Vào cuối tháng 9/2024, UBND xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, trong quá trình tìm lại cung đường "thiên lý Bắc - Nam" qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng chức năng đã phát hiện ra con đường cổ được xếp bằng các bậc đá mà tiền nhân sử dụng để vượt qua đèo Ngang thời xưa.
Phát lộ dấu tích cổ của con đường "thiên lý Bắc - Nam" trên đèo Ngang
Con đường mới phát hiện ở đèo Ngang dài hơn 1km với khoảng 1.000 bậc đá cổ, đi qua bia Hạ Mã trước cổng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) men theo triền núi, giữa rừng rậm, dẫn lên đỉnh đèo Ngang qua Hoành Sơn Quan – cửa ải nằm trên đỉnh đèo, để qua phía địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Dọc đoạn đường thiên lý này có một số ngôi mộ cổ với nấm mộ được xếp bằng đá. Đây có thể là mộ của binh lính canh Hoành Sơn Quan ngày xưa nằm lại, được người dân chôn cất khi qua đời. Được biết, tại khu vực Hoành Sơn Quan xưa có nhà ở cho lính canh cổng, nay chỉ còn nền đá do đã đổ sập.
Một đoạn đường đá cổ phát lộ ở đèo Ngang. Ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển.
Ngược dòng lịch sử, vào nhiều thế kỷ trước, trên con đường “thiên lý Bắc – Nam”, khi đi từ địa phận tỉnh Hà Tĩnh sang tỉnh Quảng Bình hoặc ngược lại, các bậc tiền nhân phải men theo các bậc đá triền núi để vượt đỉnh Hoành Sơn hiểm trở.
Sau khi tuyến đường hiện đại vượt đèo Ngang được xây dựng vào thời Pháp thuộc, con đường mà tiền nhân đi lại ngày xưa ít người qua lại và theo thời gian bị vùi lấp bởi cây cỏ dại.
Ông Trần Quang Trung - Phó chủ tịch UBNĐ huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, việc phát hiện này có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, góp phần quan trọng giúp các nhà khảo cổ trong việc xác định lối đi của con đường “thiên lý Bắc - Nam” và hiểu thêm cách người xưa vượt đèo Ngang hiểm trở.
Nâng tầm giá trị lịch sử cho "cổng Trời" huyền thoại
Nằm ở ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đèo Ngang dài 6 km, đỉnh cao khoảng 250 mét, là tuyến đường vượt qua dãy Hoành Sơn – một phần dãy Trường Sơn chạy ngang ra biển Đông. Phần đất phía Quảng Bình (phía Nam) thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phần đất phía Hà Tĩnh (phía Bắc) thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh.
Vào thế kỷ 10-11, đèo Ngang từng là ranh giới nước Việt và nước Chiêm Thành, trước khi nhà Lý mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Khi lãnh thổ nước Việt mở rộng về phía Nam, đèo Ngang đã trở thành một tuyến đường huyết mạch trên đường kinh lý Bắc Nam.
Theo Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, năm 1833, Vua Minh Mạng đã cho thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn, gọi là Hoành Sơn Quan, dân gian còn gọi là Cổng Trời, thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, nhằm kiểm soát dân chúng, phòng ngừa kẻ gian qua lại. Trong thời gian này, tuyến đường "thiên lý Bắc - Nam" qua đèo Ngang cũng được xây dựng với mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại.
Ngày nay, "Cổng Trời" Hoành Sơn Quan vẫn đứng sừng sững nơi đỉnh cao của tuyến đường lịch sử ở đèo Ngang. Nằm ở vị trí bao quát được toàn bộ tuyến đường vượt núi độc đạo, công trình có chiều cao hơn 4 mét, được xây dựng bằng đá núi, phía trước có mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, có trại lính.
Lực lượng xây dựng Hoành Sơn quan gồm 300 người, do thự Bố Chính là Trần Văn Tuân cai quản, thời gian hoàn thành là 1 tháng, sau khi hoàn thành thì 20 lính Quảng Bình thay phiên nhau canh giữ.
Hoành Sơn Quan ngày nay. Ảnh: Quốc Lê.
Không chỉ có vị trí chiến lược, Hoành Sơn Quan còn là một địa điểm vãn cảnh nổi tiếng của đèo Ngang. Từ cánh cổng này có thể bao quát một vùng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của dải đất miền Trung.
Trong nền văn học Việt Nam, đã có rất nhiều bài thơ viết về Hoành Sơn Quan, tiêu biểu nhất trong đó là một bài thơ bằng chữ Hán của Cao Bá Quát.
Bài thơ được phiên âm như sau:
Địa biểu lập sàn nhan
Liêu phong đáo hải gian
Bách niên khan cổ lũy
Thiên lý nhập trùng quan
Túc điểu sơ đầu thụ
Quy vân bán ủng san
Trì trì Tô quý tử
Cửu tệ vị tri hoàn.
Tạm dịch:
Núi cao thế đất uy nghiêm
Trùng trùng điệp nối liền biển khơi
Thành xưa trăm tuổi dựng xây
Đường xa ngàn dặm đi vào ải quan
Chim chiều tìm tổ về rừng
Mây bay nửa cánh ôm vòng sườn non
Chàng Tô còn mãi bôn chôn
Áo cừu đã rách về không hẹn ngày.
Qua bài thơ, có thể cảm nhận được vẻ đẹp, nét uy nghiêm của Hoành Sơn Quan qua con mắt của bậc tao nhân mặc khách khi viếng cảnh nơi đây.
Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hoành Sơn Quan là một điểm cao quan trọng án ngữ con đường Bắc – Nam. Mặc dù toàn bộ khu vực hứng chịu rất nhiều bom đạn của địch, cánh cổng cổ xưa vẫn đứng vững và trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất, quật cường để giữ vững huyết mạch giao thông.
Ngày nay, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, trở thành địa điểm dừng chân của nhiều du khách mỗi khi qua đèo Ngang.
Với việc tuyến đường "thiên lý Bắc - Nam" gồm 1.000 bậc đá được khôi phục, giá trị lịch sử của Hoành Sơn Quan sẽ càng được tô đậm, góp phần tăng thêm sức hút du lịch cho danh thắng đèo Ngang.
Gấp rút tôn đạo tuyến đường thiên lý qua đèo Ngang
Ông Nguyễn Chí Thắng - Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch cho biết, địa phương đang tôn tạo tuyến đường thiên lý từ đền Thánh Mẫu lên, nhằm tạo không gian văn hóa xưa cho người dân, du khách biết cha ông vượt Đèo Ngang như thế nào. Hoạt động tôn tạo này là cơ sở để đề nghị công nhận đoạn đường thiên lý qua đèo Ngang là di tích lịch sử. Dự kiến, khu nhà của binh lính canh gác Hoành Sơn Quan xưa cũng sẻ được phục dựng.