Vẫn quảng cáo nhưng hạn chế đưa sản phẩm lên kệ
Giữa tháng 5/2019, trước áp lực từ thương chiến Mỹ Trung, Google dừng tất cả các hoạt động hợp tác kinh doanh với hãng công nghệ Trung Quốc. Theo đó, Google sẽ ngừng các hoạt động gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật… đối với Huawei.
Cụ thể, “gã khổng lồ” công nghệ từ Trung Quốc là Huawei sẽ mất quyền truy cập vào các bản cập nhật cho hệ điều hành và các dịch vụ từ Android của Google như Google Play Store và các ứng dụng Gmail, YouTube… Bên cạnh đó, một số hệ thống phân phối điện thoại lớn tiết lộ sẽ gỡ bớt bàn trải nghiệm và dừng bán các sản phẩm của Huawei.
Trước những biến động trên, nhiều người dùng điện thoại Huawei ở Việt Nam tỏ ra hoang mang, không biết sản phẩm điện thoại của mình có bị ảnh hưởng không? Niềm tin vào các sản phẩm từ Huawei ảnh hưởng rất lớn.
Chỉ có khoảng 2, 3 mẫu điện thoại Huawei được trưng bày trên kệ tại một chi nhánh của Thế Giới Di Động.
Anh Nguyễn Văn Long (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, các sản phẩm điện thoại từ các hãng của Trung Quốc rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá thành rẻ, cấu hình cao, đầy đủ tính năng như các dòng đắt tiền. Tuy nhiên, trước những thông tin thay đổi về chức năng, phần mềm,… nhiều khách hàng e dè hơn khi lựa chọn các sản phẩm.
“Tôi đã từng sử dụng một số hãng điện thoại của Trung Quốc và cảm thấy khá hài lòng về tính năng, kiểu dáng, giá cả… Tuy nhiên, thời gian qua, khi có nhu cầu đổi điện thoại, tôi biết được thông tin về việc Google chặn các ứng dụng, phần mềm,… đối với Huawei. Do đó, tôi không dám mua của hãng này và phải mua một chiếc điện thoại có tính năng tự với giá 4 triệu đồng của Xiaomi.” Anh Long cho biết.
Theo khảo sát của PV, trên website của nhiều cửa hàng công nghệ, điện tử lớn như FPT shop, Thế Giới Di Động,… hình ảnh các mẫu sản phẩm điện thoại của Huawei vẫn được đăng tải. Tuy nhiên, tại các cửa hàng tại Hà Nội, không nhiều sản phẩm của Huawei được trưng bày lên kệ.
Tại chi nhánh Cầu Giấy của Thế Giới Di Động, chỉ có khoảng 2, 3 mẫu điện thoại của Huawei được trưng bày, “lọt thỏm” bên cạnh rất nhiều sản phẩm cùng phân khúc giá.
Mặc dù, trên website thegioididong.com, vẫn có khoảng gần 10 mẫu điện thoại được trưng bày, nhưng trên thực tế, tại các chi nhánh, các sản phẩm từ Huawei không có mặt trên bàn trải nghiệm, số lượng phân phối thực tế cũng rất hạn chế.
Theo chia sẻ của một nhân viên tư vấn tại Thế Giới Di Động, hiện nay, các sản phẩm của Huawei phân phối tại hệ thống rất ít, chủ yếu là các sản phẩm đã ra mắt. Các sản phẩm mới do ảnh hưởng từ việc Google ngưng hợp tác đã không còn được nhập về.
“Android là hệ điều hành được cung cấp bởi Google, sau đó, các hãng điện thoại mua về và tùy biến phụ thuộc vào sản phẩm của mình. Đối với các sản phẩm đã ra mắt, bán ra thị trường của Huawei có bản quyền hệ điều hành, việc sử dụng các ứng dụng như Youtube, Play Store, Gmail… không gặp vấn đề gì cả.
Tuy nhiên đối với các sản phẩm ra mắt trong tương lai, việc Google ngưng cung cấp dịch vụ sẽ khiến Huawei phải tìm cách sản xuất hoặc tìm một hệ sinh thái mới để hoạt động. Do đó, hiện nay, các sản phẩm bán tại cửa hàng chủ yếu là các phiên bản đã ra mắt.” nhân viên này giải thích.
Tương tự như đối với Thế Giới Di Động, tại các chi nhánh thuộc FPT shop, sản phẩm tới từ “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc xuất hiện ít. Đối với dòng sản phẩm smart phone phân khúc giá từ 5 triệu đồng trở xuống, nhân viên tại các chi nhánh chủ yếu tư vấn cho khách hàng một số thương hiệu như Samsung, Oppo, Xiaomi,…
Huawei “chìm”, nhiều smart phone giá rẻ khác sẽ “nổi” lên
Được biết, trong khoảng 2 năm qua, Smartphone của Huawei có mặt ở nhiều cửa hàng tại VN. Trong đó, dòng điện thoại này nổi bật với phân khúc giá rẻ, từ mức giá hơn 2 triệu đồng. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường GfK, vào tháng 1/2019 doanh số của Huawei chiếm 5,6% thị phần tại Việt Nam và giảm xuống còn 2,4%, tính đến tháng 8/2019.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, doanh thu từ điện thoại Huawei chỉ chiếm khoảng 4-6% tổng doanh thu của hai nhà bán Thế Giới Di Động và FPT. Bên cạnh đó, do có nhiều sản phẩm có thể thay thế cho Huawei, biến động này sẽ không làm giảm doanh thu của hai nhà bán lẻ.
Ngoài ra, đại diện của hệ thống Hoàng Hà Mobile cho biết, từ khi hãng Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, tình hình kinh doanh tại các cửa hàng gặp khó khăn. Do đó, việc chọn thương hiệu khác thay thế là điều không tránh khỏi.
Các hãng bán lẻ đã ngừng hoặc hạn chế kinh doanh đối với sản phẩm điện thoại Huawei.
“Hệ thống chúng tôi vẫn đang kinh doanh sản phẩm Huawei và duy trì các bàn trải nghiệm. Tuy nhiên, doanh thu từ smartphone Huawei thời gian qua cũng giảm nhiều so với trước.” bà Hoàng Tâm, giám đốc marketing hệ thống Hoàng Hà Mobile cho biết.
Thời gian qua, phân khúc điện thoại giá rẻ cũng có sự thay đổi khi xuất hiện thương hiệu “Made in VietNam” Vsmart. Đầu tháng 11/2019, VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) bất ngờ tuyên bố giảm giá đến 50% cho Vsmart Live (dòng điện thoại cao cấp nhất của hãng tính đến thời điểm hiện tại).
Cụ thể, Vsmart Live giảm mạnh từ mức 6,99 triệu đồng chỉ còn 3,49 triệu đồng cho bản 4GB RAM và 7,79 triệu đồng xuống còn 3,79 triệu đồng cho bản 6GB RAM.
Ngoài ra, tại hệ thống của Thế Giới Di Động, 2 phiên bản giá rẻ là Vsmart Bee và Vsmart Star có giá niêm yết chỉ hơn 1 triệu đồng chưa kể các chương trình khuyến mại khác.
Theo Nielsen, người dùng Việt vẫn ưa chuộng những chiếc smartphone giá rẻ. Phân khúc smartphone giá từ 100 đến 150 USD tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, chiếm đến hơn 30% thị phần smartphone ở nước ta. Tỷ lệ người dùng có điện thoại (bao gồm điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh) ở các vùng quê của Việt Nam mới chỉ đạt 89%, ở các đô thị loại 2 là 93% và đô thị loại 1 là 95%.
Nhưng khi nói đến tỷ lệ người dùng có smartphone, con số này còn thấp hơn nữa. Ngay cả tại các đô thị loại 1, tỷ lệ người dùng có smartphone mới đạt 84%, ở vùng quê hiện chỉ có 68%. Như vậy trước hết cơ hội để kinh doanh smartphone ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Rõ ràng, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, mà cụ thể là Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc chiếm lĩnh điện thoại phân khúc giá thấp vàtam trung để “bình dân hóa” smartphone cho người dân Việt Nam, tạo độ phủ cho smartphone thương hiệu Việt rộng lớn hơn hiện nay.
Việc lựa chọn mẫu sản phẩm cao cấp nhất Vsmart Live để nổ “phát súng hiệu” có thể xem như lời khẳng định cho hướng đi cung cấp sản phẩm chất lượng cao, nhiều tính năng cao cấp nhưng chỉ với mức giá hợp lý.
Ở một phần nào đó của thị trường, rõ ràng chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, mà cụ thể là thị trường điện thoại. Theo chia sẻ từ đại diện các cửa hàng bán lẻ, việc Huawei “sụp đổ” sẽ tạo điều kiện cho các thương hiệu điện thoại khác chen chân vào “mảnh đất” smart phone giá rẻ đầy “màu mỡ” tại Việt Nam, trong đó có Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo Dân Việt
Link gốc bài viết:http://danviet.vn/kinh-te/huawei-bi-noc-ao-vinsmart-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-tung-chieu-chiem-linh-thi-phan-1038960.html