Những người thầy ấy không phải có điều kiện thuận lợi đi xe máy trên đường rộng thênh thang ở phố thị đến trường ngày đầu năm học. Những người thầy ấy cũng không có trường lớp to rộng khang trang với lễ lạt tưng bừng ngày khai giảng. Ngược lại, họ, có khi đến được trường thì quần áo đã nhuộm vàng bùn đất.
Mỗi năm mỗi mùa khai giảng, lại những hình ảnh thầy trò làm xúc động lòng người. Nhưng vượt lên hết, vẫn là những tấm gương thầy cô vượt qua hoàn cảnh để đến trường khai giảng dạy dỗ các em.
Thực ra, hình ảnh thầy giáo ở Thanh Hóa phải đi máy xúc qua điểm sạt lở để đến được trường chỉ là sự tiếp nối của những hình ảnh “đặc sản” tại nhiều địa phương khó khăn hay vừa trải qua thiên tai. Những năm trước, không ít trường hợp thầy giáo phải lội suối lội sông dắt dìu học sinh đến trường.
Thậm chí, thầy giáo còn đu dây qua sông mới đến được lớp kịp giờ khai giảng. Những người thầy ấy, nếu không vì nhiệm vụ, lòng yêu nghề và yêu người, chắc khó mà chịu đựng nổi hoàn cảnh khó khăn và những nghịch cảnh cay đắng.
Năm 2018, tiêu cực sửa điểm thi có lẽ sẽ trở thành vấn đề nổi bật của ngành giáo dục song không vì thế có thể làm lu mờ được những nét đẹp thầy trò dịp khai giảng. Bởi nếu không có những người thầy như thế ở Hà Tĩnh phải ăn bánh mì cầm hơi để dọn dẹp trường sau lũ ở dịp khai giảng năm trước, và nếu không có những thầy cô trường Suối Bau ở vùng lũ Sơn La phải bám trụ để sửa lại đường đến trường bị sạt lở do mưa lũ vừa mới đây, thì chắc chắn những điểm trường đó không thể có một lễ khai giảng chan hòa tình cảm vào đúng ngày 5.9.
Những xúc cảm của ngày khai giảng vẫn chảy tràn trong lòng ngay cả đối với những người đã ra trường hàng chục năm, thậm chí cả nửa thế kỉ. Bởi ngày khai giảng là không khí, là văn hóa tựu trường luôn gợi lên bao kí ức đẹp đẽ.
Giáo dục ở miền ngược, vùng núi cao hay những nơi khó khăn, thầy cô có những triết lí đôi khi cứ ngỡ là không mang tính giáo dục nhưng thực ra lại giản dị và thực tế. Đó là cách diễn đạt của các thầy cô ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình: Lo cho các em ăn no thì học cái chữ mới vào được. Thế là các thầy cô ngày lên bục giảng, tối đi đánh bắt cá nuôi học trò.
Có ở đâu, thầy cô giáo phải làm kiêm luôn thiên chức của người cha người mẹ như thế với niềm hạnh phúc và tình thương chứa chan?
Tất nhiên nếu được chọn lựa, ai chẳng muốn có được ngày khai giảng tưng bừng tại những điểm trường to rộng, khang trang, sạch đẹp. Nhưng với nhiều nơi trên đất nước này, sự theo đuổi việc dạy chữ và học chữ còn đầy khó khăn và gian nan thì hầu như thầy và trò không có chọn lựa khác. Có chăng là cách lựa chọn gắn kết, cảm thông và yêu thương để vượt qua bao khó khăn trở ngại.