Hàng nghìn héc-ta lúa đã và đang đứng trước nguy cơ mất mùa, nhiều diện tích người dân không thể gieo cấy. Một số sông ở khu vực mặn bắt đầu xâm nhập.
Nắng nóng kéo dài khiến những cánh đồng đất trắng, khô héo; hàng trăm héc ta mạ đã quá ngày, lá cháy sém, người dân bất lực trước tình hình thời tiết khô hạn. Đây là tâm trạng lo lắng của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Hai (xóm 1, Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) than thở: "Làm việc dưới nắng nóng khổ cực lắm nhưng chúng tôi vẫn phải ra đồng làm cho kịp vụ". Ảnh Dân Việt.
“Nắng hạn kéo dài như thế này thì dân khó có thể sản xuất được, bởi vì như vừa rồi nắng nóng ngô cháy trắng, hiện tại diện tích cỏ và sắn trên đồng cũng đang trên đà cháy…”, một người dân ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho biết, do nắng nóng lâu ngày nên nhiều nơi người dân đã thiếu nước sinh hoạt và phải gánh từ nhà ra để tưới, cứu mạ.
Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã gieo cấy được trên 112.000 ha lúa trên tổng số hơn 116.000 ha theo kế hoạch. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh có 241/610 hồ dưới mực nước chết, trong đó có nhiều hồ kiệt nước. Nắng hạn kéo dài hàng tháng trời khiến trên 7.500 ha lúa thiếu nước dưỡng. Trước tình hình nắng hạn, các địa phương đã phải lắp đặt hàng trăm máy máy bơm dầu để thực hiện bơm vét nước chống hạn.
Khô hạn kéo dài tại Nghệ An khiến nhiều nhiều ruộng đồng phải bỏ hoang.
Tại các vùng ven biển Thanh Hóa như Quảng Xương, Tĩnh Gia, tình trạng mặn đã xâm nhập vào hệ thống sông Ý, sông Hoàng khoảng 15 km với độ mặn 2%. Vì vậy, việc bơm nước trực tiếp từ hai hệ thống sông này cũng phải rất cẩn trọng.
Ông Đặng Tiến Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá cho biết: trước tình hình nắng hạn, các địa phương tuyệt đối không cấy cưỡng.
“Tập trung các hồ nước còn lại để phục vụ cho công tác tưới dưỡng. Đối với các khu vực có khả năng cao nước không thể phục vụ được, địa phương chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huy động tối đa các trạm bơm dã chiến, máy bơm dầu để tận dụng mọi nguồn nước sẵn có. Đối với các công ty thủy nông hỗ trợ cho địa phương kể cả trong vùng ngoài vùng có nguồn nước bơm tưới cho bà con, phục vụ tối đa, và tổ chức thường trực 24/24h”, ông Dũng nói.
Nhiều ruộng lúa tại một số vùng ở Nghệ An khô hạn, nứt toác vì nắng nóng, thiếu nước.
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, nắng hạn đang khiến nhiều diện tích cây trồng khô héo. Các huyện Hương Khê, Hương Sơn… là những địa phương xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong đợt nắng nóng này.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, các địa phương quyết liệt triển khai biện pháp chống hạn theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trước dự báo trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục nắng nóng gay gắt kéo dài 10 – 20 ngày tới, các công ty thủy lợi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức đắp chặn các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch để giữ nước.
Mặt khác, bơm tát, lắp đặt thêm các máy bơm dã chiến, thực hiện phương án chuyển nước tạo nguồn từ các hồ chứa để chống hạn. Tương tự như tại Thanh Hóa và Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã trải qua 7 đợt nắng nóng, riêng trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 có nhiều đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài với nền nhiệt cao lên đến 39,5 – 41,5C, kéo theo đó là hạn hán khiến ruộng đồng khô nẻ, hồ đập cạn nước, nhiều loại cây trồng chết cháy; đời sống người dân bị đảo lộn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng.
Tỉnh Nghệ An có khoảng 13.000 ha bị hạn, thiếu nước, hàng trăm hồ đập đang cạn dần, nguy cơ mất trắng vụ mùa.
“Ngay từ đầu vụ sản xuất, dự báo hạn hán, chúng tôi đã chỉ đạo tập trung dự trữ nguồn nước có hiệu quả. Một số xã lấy nước nguồn sông đào, sông Lam thì cũng cơ bản, còn một số xã ở 2 đầu của huyện thì phải dùng giải pháp tiết kiệm, còn vùng mà nước phải chờ trời thì khuyến cáo bà con chuyển đổi sang cây trồng cạn, tuy nhiên có những vùng nếu nắng nóng kéo dài thì bất khả kháng…”, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết./.