Thăm những mô hình rau hữu cơ 4.0 ở Hà Tĩnh

Thứ tư - 04/12/2019 14:26
Chỉ cần điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng quét mã QR, thông tin về sản phẩm trên từng bó rau, từ xuất xứ, hạn sử dụng, quy trình sản xuất sẽ hiện lên giúp người tiêu dùng có thể phân biệt thật - giả, kiểm tra nguồn gốc các mặt hàng cần mua.
T2019120408
Nông dân xã Tượng Sơn thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc theo công nghệ iMetos.

Chuyện con tem trên bó rau…

Chỉ cần điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng quét mã QR, thông tin về sản phẩm trên từng bó rau, từ xuất xứ, hạn sử dụng, quy trình sản xuất sẽ hiện lên giúp người tiêu dùng có thể phân biệt thật - giả, kiểm tra nguồn gốc các mặt hàng cần mua. Dù còn khá mới mẻ ở Hà Tĩnh, nhưng đây là xu thế mới trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

“Đây là những sản phẩm kết tinh từ cái tâm của người sản xuất và công nghệ, trong đó, tâm được đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại (LV&TT) tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.

Hiện tại, thông qua Hội, một số sản phẩm nông sản thuộc các xã Hương Trà (Hương Khê), Tượng Sơn (Thạch Hà), Cẩm Yên, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đạt đủ các điều kiện và được cấp tem truy xuất nguồn gốc.

Để có những bó rau đạt chất lượng, Hội LV&TT đã có quá trình chuẩn bị công phu từ cách đây hơn 1 năm. Từ tháng 2/2017, Viện Phát triển công nghệ Nông nghiệp và Giáo dục đã lắp đặt 3 trạm thời tiết tiểu vùng khí hậu AgriMedia. Trong đó, có 2 trạm tại các xã Hương Trà (Hương Khê) và Thạch Văn (Thạch Hà). Đây là các trạm quản lý khí hậu tự động công nghệ iMetos, hoạt động nhờ pin năng lượng mặt trời. Đặc biệt, hệ thống có thể dự báo, cảnh báo thời tiết, dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối… trong phạm vi bán kính 5 - 25km.

Tiếp đó, Viện xây dựng cổng thông tin quản lý e - Hữu cơ, e - VietGAP cho các đối tượng cây trồng rau, cam, bưởi, lúa gạo; tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình quản lý cho người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (tại các xã Tượng Sơn - Thạch Hà; Cẩm Bình, Cẩm Yên - Cẩm Xuyên và Hương Trà - Hương Khê).

Ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc HTX Hoàng Hà (xã Tượng Sơn), cho biết, HTX hiện tại có hơn 200 lao động, là nông dân sản xuất nông sản tại địa phương. Các hộ sản xuất được Dự án nông nghiệp có tưới của Bộ Nông nghiệp và PTNT cung cấp 100% giống, 30% chi phí phân bón và nhiều công trình cơ sở hạ tầng như kênh mương, nhà sơ chế, bảo quản, nhà ươm giống; tổ chức 30 lớp tập huấn sản xuất rau màu. Nhờ đó, người dân nắm vững và làm theo quy trình kỹ thuật hiện đại, cùng với công nghệ, đã tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Chủ tịch Hội LV&TT Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình nói thêm: Để tiếp tục nhân rộng kết quả mô hình, Hội LV&TT tỉnh đang chuẩn bị xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại thôn Sơn Bình (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) với gần 150 hộ dân tham gia. Về phía người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây cũng là việc làm góp phần chống hàng giả, hàng nhái và tẩy chay thực phẩm bẩn, không có nguồn gốc rõ ràng, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp địa phương.

Xây dựng vùng rau hữu cơ tuyệt đối
 
T2019120408a
Hỗn hợp rượu trắng, gừng, tỏi, ớt cay, thuốc lào trở thành “thuốc trừ sâu sinh học” rất hiệu quả.

“Không có Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), không được đi tập huấn, tham quan học hỏi thì nông dân không thể nhận thức được giá trị của sản xuất an toàn cho gia đình, làng xóm và khách hàng của mình”, chị Dương Thị Thư ở thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn đúc kết.

Năm 2017, gia đình chị Thư là hộ làm vườn duy nhất của xã Tượng Sơn được cử tham gia lớp đào tạo kéo dài 1 tháng về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lớp học này bên cạnh trang bị quy trình chuẩn trong sản xuất rau an toàn, còn truyền đạt nhiều phương pháp tự chế biến các dung dịch hữu cơ để sử dụng phòng trừ sâu bệnh cho vườn rau.
Hải Dương: Điều tra việc hai bố con bị nhóm đối tượng truy sát
Sững sốt với mức thu nhập khủng của các vận động viên này

Đặc biệt, thay vì dùng thuốc trừ sâu hóa học, người dân sử dụng một loại “thuốc” tổng hợp, gồm rượu trắng, gừng, tỏi, ớt cay, thuốc lào với tỷ lệ phù hợp, ngâm một thời gian rồi đưa ra phun. Bên cạnh đó, kết hợp với việc trồng một số loại cây nhử sâu bọ, dùng bẫy sinh học để tiêu diệt sâu bướm…
 
T2019120408b


“Tôi áp dụng sản xuất hữu cơ bằng việc bón 100% phân chuồng và phân xanh. Với 3 sào trồng rau xanh, bí, dưa chuột, mướp, tôi chỉ cần hai can 5 lít thuốc sinh học tự chế là đủ. Mỗi can gồm 1kg gừng, 1kg tỏi, 1kg ớt, 3 lạng thuốc lào, cho vào ngâm cùng 5 lít rượu, sau 15 ngày là có thể sử dụng. Mỗi bình 16 lít nước chỉ cần khoảng 100ml thuốc là đủ. Cứ 10 ngày, tôi phun một lần, vườn rau không hề có con sâu nào. Phòng trừ sâu bệnh bằng các dung dịch hữu cơ tự chế, dù thời gian, công sức tăng gấp đôi nhưng thân thiện, an toàn, sản phẩm bán ra được giá, được khách hàng tin tưởng, thu nhập từ vườn cũng đạt được khoảng 200 nghìn đồng/ngày”.

Gia đình hị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào sản xuất rau hữu cơ của địa phương. Tận dụng lợi thế gần nguồn nước, gia đình chị xây dựng mô hình vườn mẫu, lắp đặt hệ thống tưới tự động.

“Trồng rau hữu cơ khác với sản xuất rau thông thường, bởi quy trình trồng rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Làm rau hữu cơ rất khó nhưng đấy là giai đoạn đầu thôi. Còn bây giờ thì dễ lắm, cách thức đã nắm rõ trong tay rồi. Điều đáng mừng là rau chúng tôi làm ra được mọi người đón nhận, nhất là các nhà hàng, trường học, thu nhập từ sản phẩm nông sản trong vườn đến nay không hề nhỏ, trung bình đạt 200-250 nghìn đồng/ngày”, chị Tuyết chia sẻ.

Ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết, sản phẩm rau củ quả được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, mang lại lợi ích kinh tế cao, bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã quyết định cho triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ, hướng đến xây dựng Tượng Sơn thành vùng rau hữu cơ tuyệt đối.

“Điều đáng mừng là, tất cả các sản phẩm của bà con áp dụng theo mô hình này đều đạt tiêu chuẩn, nhờ đó, nhiều sản phẩm đã vào được siêu thị Co.opmart và các nhà hàng uy tín. Chúng tôi đang chỉ đạo bà con thực hiện nghiêm ngặt và sẽ phát triển mô hình sản xuất rau hữu cơ trên toàn bộ diện tích của địa phương trong thời gian tới”, ông Huy nhấn mạnh.
Trà Giang
Theo Kinh tế nông thôn
 
Link gốc bài viết: https://kinhtenongthon.vn/tham-nhung-mo-hinh-rau-huu-co-40-o-ha-tinh-post32184.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây