Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) là điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước.
Sau gần chín tháng kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cuối tháng 9 vừa qua, tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), Tập đoàn quốc tế Ju Teng (Đài Loan-Trung Quốc) đã khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô-tô Ju Teng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 200 triệu USD. Đây là dự án chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi của máy vi tính và phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô-tô. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu hút khoảng 9.000 lao động... Không chỉ có Ju Teng, trong năm 2022, hầu như quý nào, trên địa bàn Nghệ An cũng có dự án đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD khởi công xây dựng. Tính đến đầu tháng 10, Nghệ An đã thu hút 108 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN với tổng số vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, trong đó có bốn dự án thuộc các "ông lớn" sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ của thế giới như: Goertek, Everwin, Ju Teng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Lần đầu tiên, Nghệ An lọt vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Gần đây, tỉnh đang được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài quan tâm. Các dự án đầu tư trong nước, FDI vào Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, quy mô ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng, phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hai khu kinh tế Nghi Sơn và Vũng Áng đang nổi lên như hai đầu tàu kinh tế bởi sự dẫn dắt từ các dự án động lực như Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), gang thép tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). Các dự án sản xuất công nghiệp hàng chục tỷ USD cũng lần lượt đến ghi danh tại khu vực này. Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) thu hút gần 13 tỷ USD cùng hơn 149 nghìn tỷ đồng từ 318 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Tại đây có gần 170 dự án đã đi vào hoạt động, trong đó Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nhiệt điện Nghi Sơn 1.800MW đã đi vào vận hành thương mại, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia… Năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất trong Khu kinh tế Nghi Sơn đã tạo việc làm cho gần 36.000 lao động, đóng góp 50% ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa khi ước nộp 25.323 tỷ đồng.
Tương tự, với 153 dự án, gồm 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 60 nghìn tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15,7 tỷ USD, Khu kinh tế Vũng Áng đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước. Lĩnh vực sản xuất thép mà hạt nhân là Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với công suất giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn/năm (dự kiến nâng công suất lên 15 triệu tấn/năm trước năm 2030), là đầu tàu thúc đẩy các ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ trên địa bàn; lĩnh vực sản xuất điện có Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200MW và Nhà máy điện năng lượng mặt trời Cẩm Hòa. Năm 2021, tỉnh đã khởi công Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II với vốn đầu tư nước ngoài gần 2,2 tỷ USD và hai nhà máy sản xuất Cell Pin của Tập đoàn Vingroup với các đối tác có tổng mức đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng năm 2022, các dự án trọng điểm này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lần lượt đạt mức 49 nghìn, 20 nghìn và 17 nghìn tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, để có được kết quả đáng mừng này, ngoài sự quan tâm, đồng hành của Trung ương, Nghệ An và các tỉnh đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "Một cửa tại chỗ", "Một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm đã được giảm 2/3 so thời gian theo quy định của pháp luật.
Chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, các thế hệ lãnh đạo ba tỉnh Bắc Trung Bộ cho rằng, cần có mặt bằng sạch, hạ tầng thiết yếu bàn giao cho nhà đầu tư. Công tác cải cách thủ tục hành chính đã có bước chuyển đáng kể nhưng vẫn còn tình trạng "tỉnh mở, sở thắt". Bên cạnh đó, ba tỉnh chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động và các dịch vụ liên quan logistics chưa hỗ trợ được nhiều cho chủ hàng; nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao; thiếu nhà ở cho công nhân…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa trao đổi, để Thanh Hóa là "điểm đến hấp dẫn","bến đỗ an toàn" của các nhà đầu tư, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, giai đoạn 2021-2025; thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược về: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; kết cấu hạ tầng; nguồn nhân lực chất lượng cao. Những dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa đối với sự phát triển của địa phương, cần được nghiên cứu áp dụng cơ chế riêng, phương pháp sáng tạo, hiệu quả, để sớm đi vào vận hành.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trọng tâm là hạ tầng cảng Vũng Áng, Sơn Dương, hệ thống giao thông kết nối đường ven biển, các tuyến giao thông trọng yếu theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo liên kết vùng; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tạo nền tảng thu hút đầu tư, hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hậu thép, công nghiệp chế biến, chế tạo, sớm hình thành thành phố công nghiệp ven biển gắn với Khu kinh tế Vũng Áng, trên cơ sở phát triển thị xã Kỳ Anh, tạo sức lan tỏa, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế trên địa bàn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…