Hà Tĩnh: “Kim chỉ nam” để thực hiện quy hoạch

Chủ nhật - 30/04/2023 09:54
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh thành cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất nước.
D2023043001

Cơ sở quản lý, khai thác công trình hiệu quả, đồng bộ

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 lấy nhân tố quyết định nội lực là con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số; xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy hoạch tỉnh hoạch định rõ 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng và 4 nền tảng chính.

Trong đó, QHXD được xác định là cơ sở trong quản lý, khai thác các công trình một cách đồng bộ, hiệu quả. Xác định hướng đột phá là tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Thời gian qua, nhờ đầu tư và triển khai đồng bộ nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị đã khang trang, hiện đại hơn. Các quy hoạch được phê duyệt cho thấy định hướng rất tốt để triển khai các ngành kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm đúng định hướng. Bên cạnh đó, quy hoạch tạo diện mạo đô thị khác biệt, khắc phục tồn tại hạn chế, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện để nhiều DN, nhà đầu tư tham gia đầu tư, góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển.

Phát triển hạ tầng đồng bộ là một trong 4 nền tảng chính của Quy hoạch tỉnh, là nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên, tập trung cao trong thời gian tới. Tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu tạo sự liên kết vùng từ miền núi đến ven biển. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống giao thông kết nối đến các địa bàn vùng biển, hướng biển để đánh thức tiềm năng du lịch biển.

Tiếp tục mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, việc quy hoạch sân bay Hà Tĩnh được tính đến, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển đồng bộ của tỉnh. Hạ tầng phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội, giúp Hà Tĩnh hiện thực hóa kỳ vọng phát triển du lịch - một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm.

Thực tế cho thấy, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhiều địa chỉ đỏ, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhưng du lịch nghỉ dưỡng, lưu trú lại hạn chế, gần như không giữ được chân du khách. Do chưa đầu tư tương xứng nên du lịch biển mang tính thời vụ, mỗi năm chỉ khai thác được 1 mùa, chưa khai thác hết tiềm năng. Với sự nỗ lực của tỉnh, cơ hội mới đang mở ra, với những tín hiệu vui trong xúc tiến đầu tư vào du lịch biển Hà Tĩnh.

Cùng với những bước đi đột phá từ phát triển du lịch, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ logistics) tiếp tục được thúc đẩy, với giải pháp mạnh mẽ và động lực mới. Tập trung thu hút đầu tư, tăng tỉ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng; ưu tiên phát triển sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép, các ngành công nghiệp tiềm năng.

Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hiện đại; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, gắn với sản phẩm OCOP; triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị; chú trọng phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có 9 huyện đã được thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng huyện; có 16 đô thị các loại; tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 30%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 61%; các dự án đầu tư xây dựng triển khai đều lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, như: ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí sản xuất đầu vào tăng cao; xuất khẩu thương mại giảm. Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới tại một số địa phương chưa đồng đều. Một số địa phương, ban quản lý dự án cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.

Nền tảng thu hút đầu tư

Để triển khai hiệu quả QHXD cần sự kết hợp chặt chẽ của các ngành, bởi hiện nay còn nhiều bất cập, vướng mắc, bị giới hạn và chi phối bởi Luật Đất đai, Luật Điện lực, Luật Đê điều, Luật Giao thông đường bộ…

QHXD căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, vì phụ thuộc vào Luật Đất đai nên quy hoạch xây dựng khó triển khai, thậm chí kéo dài làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Luật Điện lực còn chi phối quá lớn về hạ tầng ảnh hưởng đến triển khai quy hoạch xây dựng, các đường dây điện còn mất mỹ quan, tốn đất, nguy cơ mất an toàn…

Hạ tầng thuỷ lợi, hạ tầng giao thông ảnh hưởng rất lớn đến QHXD, một số quy định còn chồng chéo giữa các điều luật, làm cho các ngành lúng túng khi triển khai thực hiện.

Bởi vì, thiếu sự phối kết chặt chẽ giữa các ngành cho nên nhiều quy hoạch chồng chéo, đã có quy hoạch này lại lập quy hoạch khác, gây lãng phí và mâu thuẫn khi thực hiện quy hoạch. Đặc biệt là trong công tác quy hoạch sử dụng đất đai, những quy định sử dụng đất của ngành Tài nguyên môi trường không thống nhất với sử dụng đất của QHXD tạo điều kiện phát sinh các hành vi trục lợi về đất, thông qua việc lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

Xác định quan điểm công tác quy hoạch phải đi trước một bước, ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, nông thôn làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng; thực hiện nghiêm Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các loại, cấp độ quy hoạch đảm bảo có đủ công cụ để quản lý. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm như lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng...

Ông Phạm Văn Tình - Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch là một bài toán khó, cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành và các địa phương. Nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai QHXD ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh. Quản lý tốt QHXD mới thúc đẩy sự phát triển bền vững các lĩnh vực. Quy hoạch, quản lý QHXD tốt là nền tảng thu hút đầu tư.
Uyên Uyên
Theo  Báo Xây dựng
Link gốc: Hà Tĩnh: “Kim chỉ nam” để thực hiện quy hoạch (baoxaydung.com.vn)
 Từ khóa: Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây