Mới đây, đoàn liên ngành tỉnh Hà Tĩnh gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Nông nghiệp, sở Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền địa phương 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đã kiểm tra thực tế, đánh giá lại toàn bộ tiến độ thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống của công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (công ty Bình Hà) để có xem xét về đề xuất xin thêm đất của công ty này.
Trước đó, công ty Bình Hà đã có văn bản số 90/CV-BH- 23/4/2018 đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép điều chỉnh, bổ sung 1.160 ha đất.
Công ty này xin đưa ra khỏi quy hoạch 730 ha tại địa bàn 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Cụ thể, tại huyện Kỳ Anh, công ty này đề xuất trả lại 199,95 ha đất đã quy hoạch trước đó gồm các xã: Kỳ Tân 7,04 ha, Kỳ Hợp 123,63 ha, Kỳ Lâm 67,51 ha , Kỳ Tây 1,77 ha. Tại huyện Cẩm Xuyên hơn 530 ha gồm: Xã Cẩm quan 193,25 ha, Cẩm Mỹ 336,8 ha. Theo công ty Bình Hà, phần diện tích kể trên là phần đất của các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng được.
Bên cạnh việc đề xuất “trả” lại một phần diện tích đất đã quy hoạch, công ty Bình Hà xin bổ sung thêm hơn 430 ha, tập trung ở các xã Kỳ Tân, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm và Kỳ Tây thuộc huyện Kỳ Anh.
Trước đề xuất này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành lập đoàn kiểm tra, soát xét để có tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết.
Tuy nhiên, dự án chăn nuôi bò Bình Hà đang dần lộ rõ là “đầu voi, đuôi chuột” và rất nhiều bất cập nên đề xuất nêu trên đã khiến dư luận không khỏi nghi ngại.
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện công ty Bình Hà đang nuôi 491 con bò thịt và gần nhất là ngày 8/6 vừa qua mới nhập về 300 con bò nái, tống số bò công ty đang có là 791 con (tương đương 0,3% so với quy mô dự án) còn trang trại hơn 580 ha của công ty Bình Hà ở huyện Kỳ Anh đã để hoang lâu nay.
“Qua theo dõi, tôi thấy để dự án phát triển và tiếp tục đầu tư như quy mô ban đầu đã phê duyệt là rất khó, họ chỉ có thể duy trì được một phần nào đó thôi”, ông Hùng đánh giá.
Đáng nói là cách làm “tiền trảm hậu tấu” của công ty này. Mặc dù chưa có quyết định chấp thuận chuyển đổi, các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích đầu tư, đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đều chưa thực hiện nhưng giữa năm 2017, công ty Bình Hà đã chuyển đổi hàng trăm héc ta diện tích trồng cỏ sang trồng chuối xuất khẩu. Tính đến ngày 12/9/2017, công ty Bình Hà đã phá cỏ, làm đất chuẩn bị trồng chuối trên diện tích 380ha. Đến tháng 3/2018, tổng số diện tích trồng chuối do đơn vị này tự ý chuyển đổi lên đến 175 ha.
Nói về tính khả thi trong việc trồng chuối xuất khẩu, ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, khẳng định: “Ai phê duyệt cho doanh nghiệp này trồng chuối hay không thì tôi không biết nhưng tôi có thể khẳng định là 90% không thể thành công được vì chúng tôi đã trồng thử nghiệm nhiều rồi. Ở đây về mùa nắng thì chuối khô héo còn mùa mưa bị gió bão dập gãy hết”.
Một cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hà Tĩnh cho hay, trong quá trình kiểm tra dự án bò Bình Hà, số liệu báo cáo của công ty này không rõ ràng nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu phải làm lại báo cáo. “Dù công ty này đã tự ý phát cỏ trồng chuối lâu nay, tính đến thời điểm hiện tại đã trồng rất nhiều héc ta chuối nhưng vẫn chưa có cấp thẩm quyền nào phê duyệt”, vị cán bộ này nói.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 2.163,5 ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống lớn nhất cả nước từng được kỳ vọng sẽ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh hơn 1.848 ha diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, sau gần 3 năm hoạt động, dự án gây ô nhiễm môi trường, dân mất tư liệu sản xuất, không đem lại hiệu quả kinh tế. Liên quan dự án này, mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc công ty Bình Hà về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. CQĐT xác định, Dũng cùng đồng phạm là Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc công ty Tân Đại Việt đã cấu kết nâng khống khối lượng chiếm đoạt 110 tỷ tại dự án nuôi bò thịt, bò giống. |
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: Người đưa tin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn