Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt tư tưởng lớn trong Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).
Đồng thời, tỉnh xem xét kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện trong thời gian tới; tiếp tục huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng theo hướng bền vững. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó như vùng bãi ngang, miền núi, vùng rốn lũ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý đề Hà Tĩnh có đề án xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh giai đoạn 2021 -2025; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng phân cấp cho tỉnh theo đặc thù địa phương; các đề xuất khác sẽ tổng hợp lại để tiếp tục hoàn thiện.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng bày tỏ, với kết quả đạt được, trên cơ sở cách làm, văn hóa truyền thống, Hà Tĩnh hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Hà Tĩnh có xuất phát điểm thấp so với cả nước khi bước vào xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bằng ý chí, khát vọng và quyết tâm cao, tỉnh đã xây dựng thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và trở thành một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh qua việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời các chủ trương của cấp trên; nhiều mô hình mới cách làm hay được nhân rộng trong cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực xã hội hóa, mạnh dạn có cơ chế “rút bằng” nếu không bền vững, chạy theo thành tích. Tình làng, nghĩa xóm luôn được được phát huy tại các địa phương. Các mô hình sản xuất phát huy hiệu quả, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh về thu nhập người dân còn thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước; số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, hạn chế; chuyển dịch cơ cấu còn chậm…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và trọng tâm là thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tạo ra nhiều thành quả nổi bật, có nhiều dấu ấn.
Do đó, diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng đến đời sống người dân được thay đổi rõ nét, xây dựng nên những vùng quê “Trù phú - An lành”. Kết cấu hạ tầng phát triển theo quy hoạch, từng bước hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân.
Hơn nữa, kinh tế nông thôn có bước phát triển (thu nhập tăng đến 3,6 lần), nhiều địa phương có sự đột phá, nhất là vùng trà sơn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất đã từng bước chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển; đã có sự quan tâm cao về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng liên kết, theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, nhận thức, tư duy của người dân ngày càng thay đổi rõ, chuyển từ “thụ hưởng, bị động” sang “chủ thể, chủ động”; tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn. Nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ghi nhận và đánh giá cao Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Theo đó, bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010); có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75,5% tổng số xã); không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng.
Đáng lưu ý, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60% thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định tập trung cao một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với mục tiêu phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực xây dựng nông thôn mới; ưu tiên tập trung cao hơn các tiêu chí, nội dung bảo đảm cho Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thiết thực, bền vững…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng các đại biểu đã tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng trao bằng công nhận cho 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới đợt 1 năm 2019 và bằng công nhận cho 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tỉnh Hà Tĩnh đã trao bằng chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCCOP đợt 1 năm 2019 cho các chủ cơ sở có sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao tham gia chương trình OCCOP.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng chính thức phát động phong trào thi đua cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn phấn đấu xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới, đồng thuận cao, về đích sớm”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn