Những vụ ngư dân bắt được cá sủ vàng gây xôn xao
Gần đây, nhiều ngư dân ở nước ta bắt được cá lạ nghi là sủ vàng và được trả giá cao. Có con được bán với giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Mới đây nhất, một nhóm ngư dân ở Đà Nẵng đã bắt được con cá lạ nghi là sủ vàng nặng tới hơn 3,5kg.
Lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chia sẻ với Báo Tiền Phong, ngày 7/8, anh Kiều Công (phường Nại Hiên Đông) cùng với một số người bạn đánh cá trên vùng lộng biển Nam Ô. Trong quá trình gỡ lưới, anh Công phát hiện con cá nặng hơn 3,5kg có bộ vảy óng ánh kỳ lạ. Sau khi đưa lên bờ, nhiều người cho rằng con cá này là cá sủ vàng quý hiếm.
Đây không phải lần đầu ngư dân địa phương này bắt được loại cá quý hiếm này. Báo Lao Động hồi tháng 9/2018 đã đưa tin, anh Võ Thanh Sơn (cũng ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cùng một số ngư dân đi tàu ra khu vực vịnh Đà Nẵng bủa câu nẹp đã bắt được con cá sủ vàng dài khoảng 60cm, nặng gần 3,5kg.
Tháng 3/2022, một ngư dân ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng bắt được một con cá nghi là cá sủ vàng nặng gần 6kg, dài khoảng 90cm trên biển. Một lãnh đạo UBND xã Kỳ Xuân xác nhận trên Báo Thanh Niên, người may mắn bắt được con cá nghi là cá sủ vàng quý hiếm là anh Nguyễn Tiến Hiếu (ngụ tại thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân).
Con cá nặng hơn 3,5kg, dài khoảng 60cm do ngư dân Đà Nẵng bắt được (Ảnh: Dân Trí).
Trước đó nữa, nhiều người dân vùng biển huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa xôn xao về việc ngư dân Lê Văn Cường (trú xã Hoằng Trường) bắt được con cá nghi là cá sủ vàng.
Cá sủ vàng có giá trị kinh tế đặc biệt cao. Ở nước ta, trước năm 2005, cá sủ vàng được bán với giá từ 5-7 triệu đồng/kg. Năm 2007, cá sủ vàng có giá khoảng 15-20 triệu đồng/kg. Hiện giá trị của cá sủ vàng được đẩy lên cao hơn do giao thương và thông tin phát triển rộng rãi.
Mỗi khi ngư dân bắt được cá sủ vàng thì ngay lập tức được trả giá từ hàng chục, hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào trọng lượng. Thậm chí, năm 2018, cặp cá sủ vàng bắt được ở Khánh Hòa còn được thương lái trả giá tới 1,5 tỷ đồng. Nhiều người băn khoăn tò mò không biết vì sao cá sủ vàng lại có giá đắt đỏ như vậy.
V
ì sao cá sủ vàng có giá đắt đỏ?
Cá sủ vàng có tên khoa học là otolithoides biauritus (còn gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép, cá thủ, cá đường, cá sủ giấy). Đây là một loại cá thuộc họ cá đù thuộc bộ cá vược. Loại cá này phân bố ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka và Trung Quốc. Đây là loại cá được ví là đắt như vàng ở Trung Quốc và Việt Nam.
Cá sủ vàng là loại cá cực kỳ quý hiếm được ví như "cục vàng biển" (Ảnh: Tri Thức và Cuộc Sống)
Cá sủ vàng có môi trường sống chính là ở biển nhưng đến mùa sinh nở (thường từ tháng 1-4 hàng năm), chúng bơi về phía các vùng cửa sông nước lợ để đẻ trứng. Cá con sẽ bơi vào vùng nước ngọt sâu trong đất liền sinh sống, sau 1-2 năm sẽ tự trở về với biển. Cân nặng lúc này của cá sủ vàng thường rơi vào khoảng 10kg. Cá trưởng thành có kích thước rất lớn, dài cả mét và nặng vài chục đến cả trăm kg.
Không khó để nhận biết loại cá này với các đặc điểm như: miệng rộng và khá nhọn, có màu vàng nghệ lấp lánh, hàm dưới kéo dài tới dưới sau hốc mắt, răng khỏe, vây lưng dài. Đặc biệt, nửa thân dưới của chúng có màu trắng bạc hơi phớt hồng.
Thịt cá sủ vàng thơm ngon có mùi vị thơm ngon. Còn vẩy cá sủ vàng rất cứng nên được dùng để chế tạo những miếng gảy đàn cho người chơi đàn, bán sang Nhật Bản hay châu Âu.
Tuy nhiên, thứ đắt nhất để tạo nên giá trị cao của con cá sủ vàng không nằm ở thịt, vẩy vàng mà nằm ở bong bóng của cá. Bởi bong bóng cá sủ vàng phơi khô được cho là có giá trị dinh dưỡng ngang với nhân sâm.
Ngoài ra, với y học hiện đại, bong bóng cá sủ vàng được dùng để sản xuất chỉ khâu tự phân hủy trong những ca phẫu thuật. Có thông tin cho rằng giá bóng cá sủ vàng có thời điểm tới 45.000-55.000 USD/kg tùy theo độ dài của bóng.
Theo giới chuyên gia, ở nước ta, cá sủ vàng thuộc một trong những loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển (theo Quyết định số 82 của Bộ NN-PTNT ban hành năm 2008).
Theo đó, hành vi mua - bán cá sủ vàng có thể bị phạt tiền. Quy định tại khoản 3, 4, Điều 7 Nghị định 103/2013, mức phạt đối với một trong các hành vi mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng nếu khối lượng thủy sinh dưới 10 kg. Số tiền phạt có thể lên tới 80-100 triệu đồng nếu khối lượng thủy trên 30kg.
Nhưng nhiều người dân bắt được cá sủ vàng vẫn vô tư bày bán công khai vì lợi nhuận cao.