Mỏ sắt Thạch Khê: Dừng khai thác mới là quyết sách

Thứ bảy - 16/06/2018 10:53
Hơn 10 năm Hà Tĩnh thực hiện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã bộc lộ ra nhiều tiêu cực. Các hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế xã hội đã khiến các nhà lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh, các chuyên gia kinh tế cùng đông đảo nhân dân mong muốn dừng khai thác.
 
mo-sat-thach-khe

Llễ khởi công bóc đất từng phủ mỏ sắt Thạch Khê năm 2008

Những năm đầu của thế kỷ XXI, mỏ sắt Thạch Khê, với những đánh giá kỳ vọng về trữ lượng tài nguyên quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, âu cũng là niềm tin, hy vọng lớn của người dân Hà Tĩnh.

Thế nhưng, ngay sau khi dự án triển khai, những hệ lụy bắt đầu lộ diện. Đến thời điểm này, sau hơn 10 năm khai thác, nếu so sánh được và mất đã quá rõ ràng, bởi hệ quả mất là thứ mà địa phương và nhân dân phải nhận quá nhiều so với hiệu quả.

Góp thêm vào hệ quả đó là năng lực yếu kém của nhà đầu tư cũng khiến tương lai của dự án trở nên mơ hồ. Nếu như trước đây, người dân chờ đợi khai thác mỏ sắt bao nhiêu thì hiện nay lại càng mong mỏi Chính phủ cần sớm ra quyết định dừng dự án bấy nhiêu.

mo-sat-thach-khe-ha-tinh

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống người dân

Ông Nguyễn Văn Bổng, một cán bộ hưu trí thuộc thôn Văn Sơn (xã Thạch Đỉnh) cho biết: “Kể từ khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào khai thác, hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu nhưng lại gây nên biết bao hệ lụy đối với cuộc sống của hàng vạn người dân

nguyen-thi-kim-ngan
"Tôi được biết, tỉnh đã có báo cáo với Chính phủ về giải quyết tình hình khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Theo tôi, để cho Thạch Hải nói riêng và Thạch Hà nói chung phát triển thì có lẽ chúng ta phải tạm thời dừng khai thác tài nguyên trong lòng đất để khai thác tiềm năng lợi thế từ biển đang sôi động" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo ông Bổng, nếu cứ tiếp tục khai thác thì chắc chắn vùng đất này nguy cơ trở thành vùng đất chết khi nguồn nước sinh hoạt lẫn nguồn nước phục vụ sản xuất bị ô nhiễm, dẫn đến cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, những bãi thải khổng lồ sẽ xuất hiện xâm lấn các vùng dân cư. Đặc biệt là nguy cơ bị lũ quét và ngập lụt ở khu vực bờ moong. "Chính vì thế, chúng tôi tha thiết cầu xin Chính phủ cho dừng dự án để khắc phục hậu quả dự án gây ra và để ổn định lại cuộc sống”, ông Bổng nói.

Theo khảo sát mới nhất của các đoàn chuyên gia về môi trường từ các trường đại học cho thấy tại 6 xã vùng dự án thì có tới 95,7% người dân đề nghị dừng triển khai dự án. Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cho biết, sau 10 năm triển khai dự án, đến nay các kế hoạch, lộ trình đã công bố đều không thực hiện. Thay vào đó là việc đất đai bị sa mạc hoá toàn phần, cây cối chết đứng, nguồn nước ngầm bị tụt hẳn và ô nhiễm, nhiều vùng dân cư không sử dụng được, lao động không được chuyển đổi nghề, không có việc làm, tiến độ xây dựng nông thôn mới bị đình trệ.

The ông Hải, thực tế đó đã gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin trong nhân dân. "Nhân dân chúng tôi tha thiết đề nghị với Chính phủ có quyết định dừng khai thác mỏ sắt càng sớm càng tốt. Đề nghị hoàn thiện, trả lại mặt bằng, khắc phục diện tích đất đai bị sa mạc hoá và khôi phục nguồn nước phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất”, ông Hải nói.

Hệ lụy do dự án gây ra đã khiến đời sống kinh tế xã hội 6 xã bị đẩy lùi tụt hậu, nguyện vọng thiết thực của nhân dân trong các buổi tiếp xúc với các đoàn công tác của tỉnh, các bộ, ban, ngành trung ương liên tục đề xuất phương án dừng dự án mỏ sắt để nhân dân trong vùng ổn định cuộc sống mới. Nguyện vọng này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công Thương… đồng tình khi cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phân tích những tác hại về môi trường, thủy văn, địa chất của dự án.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh hồi tháng 1/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim ngân khẳng định: “Chúng ta đang có nguồn tài nguyên rất lớn nằm trong lòng đất chưa khai thác được, chúng ta cũng có nguồn tài nguyên nổi rất đẹp, rất hoang sơ nhưng chưa được khai thác, đó là du lịch biển Thạch Hải. Tôi được biết, tỉnh đã có báo cáo với Chính phủ về giải quyết tình hình khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Theo tôi, để cho Thạch Hải nói riêng và Thạch Hà nói chung phát triển thì có lẽ chúng ta phải tạm thời dừng khai thác tài nguyên trong lòng đất để khai thác tiềm năng lợi thế từ biển đang sôi động”.

mo-sat-thach-khe-ha-tinh1

Lãnh đạo Hà Tĩnh và các bộ ban ngành đã nhiều lần về kiểm tra dự án

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Hà Tĩnh, các Bộ ngành tiếp tục đề xuất với Chính phủ sớm ban hành quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Theo nhiều chuyên gia, nếu dự án tạm dừng khai thác, việc khắc phục, xử lý tồn đọng không kém phần khó khăn. Tuy nhiên, nếu đưa lên bàn cân so sánh với những hệ lụy về đời sống kinh tế xã hội kéo dài suốt 52 năm của dự án thì rõ ràng việc dừng khai thác là cần thiết.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê là tâm nguyện chung của lãnh đạo tỉnh, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và đại đa số nhân dân Hà Tĩnh. Tâm nguyện đó cũng đang nhận được sự đồng tình của 1 số bộ, ngành và nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trên cả nước.


Tác giả bài viết: Anh Bình

Nguồn tin: Nhà đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây