Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Phát biểu tại tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh”, tổ chức ngày 11/10, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ngoài những thay đổi về nhu cầu di chuyển, thời gian gần đây khách du lịch đang rất chú ý đến các tour du lịch trải nghiệm, có tính khám phá cao tại các điểm đến mới thuộc các địa phương vùng xa, vùng sâu.
TS. Trần Đình Thiên đánh giá đây là cơ hội để các địa phương nói trên thu hút khách du lịch nếu như họ sớm đầu tư được các hạ tầng có tính kết nối thuận tiện, nhanh chóng.
Theo ông Thiên, việc các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Đồng thời, việc có sân bay còn giúp các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông mở ra nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới đối với các hàng hóa, sản phẩm đặc hữu, đảm bảo an ninh quốc phòng trong tình huống khẩn cấp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định việc địa phương đề xuất xây dựng sân bay là nhu cầu là chính đáng. Mặc dù vậy, ông Hiếu cũng cho rằng quyết định có xây dựng hay không cần có phản biện khoa học.
"Lợi ích của sân bay không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế của sân bay là lỗ hay lãi, mà còn có lợi ích gián tiếp và các lợi ích từ việc phát triển kinh tế xã hội, bám theo để khai thác lợi ích của sân bay. Tuy nhiên, để xác định nhu cầu có thực sự chính đáng hay không, phương phải tính toán thực chất, kỹ càng về kế hoạch phát triển sân bay. Càng tính toán kỹ, sai sót càng giảm bớt", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, khi quyết định bổ sung vào quy hoạch, hay ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cần nhìn rộng hơn theo lợi ích tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội thay vì giới hạn trong một dự án cụ thể.
Cũng theo ông Hiếu, khi quyết định phát triển một dự án hàng không thì các địa phương nên tham vấn từ sớm các chuyên gia về hàng không và nhà đầu tư xây dựng cụm cảng hàng không. Ông mong muốn chính các địa phương khi có sân bay nằm trong tầm quy hoạch gần nhau sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch bổ trợ cho nhau, bởi nhiều sân bay địa phương nằm gần nhau nhưng lại có những thị trường khác nhau.
"Bài toán vĩ mô hơn là quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện nay đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng tôi kiến nghị cần phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép đồng thời sẽ không bị ấm ức và quy hoạch cũng cần được sớm thông qua để địa phương căn cứ vào đó thực hiện nhu cầu của họ", ông Hiếu nói
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề quy hoạch cảng hàng không. Ông Cung cho rằng đầu tư hiệu quả là không dàn trải.
Trong bối cảnh một số tỉnh thành có nhu cầu kết nối và phát triển sân bay để khai thác những tiền năng lợi thế tại địa phương, ông Cung nhận định trong trung hạn, kết nối hàng không là khả thi và hiệu quả.
“Phát triển kinh tế là nhu cầu hiện thực và cần được ủng hộ. Đồng thời, đi cùng đó phải tìm cách tạo những thể chế, công cụ mà các địa phương có thể sử dụng được, để các nhà đầu tư thấy có cơ hội phát triển và chính quyền địa phương có dư địa đủ mức để tận dụng những lợi thế sẵn có”, ông Cung nói.
Chí Bình
Theo vietnamfinance.vn
Link gốc: https://vietnamfinance.vn/loi-ich-cua-san-bay-khong-chi-dung-lai-o-hieu-qua-kinh-te-la-lo-hay-lai-20180504224275467.htm