"Ngôi nhà" đặc biệt
Vào những ngày đầu năm học mới, chúng tôi đã có dịp ghé thăm và được lắng nghe những câu chuyện về "ngôi nhà" đặc biệt này - Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh đóng tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Ngôi trường này được thành lập vào năm 1996. Đây là cơ sở giáo dục công lập chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho các em dân tộc thiểu số, con em gia đình dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Hàng năm có hàng trăm em học sinh từ nhiều dân tộc thiểu số như: Chứt, Lào, Mường, Thái, Mán, Nguồn, Tày, Khơ-me, Sán Dìu, Mã Liềng đến lưu trú và học tập.
Trải qua hàng chục năm xây dựng, đến nay hàng ngàn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã được rèn luyện, học tập và trưởng thành.
“Các em đến từ nhiều huyện khác nhau trong tỉnh như huyện Vũ Quang, Hương Sơn. Thậm chí ở các tỉnh khác nhưng các em theo bố mẹ về định cư ở Hà Tĩnh”, thầy Mai Văn Hải, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh cho biết.
“Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, sinh hoạt cũng như ngôn ngữ khác nhau. Song về đây các em lại cùng ăn, ở, học tập, vui chơi cùng nhau. Và những khoảng cách, bất đồng về ngôn ngữ, phong tục dần dần đã được xóa bỏ. Các em xem nhau như anh em trong gia đình”, thầy Mai Văn Hải chia sẻ
Với các em, ngôi trường này chính là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.
“Vừa dạy kiến thức, vừa dạy sống tự lập”
Năm học 2018 - 2019, “ngôi nhà” đặc biệt này có 220 em. Trong đó có 208 em đến từ 10 dân tộc thiểu số.
Chính sự đa sắc tộc này, đặc biệt từ giai đoạn 1996 đến năm 2010, nhà trường có thêm cả bậc tiểu học đã khiến công tác dạy học gặp không ít khó khăn. Đó là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ cũng như kỹ năng sống của các em còn hạn chế.
“Các em còn nhỏ lại đến từ các dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu kiến thức đặc biệt là kỹ năng sống, giao tiếp còn rất hạn chế. Nhất là các em đồng bào dân tộc Chứt, nhiều lúc các em chỉ nói với nhau bằng tiếng bản địa nên hết sức khó khăn trong việc tiếp cận để hiểu các em”, thầy Mai Văn Hải tâm sự.
Khác hẳn với những ngôi trường khác, ngoài việc dạy kiến thức trên lên học thì trau dồi kỹ năng sống tự lập cho các em học sinh nơi đây cũng hết sức quan trọng.
Ngay từ khi các em đến nhập học, hầu như các giáo viên ở đây phải thay phiên nhau để cùng xuống sinh hoạt, ăn uống cùng các em. Dạy các em từ những điều nhỏ nhất như giờ giấc ăn, ngủ, dạy cách rửa chén bát, giặt quần áo đến vệ sinh cá nhân…
“Mỗi phòng ở có khoảng 6 đến 8 em. Và mỗi phòng như thế chúng tôi đều cắt cử các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy kỹ năng sống xuống tận phòng để bày cho các em. Những ngày đầu thì rất vất vả vì đa phần các em sống theo bản năng”, thầy Hải cho biết.
Thế nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm, những người thầy người cô ở ngôi nhà đặc biệt này cũng dần dần uốn nắn đưa các em vào một guồng khuôn khổ.
“Sau một thời gian nhập học thì các em đã biết làm mọi việc để tự lập cuộc sống của mình. Và các em rất quý nhau, xem nhau như là anh em trong gia đình”, thầy Hải không giấu được cảm xúc của mình khi nói về những “đứa con” của mình.
(Còn nữa)
Tác giả bài viết: Xuân Sinh
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn