Nằm trên Vành đai sinh thái Thái Bình Dương, Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cùng với số lượng sinh vật vô cùng phong phú. Các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta trải dài xuyên suốt lãnh thổ từ Bắc vào Nam và tại những đặc khu sinh thái này, rất nhiều loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu, đã và đang tồn tại. Một trong những loài động vật quý hiếm ở Việt Nam phải kể đến cheo cheo Nam Dương.
Cheo cheo Nam Dương có tên khoa học là Tragulus javanicus, là loài thú móng guốc chẵn, kích thước nhỏ thuộc họ cheo cheo, sinh sống chủ yếu dựa vào tầng rừng thấp. Chúng thường phân bố ở các rừng thứ sinh, rừng cây bụi, các đồng cỏ trong rừng ở Nam Á và Đông Nam Á. Khi trưởng thành chúng đạt kích thước như một con thỏ.
Theo đó, cheo cheo Nam Dương có thân dài khoảng 40 – 50cm, trọng lượng trung bình 1,3 – 2,3kg, không có sừng (cả con đực và cái), không có tuyến trước ổ mắt, răng nanh mọc dài ngoài mép (ở con đực dài hơn con cái), thiếu răng cửa trên.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) đã ghi được hình ảnh loài cheo cheo Nam Dương. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Bốn chân rất mảnh, ngón 3, 4 phát triển. Bộ lông ngắn, mịn, màu nâu đỏ ở mặt trên nhạt dần ở hai bên, dọc giữa lưng đậm màu, dọc gáy có vệt lông đen, dưới cằm và họng có 2 vệt trắng chung gốc, 1 vệt dọc giữa tự do, lông đuôi xù, mặt trên màu giống lưng, mặt dưới trắng nhạt.
Cheo cheo ăn lá, chồi, thân non, hoa, quả, hạt, củ, cỏ, nấm, nhưng thức ăn ưa thích là quả. Ngoài ra, cheo cheo cũng ăn côn trùng (sâu, nhộng).
Theo nhận định của các chuyên gia, cheo cheo chủ yếu bị đe dọa do nhu cầu săn bắt làm thực phẩm, đôi khi nuôi nhốt như thú cảnh, sự phân mảnh sinh cảnh sống bởi diện tích rừng suy giảm và thay đổi mục đích sử dụng rừng.
Trong nước, cheo cheo có ở Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh.
Ở các tỉnh phía Bắc, cheo cheo Nam Dương gần như tuyệt chủng, còn ở các tỉnh phía Nam, diện tích nơi cư trú đang giảm mạnh. Số lượng cá thể ước tính còn dưới 10.000 con, mỗi năm có thể giảm sút 3 - 4%.