngã. Anh tâm nguyện sẽ lấy chính cuộc đời mình để làm gương cho những người cùng cảnh ngộ. Hiện nay, được tín nhiệm giao làm Phó chủ nhiệm CLB, anh Minh là một tuyên truyền viên tích cực trong các chiến dịch truyền thông phòng, chống tệ nạn ma túy của CLB. Hơn 40 tuổi, giờ đây anh là một người cần mẫn, lạc quan và say mê lao động.

Cùng hoàn cảnh với anh Phạm Quang Minh, anh Hoàng Anh Tuấn cũng là một trong những người quyết tâm từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Một Hoàng Anh Tuấn chìm đắm trong những cơn "phê thuốc", lao mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng đã trở thành quá khứ. Giờ đây, anh là ông chủ của trang trại chăn nuôi lớn nhất nhì xã vùng biên. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn còn thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ anh chị em cùng hoàn cảnh và bà con nhân dân trong thôn, xóm về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Chính điều đó đã giúp anh tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. "47 người trong CLB giờ đều đã cắt cơn nghiện. Nếu không có “Bộ đội Thông” và đội ngũ cán bộ biên phòng, chúng tôi không biết đi đâu về đâu, cũng có thể đã chết rồi...!”, anh Hoàng Anh Tuấn xúc động chia sẻ với chúng tôi khi nhắc đến ân nhân trong cuộc đời mình.

Từ tấm gương vượt bóng tối ra ánh sáng của anh Minh, anh Tuấn, nhiều thành viên trong CLB Tình thương đã vươn lên sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Thay cho những giọt nước mắt tủi hờn của vợ con và những người thân của họ trước đây là niềm hạnh phúc đong đầy trong mỗi gia đình. Nhiều gia đình, con cái các anh thi đua học giỏi, giành nhiều thành tích, đoạt nhiều giải cao của huyện, của trường như gia đình anh Bình-chị Loan, gia đình anh Hoàn-chị Thương...

Tham gia CLB Tình thương không chỉ có những người từng lầm lỡ, mà còn có đại diện các cơ quan, đoàn thể ở thôn Khe 5. Ông Phan Hữu Duẩn, Trưởng thôn Khe 5 cho biết: “Bộ đội Thông là người bám trụ, gắn bó với địa phương nhiều năm. Không chỉ tuyên truyền cho người dân chấp hành nghiêm pháp luật, anh còn tích cực vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới". Đến nay, 100% hội viên CLB Tình thương đã có việc làm ổn định, nhiều người kinh tế khá giả. Đặc biệt, họ trở thành những nhân chứng sống để tuyên truyền cho thế hệ trẻ thực hiện đúng pháp luật và thành công trong cuộc sống. Thôn Khe 5 trở thành thôn kiểu mẫu của xã Kim Sơn-một xã ở khu vực biên giới đã về đích nông thôn mới rất sớm, với nhiều thay đổi rõ rệt, đời sống người dân được nâng cao.

Vậy là hơn 10 năm qua, nỗi ân hận, xót xa đang vơi đi trong lòng những con người từng vấp ngã. Một vùng biên từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy và phức tạp về an ninh, trật tự đã không còn nữa. Bà con nơi đây vẫn truyền cảm hứng cho nhau với câu chuyện gần 50 người nghiện đã từ bỏ ma túy, trở thành người có ích cho xã hội. Tình thương đã giúp những người lầm lỡ hồi sinh, và cũng chính nơi đây đã cảnh tỉnh nhiều mảnh đời để không sa chân vào con đường lầm lỗi, giữ gìn sự bình yên trong mỗi nếp nhà, ngõ xóm.
Bài và ảnh: THU THẢO
Theo qdnd.vn

Link gốc: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/bo-doi-thong-722380

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây