Tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất của mỗi người: sung sức nhất, mạnh mẽ nhất, cơ hội nhiều nhất để thực hiện ước mơ phấn đấu thành đạt, tận hiến và hưởng thụ xứng đáng. Sự sống của con người là hữu hạn, bỏ phí tuổi trẻ là bỏ phí cuộc đời. Rất nhiều người chỉ đến khi chạm tới tuổi già mới sực tỉnh nhận ra chân lý, quy luật muôn đời ấy để rồi hối tiếc, thở than, tự trách mình. Quy luật cuộc sống vẫn thế, mâu thuẫn luôn tồn tại trong mỗi người.
Dưới lăng kính của mỗi thế hệ thường có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về lớp trẻ Việt Nam hôm nay. Những người đã kinh qua các cuộc chiến tranh, năm tháng khốn khó của đất nước và bản thân; thế hệ sau chiến tranh được thụ hưởng hòa bình; thế hệ đang trong lứa tuổi trẻ, mỗi thế hệ sẽ có cách nhìn nhận về lý tưởng, lối sống, phong cách đôi khi không giống nhau, thậm chí đối lập, mâu thuẫn, trái ngược nhau.
Các bạn trẻ được đào tạo, giáo dục trong nước và ngoài nước cũng đã có những suy nghĩ về cuộc sống: ăn mặc, lý tưởng cống hiến và thụ hưởng… khác nhau. Lại có lớp cha anh chấp nhận để các bạn trẻ tự quyết định cuộc sống của mình, chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của bản thân, đừng lệ thuộc vào người khác. Tuổi trẻ hôm nay hãy học tập, noi theo tấm gương, đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.
Thời thế, hoàn cảnh lịch sử đã đổi khác, nhiệm vụ chiến lược cũng thay đổi. Đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình và đổi mới dựng xây đòi hỏi các bạn trẻ những tư duy mới, phong cách mới, trình độ mới, đột phá mới để đáp ứng yêu cầu của lịch sử.
Sự thật cuộc sống ngày nay đổi khác rất nhiều. Triết lý sống, lý tưởng theo đuổi của lớp trẻ cũng khác với tiền nhân. Đã có nhiều hội thảo, tọa đàm trao đổi về chủ đề liên quan đến thanh niên, tuổi trẻ. Và đương nhiên cũng có những ý kiến còn chưa thống nhất ở các vấn đề cụ thể.
Quan trọng hơn là làm sao để bạn trẻ chấp nhận định hướng nhận thức và hành động; chấp nhận triết lý sống của những người có tránh nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục, dẫn dắt họ? Tuổi trẻ cần phải biết giữ cái gì, kịp đổi thay cái gì, phát huy giá trị tốt đẹp thế nào? Hành động đúng và luôn biết tìm tòi sáng tạo để bắt kịp thời đại là đòi hỏi sống còn. Với tuổi trẻ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” phải trở thành triết lý, lý tưởng sống. Tổng kết mang tính kinh điển ấy được kết tinh bởi mồ hôi, xương máu nhiều thế hệ còn nguyên giá trị giáo dục, truyền dạy và kế thừa.
Lớp trẻ đã bộc lộ rõ điểm mạnh, yếu. Đảng, đất nước, dân tộc luôn đặt niềm tin vào thanh niên. Phát huy mặt mạnh, tích cực; hạn chế mặt yếu, tiêu cực bằng cách nào luôn là câu hỏi thường trực của những người bậc cha, chú, người quản lý họ. Cần phải có điều tra xã hội học căn cơ hơn để có những con số thuyết phục đánh giá hai mặt đối lập trên một cách khách quan, trung thực.
“Nói phải củ cải cũng nghe” chính là đòi hỏi của thời đại đối với những người tham gia giáo dục thanh niên. Để thuyết phục được các bạn trẻ đồng thuận, dấn thân tận hiến không phải nhiệm vụ dễ dàng. Người lãnh đạo, quản lý họ cùng xã hội chung tay, lao tâm khổ trí, góp sức tìm ra lời giải cho bài toán giáo dục ấy. Tôi chợt nhớ lời một bài hát dành cho không chỉ các bạn trẻ, có câu rất hay được thể hiện qua ngôn ngữ âm nhạc: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”, Phải chăng đó cũng là một cách tiếp cận thông minh để truyền lửa cho tuổi trẻ.
Được biết, rất nhiều độc giả yêu thích bài hát và nhạc sĩ của tác phẩm âm nhạc này, trong đó có số đông bạn trẻ. Vì thế, đây là một trong những bài hát được nhiều người thuộc lòng và hòa chung cất cao lời hát mỗi khi nghe ca khúc ấy. Tính thuyết phục của giáo dục ẩn chứa trong phương pháp và nghệ thuật tiếp cận đối tượng. Sự nghèo nàn trong phương pháp và nghệ thuật giáo dục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giáo dục. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chúng ta luôn phải biết tìm cách đổi mới giáo dục với tâm thế: cầu thị, thận trọng, luôn biết lắng nghe và thấu hiểu, không xa rời đời sống thực.
Văn Hùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng