Ðổi mới cách thức
Năm 2009, xã Gia Phố (Hương Khê) là một trong 11 địa phương được Ban chỉ đạo Trung ương chọn làm điểm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tại thời điểm đó xã Gia Phố được đánh giá hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Theo kế hoạch đề ra, năm 2011 địa phương sẽ đạt chuẩn, tuy nhiên, mãi đến năm 2014 Gia Phố mới được công nhận đạt chuẩn NTM. Qua bốn năm thực hiện NTM, với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn ngân sách trung ương (hơn 140 tỷ đồng), diện mạo Gia Phố đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy vậy, theo phần lớn ý kiến của người trong cuộc, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng NTM ở Gia Phố đã bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm, nhiều hạng mục xây dựng không phát huy được hiệu quả như mong muốn; đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương thiếu gương mẫu, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ còn nhiều lúng túng. Theo đồng chí Lê Ðình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Hà Tĩnh, xã Gia Phố triển khai xây dựng NTM trong điều kiện người dân chưa được quán triệt sâu sắc, nhận thức chưa đầy đủ; cấp ủy chính quyền cơ sở và người dân còn ỷ lại, coi đây là "dự án NTM". Từ hạn chế, khuyết điểm này, Hà Tĩnh đã rút ra bài học quan trọng, xuyên suốt. Ðó là xây dựng NTM phải dựa vào dân.
Từ quan điểm đến hành động, thông qua nhiều cách làm khác nhau, các cấp ủy đảng ở Hà Tĩnh đã khơi dậy, từng bước phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM. Từ vị thế "thụ hưởng, bị động" người dân đã thể hiện rất rõ vai trò "chủ thể, chủ động". Ðồng hành với nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh ban hành 34 chính sách mang tính kích hoạt và tạo động lực cho người dân và cộng đồng dân cư thực hiện. Nhiều chính sách đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn như: cơ chế hỗ trợ xi-măng, hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất… Có mặt tại xã Ðức Yên (Ðức Thọ) và được chứng kiến bầu không khí xây dựng giao thông nông thôn ở địa phương, chúng tôi phần nào cảm nhận rõ hơn điểm gặp gỡ giữa "ý đảng, lòng dân" tại địa phương này. Ông Nguyễn Xuân Hạnh, cựu chiến binh thôn Ðại Lợi, xã Ðức Yên phấn khởi cho biết, đây là lần thứ hai gia đình chúng tôi tự nguyện hiến đất mở đường trục thôn. Con đường chính của thôn trước đây vốn chỉ rộng chừng 2 m,
lầy lội, đất đá lởm chởm, trời nắng bụi mù mịt, mưa xuống người dân phải xắn quần dắt bộ xe. Ðược Ban công tác mặt trận thôn công khai chủ trương xây dựng giao thông của xã với mức độ hỗ trợ cụ thể bà con phấn khởi lắm, đường làm cho mình đi mà nhà nước hỗ trợ cả xi-măng, vật liệu. Khi giải phóng mặt bằng, các đồng chí cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước tự nguyện hiến đất, dỡ hàng rào, người dân nhìn vào hành động của họ, tự bảo ban nhau cùng hiến đất mở đường. "Không chỉ tự nguyện dỡ bỏ hàng rào, hiến đất mở đường lần hai, gia đình tôi còn đóng góp thêm 5 triệu đồng để hoàn thành tuyến đường trục thôn dài 500 m này nữa", ông Nguyễn Văn Tình ở thôn Tân Ðịnh, xã Yên Hồ phấn khởi chia sẻ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ðức Thọ Trần Hoài Ðức, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Ðức Thọ còn ban hành cơ chế đặc thù, hỗ trợ các khu dân cư kiểu mẫu, địa phương khó khăn các nguyên liệu cát, sỏi để xây dựng đường giao thông liên thôn và hệ thống thoát nước thải ở khu dân cư...
Chỉ tính riêng cơ chế hỗ trợ xi-măng, từ năm 2011 đến nay, thay vì đầu tư 100% ngân sách, tỉnh Hà Tĩnh chỉ việc "kích cầu" nguồn hỗ trợ xi-măng tương đương 20% tổng mức đầu tư đã làm mới được hơn 4.769 km đường giao thông nông thôn các loại (bằng 64% khối lượng đường giao thông nông thôn được làm mới trong 10 năm qua).
Dừng lại là tụt hậu
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 182 xã đạt chuẩn NTM và năm xã đạt chuẩn NTM nâng cao, số tiêu chí/xã đạt 18,5 tiêu chí, tăng 15,4 tiêu chí/xã so với năm 2011. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Ngọc Sơn cho biết, cùng với việc xây dựng khung kế hoạch, lộ trình và cân đối nguồn lực, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, tiêu chí, làm tiền đề nâng cao tỷ lệ số xã đạt chuẩn, tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng, kết quả xây dựng NTM ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn. Ngoài hai xã Thiên Lộc (Can Lộc) và Kỳ Bắc (Kỳ Anh) đã bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra cảnh báo thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM
đối với các xã chuyển biến kém, số tiêu chí tụt giảm, chưa đạt yêu cầu theo chuẩn mới, nợ quá hạn lớn, sự hài lòng của người dân thấp nhằm duy trì nhiệt huyết xây dựng NTM tại các
địa phương.
Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (Can Lộc), Ðặng Anh Tuấn cho biết, sau khi bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn, chúng tôi đã nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân khiến địa phương "hụt hơi" trong xây dựng NTM. Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Thiên Lộc đã bắt đầu kế hoạch khắc phục yếu điểm bằng việc xốc lại quyết tâm, tinh thần hăng hái ở nhân dân, từ đó huy động nguồn lực xây dựng các vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, nâng cấp hệ thống hạ tầng và nâng chuẩn các tiêu chí có nguy cơ thiếu bền vững. Sau một năm "làm tốt" để "sửa sai" xã Thiên Lộc đã được công nhận đạt chuẩn NTM trở lại. Việc thu hồi bằng công nhận đối với xã Thiên Lộc là "liều thuốc" quý giúp địa phương có cách nhìn toàn diện và chủ động hơn trong quá trình gia cố, nâng cao mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.
Nếu lấy thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM là bước khởi đầu cho chặng đường nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thì xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đã có những bước đi dài trên chặng đường đó. Theo đồng chí Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, trên lộ trình xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, ba tiêu chí khó nhất đó là: Môi trường, thu nhập và khu dân cư mẫu, vườn mẫu được tập trung thực hiện theo khung kế hoạch tỉ mỉ. Ðiều dễ nhận thấy khi đến Tượng Sơn chính là hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, các tuyến đường không hề có rác. Theo đồng chí Dương Kim Huy, để được như vậy, ngoài ý thức người dân, xã đã thành lập tổ dịch vụ thu gom rác với bốn người, 1 tháng thu ba lần và mỗi lần ba ngày. Trước khi tổ này xuống tận nhà gom rác thì người dân đã phải xử lý, phân loại rác, thứ nào đào hố chôn, thứ nào đốt, thứ nào tái chế để làm phân bón vi sinh. Nhờ đó, lượng rác trong dân giảm nhiều, xã cũng tiết kiệm được chi phí và quan trọng hơn là môi trường luôn sạch sẽ, trong lành. Cũng theo đồng chí Dương Kim Huy, dù ở giai đoạn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao hay đạt xã NTM kiểu mẫu, Tượng Sơn vẫn xác định tiêu chí thu nhập là quan trọng nhất. Ðể phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, mang lại lợi ích kinh tế cao, bền vững, ngoài 1.136 vườn hộ được quy hoạch, với hơn 70 ha đất được sử dụng trồng luân canh các loại rau, củ, quả phù hợp với mỗi vụ sản xuất, địa phương đã quy hoạch tám vùng sản xuất tập trung, kết hợp với ba HTX thu mua nông sản tạo thành chuỗi cung ứng rau, củ, quả hữu cơ trong và ngoài tỉnh. Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sản xuất, cho nên chỉ sau 10 năm, mức thu nhập bình quân của người dân Tượng Sơn tăng từ 7,3 triệu đồng/người/năm lên 49 triệu đồng/người/năm (2019). Kinh tế khá giả, người dân cảm nhận rõ nét hơn những lợi ích mà NTM đã mang lại, chính vì vậy người dân tham gia tích cực hơn, có trách nhiệm hơn với NTM.
Chánh văn phòng Ðiều phối NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho biết: Không dừng lại ở những kết quả đạt được, từ thực tiễn xây dựng NTM tại địa phương và đặt trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Hà Tĩnh đã cụ thể hóa bộ tiêu chí của Trung ương và thực hiện thêm tiêu chí thứ 20 - tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Từ năm thôn được lựa chọn triển khai thí điểm năm 2013, đến nay tiêu chí này đã được 98% số thôn trên địa bàn thực hiện. Ðã có 358 khu dân cư NTM kiểu mẫu được công nhận đạt chuẩn trong 5 năm qua. Những khu dân cư NTM kiểu mẫu đã thật sự trở thành khu dân cư trù phú, an lành. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu không chỉ tạo ra những vùng quê đáng sống mà còn là vườn kinh tế tạo thành các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, cho thu nhập cao. Hà Tĩnh hiện có đến 260 vườn trong tổng số 3.382 vườn đạt chuẩn có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn