Giáo viên và học sinh tại Hà Tĩnh: Tâm tư với Tiếng Việt Công nghệ giáo dục

Thứ ba - 11/09/2018 13:37
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ kết quả của chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (CNGD), nhiều giáo viên cũng lên tiếng phản ánh những bất cập, tồn tại của chương trình này khi áp dụng trong thực tế.

 

Học sinh Tiểu học tại Hà Tĩnh trong giờ ngoại khóa. Ảnh: PV

Học sinh Tiểu học tại Hà Tĩnh trong giờ ngoại khóa. Ảnh: PV
 

Mất quá nhiều thời gian

Một cán bộ quản lý giáo dục tại Hà Tĩnh nêu câu hỏi: Xin hỏi giáo viên (GV) dạy Tiếng Việt CNGD có hay không việc bị áp lực từ cách dạy và từ các nhà quản lý đến dư luận xã hội làm cho nhà giáo phải chú tâm nhiều hơn vào dạy môn này mà ảnh hưởng đến các môn học khác, các hoạt động khác của học sinh (HS)? Có hay không HS được tập trung đầu tư cho học Tiếng Việt CNGD mà “lơ là” trong học phép tính, giống như nuôi gà chọi trong bồi dưỡng HS giỏi?

Cô TH - người đã dạy Tiếng Việt 1-CNGD nhiều năm tại huyện Hương Khê - phát biểu: Chị thấy dạy Tiếng Việt CNGD hầu như dành hết thời gian cho môn này. Khoảng 1 tháng đầu cô trò vật lộn với các nét cơ bản. Không hề đả động đến các môn học khác. Sau này Tiếng Việt đỡ hơn mới dạy đuổi mỗi lần 2-3 thậm chí 4-5 bài. Nhất là môn Toán chính vì thế nên khi lên lớp 2 vẫn còn rất nhiều em giơ tay ra tính, vẫn nhầm lẫn giữa cộng và trừ...

Còn các môn Tự nhiên Xã hội, Đạo đức chỉ làm vào vở bài tập cho có vậy thôi. Các môn Hát nhạc, Mỹ thuật, Thể dục các cô cũng dành cho Tiếng Việt CNGD. Cô TH cho rằng, nếu dành thời gian thế này cho chương trình Tiếng Việt hiện hành thì chất lượng của HS còn hơn thế.

Cô Lê Thị Hồng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nói: “Chỉ là để HS đọc thông viết thạo thôi mà làm phức tạp rối rắm lên. Học lớp 1 chương trình CNGD xong lên lớp 2 hiện hành thực sự rất bất cập. Chương trình lớp 1 hiện hành có kể chuyện, luyện nói, tìm từ, đặt câu và các từ khó đều được giải nghĩa còn Tiếng Việt CNGD thì “chân không” về nghĩa, HS cứ đọc viết; bài đọc, viết dài và khó. Không chỉ GV, mà cán bộ quản lý cũng rất vất vả, “vật lộn” với CNGD trong thời gian đầu.

Nguyên nhân, cô Hồng lý giải: Chương trình cũ, những HS đuối hơn về nhà phụ huynh, có thể kèm cặp giúp các bé nhận biết hết mặt chữ. Với CNGD, môn Tiếng Việt hoàn toàn phó mặc cho GV. Nhiều HS đúng là đã đọc nhanh hơn và viết được hết các chữ khó. Nhưng đó là do thời gian dành cho Tiếng Việt quá nhiều với 3 quyển sách chính dày. Ngày học ở trường, tối về viết chính tả.

Hệ lụy của lối đánh vần “lạ”

Một trong những nội dung gây tranh cãi của chương trình Tiếng Việt CNGD là cách đánh vần các chữ c/k/q đều là “cờ”; d/gi đều đọc là “dờ”.

Cô Lê Thủy (Cẩm Xuyên) nhận định: “HS học Tiếng Việt CNGD đọc tốt hơn, chữ đẹp hơn, dùng các dấu thanh chuẩn hơn. Nhưng nhiều em toàn bị nhầm lẫn và toàn phải hỏi lại các chữ c, k, q, d, gi khi đọc viết chính tả. Nếu có tiếng “d/gi”, nhiều HS lại hỏi “giờ trên hay giờ dưới” hoặc “giờ nhẹ hay giờ nặng”.

 

Cô Thủy cũng thấy đến lớp 4-5, HS học CNGD hay sai chính tả, lỗi cơ bản là nhầm lẫn giữa c và q, nhiều em viết “qoanh, qoan”. “Có nhiều em hôm nào chính tả tôi cũng bắt viết lại cả chục dòng những chữ này, để các em không bị nhầm nữa” - cô Thủy cho hay.

Một số GV khác vẫn tỏ ra tiếc nuối chương trình hiện hành. “Em lại không thích nội dung các bài đọc của sách CNGD. Em thấy những bài đọc ở sách cũ hay và phù hợp với việc giáo dục tình cảm đạo đức cho HS hơn” - cô Hồng Thanh (Nghi Xuân” bộc bạch.

“Tiếng Việt hiện hành nhẹ nhàng trong sáng. Học chữ học luôn đạo đức, rèn luyện tính cách, dạy cho HS biết yêu quê hương đất nước, gần gũi với thiên nhiên. Tiếng Việt mới rườm rà, nặng nề quá so với tư duy của các cháu. Thêm vào đó có cả tiếng địa phương, quá nhiều HS không thể hiểu hết” - cô Thanh nhận xét.

Tác giả bài viết: Quang Đại

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây