Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai trên cả nước từ năm 2010. Kết quả, đến nay toàn quốc có 3.420 xã (38,32%) và 53 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Chính phủ cũng chỉ đạo về giải pháp xây dựng NTM cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn. Đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) khu vực nông thôn.

Trong khi vốn ngân sách còn hạn hẹp, để tăng nguồn lực xây dựng NTM phải dựa vào sức dân. Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của nhân dân; phải được bàn bạc dân chủ và có sự đồng tình của người dân. Xây dựng NTM mà tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân là đi ngược lại mục đích của chương trình xây dựng NTM.

Nhà văn hóa xóm Bạch Thạch.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là vậy, nhưng về xã Tân Kim (Phú Bình, Thái Nguyên), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" trong xây dựng NTM tại đây. Theo phản ảnh của người dân, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, chính quyền xã yêu cầu mỗi xóm phải xây dựng mới một nhà văn hóa (NVH). Thế nên mới có chuyện NVH xóm Bạch Thạch (Tân Kim) mặc dù vẫn sử dụng được nhưng phải đập đi xây lại. Nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ mỗi NVH là 100 triệu đồng, số tiền còn lại được huy động từ sự đóng góp của người dân và nguồn vốn xã hội hóa. Chủ trương này được người dân trong xã đồng tình ủng hộ. Thế nhưng quá trình triển khai xây dựng, xóm Bạch Thạch đã đề ra mức thu 600.000 đồng/nhân khẩu, kể cả hộ nghèo, trẻ em mới sinh và người già dưới 80 tuổi. Điều này gây bức xúc với bà con địa phương. Ông Dương Văn Hiền ở xóm Bạch Thạch nói: “Xóm có khá đông trẻ mới sinh nhưng vẫn phải đóng 600.000 đồng/cháu để xây dựng NVH. Bạch Thạch vẫn là một trong những xóm nghèo, đặc biệt khó khăn của xã nên việc đầu tư xây NVH mới trị giá hơn 500 triệu đồng thật sự chưa phù hợp”.

Bà Nguyễn Thị Măng ở xóm Bạch Thạch vừa nói vừa khóc: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Chồng tôi đau ốm quanh năm. Giữa năm 2018, chồng tôi qua đời. Khi ấy, bà Nguyễn Thị Tươi, Bí thư Chi bộ xóm và ông Nguyễn Đắc Mạnh, Trưởng xóm đến gặp và yêu cầu tôi phải đóng các khoản nợ tiền xây dựng NTM thì xóm mới đứng ra tổ chức tang lễ. Thế là tôi phải chạy vạy, vay mượn để có tiền nộp. Ông Nguyễn Đắc Mạnh còn nói, nếu gia đình tôi không đóng tiền xây dựng NTM thì sang năm 2019 sẽ không được xét là hộ nghèo và hưởng các chế độ bảo hiểm của Nhà nước”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Tân Kim, cho biết: “UBND xã giao các xóm tự chủ trong xây dựng NVH, nhưng phải phù hợp và có sự đồng thuận của nhân dân, không chạy theo thành tích dẫn đến việc thu quá sức dân. Ngày họp dân để lấy ý kiến xây NVH xóm Bạch Thạch, tôi cũng có mặt, đa số người dân đều ủng hộ. Tôi cũng có ý kiến là không thu tiền của người già không còn khả năng lao động, nhưng không hiểu sao xóm vẫn thu tiền?!”. Khi hỏi về những chuyện phát sinh trong quá trình thu tiền xây dựng NVH xóm, ông Nguyên trả lời là chưa nắm được vì không nghe ai báo cáo. Lý giải với chúng tôi, bà Bí thư Chi bộ xóm Bạch Thạch, cho biết: “Xóm Bạch Thạch có 750 nhân khẩu, trừ 13 người già trên 80 tuổi, 13 người tàn tật và 5 thương binh, bệnh binh, chúng tôi tiến hành thu mỗi nhân khẩu 600.000 đồng. Chúng tôi thu tiền của các bé mới sinh vì cho rằng khi lớn lên, các cháu sẽ được hưởng lợi từ công trình này. Trường hợp gia đình bà Măng, đúng là khi chồng bà mất, tôi và ông Mạnh có xuống nhà vận động đóng các khoản còn nợ thì xóm sẽ đứng ra tổ chức tang lễ. Sau khi được vận động, gia đình đã tự nguyện đóng chứ chúng tôi không ép buộc. Đây là trường hợp thứ ba, khi các gia đình có người mất chúng tôi xuống vận động đóng các khoản còn nợ và các gia đình đều tự nguyện nộp”.

Câu chuyện lạm thu trong xây dựng NTM còn xảy ra ở nhiều địa phương. Ví dụ, năm 2018, thôn Kim Thịnh, xã Kim Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) chủ trương thu 800.000 đồng/nhân khẩu để làm đường bê tông; 100.000 đồng/nhân khẩu làm sân bóng. Trong đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi cũng đã phải nộp các khoản thu xây dựng NTM; người từ 60 đến 79 tuổi phải nộp 50% mức đóng trên. Sau đó, lãnh đạo xã Kim Lộc cùng cán bộ thôn Kim Thịnh đã phải trả lại các khoản thu sai cho người dân. Hay ở xã Giao An (Giao Thủy, Nam Định), khi tiến hành xây dựng NVH, có xóm thu 600.000 đồng/nhân khẩu, có xóm thu tới 800.000 đồng/nhân khẩu.  

Bên cạnh việc lạm thu tiền xây dựng NTM thì tình trạng chi "bạo tay" để "chạy nhanh về đích" cũng khiến không ít địa phương rơi vào cảnh nợ nhiều, không cân đối được ngân sách. Theo đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến hết tháng 6-2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương là 1.600 tỷ đồng (giảm 89,3% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1-2016). Cụ thể, đã có 40 tỉnh cơ bản xử lý xong nợ đọng, 22 tỉnh có số nợ đọng hơn 10 tỷ đồng. 

Huy động các nguồn lực, vận động sự đóng góp của người dân xây dựng NTM là chủ trương đúng, nhưng cần phải tính toán để có lộ trình phù hợp, bảo đảm mức thu-chi phù hợp, được người dân đồng tình. Các địa phương không nên vì "bệnh thành tích" mà chi tiêu quá mức; không nên ép người dân đóng góp và không được thu tiền của hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, người có công... Quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương. 

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG - ĐỨC THỊNH