"Trong đó, thách thức sẽ đến trước, dễ thấy ngay; bởi vì các doanh nghiệp nước ngoài rất năng động, họ có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị tốt. Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực thì họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam. FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài sẽ tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà", ông Trịnh Quốc Dũng nhận định về tương lai trước mắt.
Đối với các doanh nghiệp sữa, thách thức rất nghiêm trọng bởi Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Úc, New Zealand...
Ở chiều ngược lại, ông Trịnh Quốc Dũng nhận định, cơ hội cũng sẽ đến với doanh nghiệp Việt khi thị trường các nước tham gia FTA được mở ra. Nhiều thị trường tiềm năng, sức mua lớn là mảnh đất tốt cho các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam sẽ có cơ hội đưa sữa sang các nước ôn đới, nhưng để làm được thì doanh nghiệp phải năng động, tạo ra những sản phẩm đặc thù.
"Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp nào vững mạnh thì sẽ phát triển. Doanh nghiệp nào yếu ớt, kém cạch tranh sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, kể cả phá sản. Không có đáp án nào đúng cho tất cả mọi bài toán khi tham gia hội nhập. Mỗi một ngành nghề, mỗi một doanh nghiệp đều có những điểm đặc thù riêng, không ai giống ai. Doanh nghiệp không thể trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà phải chủ động tìm cho ra lời giải cho đơn vị mình", Giám đốc Điều hành Vinamilk cho biết.
Đại diện cho cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cho biết: Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng.
"Những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Những thành tựu của cách mạng Công nghiệp 4.0 nếu được kịp thời ứng dụng ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, dịch vụ hành chính công... thì sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Đánh giá nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, có thể kiểm soát được tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho rằng: Chuyển hướng thương mại có thể khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thay thế được một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, và ở mức độ thấp hơn, một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
"Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại, lòng tin của các nhà đầu tư bị suy giảm. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô, duy trì tỷ giá linh hoạt và khả năng ứng phó của chính sách tiền tệ; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp; tăng cường cải cách thương mại và đầu tư", đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị chính sách với Việt Nam.