Cảnh báo mã độc tống tiền giả danh Bộ Công an

Thứ sáu - 22/03/2019 23:10
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đưa ra khuyến cáo đối với người dùng trước tình trạng xuất hiện mã độc tống tiền giả danh Bộ Công an.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia về việc theo dõi, ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc GrandCrab 5.2.

Cụ thể, qua theo dõi không gian mạng, VNCERT phát hiện từ giữa tháng 3-2019 đến nay có chiến dịch phát tán GandCrab 5.2 vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, GandCrab 5.2 được phát tán thông qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam với tiêu đề “Goi trong Cong an Nhan dan Viet Nam” có đính kèm tệp documents.rar.

Mã độc GandCrab 5.2 được phát tán qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam. Ảnh: VNCERT
Mã độc GandCrab 5.2 được phát tán qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam. Ảnh: VNCERT

Khi người nhận được thư, giải nén và mở tệp tin đính kèm, mã độc sẽ được kích hoạt và toàn bộ dữ liệu người dùng bị mã hóa đồng thời sinh ra một tệp nhằm yêu cầu và hướng dẫn người dùng trả tiền chuộc từ 400 USD - 1.000 USD bằng cách thanh toán qua đồng tiền điện tử để được hacker giải mã dữ liệu..

Là Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, VNCERT yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị thành viên Mạng lưới chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện khẩn cấp các việc sau để phòng ngừa, ngăn chặn việc tấn công của mã độc GandCrab 5.2 vào Việt Nam.

Các biện pháp được đưa ra như theo dõi, ngăn chặn kết nối đến các máy chủ điều khiển mã độc tống tiền GandCrab và cập nhật vào các hệ thống bảo vệ như: IDS/IPS, Firewall… Trong trường hợp phát hiện mã độc, cần nhanh chóng cô lập vùng, máy đã phát hiện.

Bên cạnh đó, người dùng cần nâng cao cảnh giác, không mở và click vào các liên kết cũng như các tập tin đính kèm trong email có chứa các tập tin dạng .doc, .pdf, .zip, rar… được gửi từ người lạ, hoặc nếu email được gửi từ người quen nhưng cách đặt tiêu đề hoặc ngôn ngữ khác thường; đồng thời thông báo cho bộ phận chuyên trách quản trị hệ thống hoặc đảm bảo an toàn thông tin khi gặp nghi ngờ.

Theo định nghĩa, mã độc tống tiền bao gồm nhiều lớp phần mềm ác ý với chức năng hạn chế truy cập đến hệ thống máy tính mà nó đã lây nhiễm, và đòi hỏi một khoản tiền cho người đã tạo ra “rào cản” truy cập đó nhằm mục đích xóa bỏ việc hạn chế truy cập mà nó đã tạo ra trước đó.

Thế hệ thứ nhất của mã độc GandCrab được phát hiện lần đầu trên thế giới vào tháng 1/2018 và dòng mã độc này đã liên tục được tin tặc cải tiến, nâng cấp với mức độ tinh vi và độ phức tạp ngày càng cao. Mã độc đang được phát tán có tên GandCrab 5.2, là phiên bản mới nhất của họ mã độc tống tiền GandCrab.

GandCrab có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ dữ liệu trên máy bị nhiễm, sau đó trên máy tính nạn nhân sẽ xuất hiện thông báo đòi tiền chuộc để giải mã các file dữ liệu. Tiền chuộc được thanh toán bằng các loại tiền điện tử như Dash hoặc Bitcoin, với giá trị từ 200 đến hơn 1.000USD tùy thuộc vào số lượng đã bị mã hóa. Hệ thống bảo mật ghi nhận đã có hơn 3.900 trường hợp máy tính bị virus GandCrab mã hóa dữ liệu và đòi tiền chuộc.

Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng cần cài đặt phần mềm diệt virus thường trực cho máy tính, không mở file đính kèm từ những email không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp bắt buộc phải mở để xem nội dung, họ có thể mở file trong môi trường cách ly an toàn Safe Run.

Theo số liệu của Bkav, trong năm 2017, virus máy tính khiến người dùng Việt Nam thiệt hại 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD.

 

Tác giả bài viết: Bảo Anh

Nguồn tin: Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây