Buôn bán ven sông

Thứ sáu - 16/02/2024 09:01
Giao thương trao đổi đã xuất hiện ở loài người từ thời cổ đại. Buôn bán ngày càng mở rộng khi có các phương tiện giao thông, từ lừa, ngựa thồ, đến xe ngựa kéo. Tuy nhiên, từ khi con người phát minh ra các loại tàu thuyền chuyên chở đường sông thì giao thương mới ngày càng phát triển và mở rộng phạm vi ra các quốc gia khác.
D2024021602
Ảnh minh hoạ
 
Do đó, từ thời xưa, ở nước ta, việc buôn bán với nước ngoài đều phải dựa vào sông biển. Những truyện cổ tích liên quan đến chuyện buôn bán với những đối tác lạ “ngoại lai” đều diễn ra ở ven sông, gần biển, hay ngoài hải đảo, như chuyện Tiên Dung – Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm…

Mặc dù vậy, để bảo đảm an ninh, thời Trần, Lê, đã quy định thuyền buôn nước ngoài chỉ được vào trang Vân Đồn để neo đậu, buôn bán. Ngược lên thời Lý, sử sách có ghi chuyện lái buôn từ nước Trảo Oa (tức đảo Java, Indonesia ngày nay) vượt biển đến dâng Ngọc châu dạ quang lên vua Lý Thánh Tông năm 1066, được nhà vua trả cho một vạn quan tiền. Mặc dù vậy, lần đó sử không ghi thuyền buôn nước họ được phép neo đậu ở đâu.

Sau này, ở miền Nam, các khu tập trung thương nhân nước ngoài buôn bán cũng nằm ven những con sông lớn, như sông Hoài (Hội An), hay sông Đồng Nai (Cù lao Phố)…

Còn vào thời Trần, việc quy định lái buôn nước ngoài được đến trang Vân Đồn (thời đó là lộ An Bang, nay là Quảng Ninh) để buôn bán, triều đình lập ra các cơ quan quản lý chặt chẽ và thu thuế đầy đủ. Như thời Trần Khánh Dư làm tướng trấn thủ Vân Đồn, tha hồ tác oai với thương nhân trong ngoài nước, vơ vét đủ các mối buôn bán.

Lệnh cấm buôn bán vụng trộm với nước ngoài đã được áp dụng từ đầu thời Lê sơ. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi vua Lê Thái Tông mới lên ngôi, năm 1435, triều đình đã xử phạt Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao đều phải biếm 3 tư (tức hạ 3 bậc trong ngạch bậc quan chức, mỗi bậc có 4-5 “tư”), bãi chức vì vi phạm lệnh cấm này. “Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa đến trấn Vân Đồn, bọn Tông Từ giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, trước đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, mà bán trộm đi hơn 900 quan tiền, cùng với Lê Dao, mỗi người chiếm hơn 100 quan”, “Toàn thư” chép. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội.

Theo ghi chép trong sử sách thời Lê sơ và bộ “Quốc triều hình luật” (còn gọi là Luật Hồng Đức), thì tại các cửa biển, triều đình đặt quan Sát hải sứ để kiểm soát tàu bè, cùng các ty An phủ và Đề bạc để kiểm soát buôn bán và đi lại của các thuyền buôn, thương nhân. Theo luật thời Lê, người dân và quan lại vùng duyên hải tự ý mua hàng hoá của người nước ngoài hoặc đón tiếp các thuyền buôn thì sẽ bị nghiêm trị, phạt tiền rất nặng, từ 50 quan đến 200 quan.

Chương Tạp luật, bộ Luật Hồng Đức, điều 612 quy định: Các quan ty vô cớ mà đi riêng ra những trang ngoài Vân Đồn, các trấn cửa quan ải thì xử tội đồ hay lưu; thưởng cho người tố cáo được một tư.

Điều 613 bộ luật này quy định rõ hơn: Những quân lính các trấn ven biên giới, cùng các trang vùng duyên hải mà giấu giếm chở người nước ngoài vào kinh thành, thì xử biếm năm tư; không có quan chức thì xử tội đồ làm chủng điền binh (lao dịch tại đồn điền của nhà nước) và phạt tiền 100 quan; thưởng cho người tố giác một phần ba. Quan trông coi và chủ trang vô tình không biết, thì xử biếm một tư.

Việc cấm dỡ lậu hàng buôn ngoại quốc được điều 614 định rõ: Những trang trại ở ven bờ bể, mà đón tiếp thuyền buôn, ngầm dỡ hộ hàng hóa lên bờ, thì xử biếm ba tư, phải phạt gấp ba tang vật để sung công, lấy một phần thưởng cho người tố giác. Người chủ trang trại ấy mất chức giám trang.

Về việc đưa hàng hóa nước ngoài lên kinh thành buôn bán thời Lê được quy định tại điều 615 của Luật Hồng Đức: Người ở trang Vân Đồn mà chở hàng hóa Trung Quốc lên kinh thành mà không có giấy của An Phủ ty cấp cho, khi đến bến Triều Đông lại không đến cho Đề bạc ty kiểm soát, đã đem đi bán lén lút, cùng là khi về không có giấy của Đề bạc ty cấp cho; đến chỗ Thông mậu trường lại không đến cho An Phủ ty kiểm soát, mà đã về thẳng trang, thì đều phải biếm một tư và phạt tiền 100 quan; thưởng người tố cáo một phần ba. Nếu đem hàng hóa tới các nơi bán giấu, thì xử biếm ba tư, phạt tiền 200 quan. An Phủ ty, Đề bạc ty vô tình không biết đều phải biếm một tư, cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức.

Thời Lê bắt đầu có việc cho phép khách buôn nước ngoài được mở cửa hàng buôn bán ở Phố Hiến (Hưng Yên) và kinh thành. Phố Hiến ngày càng sầm uất, nổi danh trong câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ở đây, ngoài khách buôn Trung Quốc, còn có cả thương nhân từ Hà Lan, Ma Cao, Ấn Độ, Nhật Bản…

Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết về đất Thượng kinh (Thăng Long) với một phường của khách buôn nước ngoài: “Phường Đường Nhân bán áo diệp y” và chú thích: “Đường Nhân là phố khách thương Quảng Đông, Quảng Tây ở. Diệp y là thứ áo người Trung Quốc mặc, áo trong thì tay áo, thân áo đều dài, áo ngoài thì tùy thứ tự mà quấn lên, trông tựa lá màu xanh biếc”.

Tuyến đường đưa thương nhân ngoại quốc đến với Kinh thành Thăng Long hoặc Phố Hiến đều dựa theo dòng sông Hồng. Phố Hiến, khu phố có nhiều cửa hàng của thương nhân ngoại quốc đến buôn bán tấp nập thời Lê trung hưng, được mô tả trong bộ sử chí “Đại Nam nhất thống chí”, do Quốc sử quán triều Nguyễn, biên soạn dưới thời vua Tự Đức, như sau: “Phố Bắc Hòa thượng và hạ đều ở phía Tây Nam huyện Kim Động. Đời Lê, Vạn Lai Triều và dinh Hiến Nam đều ở đây; hai phố này nhà ngói như bát úp, là nơi người Trung Quốc hội tụ buôn bán. Lại có phố Nam Hòa, người Trung Quốc ở, đối diện với phố Bắc Hòa”.

Theo sách “An Nam ký du” của Phạm Đỉnh Khuê, năm 1688 đi qua Hiến Hội (Phố Hiến) thì “Ở đây dừng lại tất cả thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán với đằng ngoài”.

Về việc kiểm soát thuyền buôn, điều 616 quy định: Thuyền bè ngoại quốc đến trang Vân Đồn buôn bán, mà quan Sát hải sứ (quan khám xét các thuyền bè) đi riêng ra ngoài cửa bể soát trước, thì xử biếm một tư. Thuyền buôn ấy muốn đậu lại lâu, thì trang chủ phải làm giấy trình An Phủ ty làm bằng mới được ở lại; nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại, thì xử biếm hai tư và phạt tiền 200 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba.

Ngoài các dãy phố buôn bán của thương nhân Trung Quốc và cả đại diện công ty Đông Ấn, Hà Lan trong kinh thành, theo những ghi chép vào năm 1650, các lái buôn Trung Quốc vẫn được phép cư trú và buôn bán ở Thanh Trì và Khuyến Lương, cũng đều là những bến thuyền ven sông Hồng cách kinh thành không xa.

Quy định về việc giám sát tàu buôn từ Phố Hiến lên Thăng Long khá chặt chẽ: “Khi các tàu trưởng của những tàu đậu ở Vạn Lai Triều (Phố Hiến), muốn đến kinh sư để bệ kiến chúa thượng, họ phải được viên quan trông nom về việc đó khám xét và kiểm tra, và được viên quan đó cho người dẫn đi. Sau khi xong việc, họ phải quay về Lai Triều”.

Bên cạnh các thương nhân Trung Quốc, các lái buôn Hà Lan đã giong thuyền đến Phố Hiến từ thế kỷ XVII. Họ thường mang bạc, đồng đến mua đổi lấy các loại tơ hoặc vải lụa. Hương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan là ngôi nhà đầu tiên ở Phố Hiến được xây bằng gạch, nằm sát bờ sông Hồng. Trong những năm đầu, người Hà Lan làm ăn khá phát đạt. Nhưng sau đó, các thương nhân người Anh cạnh tranh mạnh nên các thương nhân Hà Lan dần bị lép vế. Ngoài ra, ở Phố Hiến còn có các thương nhân Bồ Đào Nha, nhưng họ là những thương nhân độc lập, không lập công ty, không đặt thương điếm. Các thương nhân người Pháp cũng đã có mặt ở đây, với sự xuất hiện của Công ty Đông Ấn thuộc Pháp được lập tại Phố Hiến vào năm 1680.

Ở Phố Hiến còn có thương nhân Nhật thường mang bạc, đồng đến mua đổi lấy các loại tơ hoặc vải lụa. Có những người Nhật định cư lâu dài, đã chuyển sang làm một số nghề như hoa tiêu dẫn tàu vào cửa sông, phiên dịch, môi giới. Theo mô tả của các nhân chứng đương thời, các thuyền mành bằng gỗ của Trung Quốc, Xiêm La và các nước châu Á khác có thể neo đậu sát bờ sông Hồng, còn thuyền Châu Âu to lớn hơn nhiều, thường neo ở vùng nước sâu giữa sông.

Tuy nhiên, theo sự biến thiên của thời gian, do dòng chảy sông Hồng thay đổi, bến cảng Phố Hiến bị bồi lắng nên việc bốc dỡ hàng hóa trở nên khó khăn. Mặt khác, Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm biển, mở ra một thị trường đông đúc hấp dẫn. Nhật Bản cũng chuyển sang chiến lược xuất khẩu bạc, vàng, tơ lụa. Các tuyến buôn bán đường biển trực tiếp trở nên thông thoáng hơn, không cần qua khâu trung gian, nên ngoại thương Việt Nam và ở Phố Hiến nói riêng đã giảm thiểu đáng kể. Các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến lần lượt đóng cửa, vắng các tàu buôn, thương cảng Phố Hiến dần suy tàn.

Ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn, các thuyền buôn từ Hội An, Trung Quốc ghé cửa biển Thuận An đi dọc theo sông Hương lên Huế. Nhờ đó mà phẩm vật của người u và Trung Hoa (tơ sống, thuốc Bắc, bút chì...) đều được mang bán tại thủ phủ Kim Long (lúc thủ phủ chưa dời sang Phú Xuân).

Còn ở Đàng Ngoài, do ảnh hưởng cuộc chiến Trịnh – Nguyễn nên việc kiểm soát các tàu thuyền buôn bán của ngoại quốc ngày càng siết chặt. Sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng cho biết, năm 1726, đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương lệnh cho các quan trấn thủ hai xứ Sơn Nam và Hải Dương rằng phàm có tàu buôn ngoại quốc, khi họ quay buồm ra biển thì phải xét hỏi nghiêm ngặt hơn nữa, thấy họ có xin mua đồ đồng đỏ, đã được quan giám đương cân đo và xét nghiệm rồi, cũng đều phải xét lại xem có đúng số mới cho phép họ được đi. Nếu thuyền nào chở đồng đỏ hay đồ đồng quá số hạn định thì phải bắt gữ lại, xét hỏi và trừng trị một cách sáng suốt. Nếu khám không kỹ đến nỗi để sơ hở, sót lọt, hay vì tư tình mà dung túng thì khi phát giác sẽ bị khép tội nặng.

Hay theo “Đại Việt sử ký tục biên”, dưới thời vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764), ở Nghệ An, châu Vạn Ninh có nhiều người khách Trung Quốc lưu vong đến ở, triều đình sai quan bắt họ phải ở riêng biệt. Lại có lái buôn Trung Quốc nhiều người đến cư trú ở Vĩnh Đại (huyện La Sơn, nay là huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) và xã Triều Khẩu (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), là hai xã đối diện nhau nằm hai bên bờ sông Lam, không xa cửa biển, để mở cửa hiệu buôn bán. Triều đình cũng sai quan quân sở tại đến bắt họ đưa ra ngoài địa phương, phải ở riêng như trước.

Sau các biến động như các cuộc giặc dã, kiêu binh nổi loạn, chiến tranh với nhà Tây Sơn… khiến tình hình ngoại thương của Đàng Ngoài ngày càng giảm sút. Phố Hiến biến mất, thương nhân Trung Quốc vẫn còn tập trung tại một số phố buôn tiêu biểu của thành Thăng Long, nhưng hình ảnh những đoàn tàu buôn giương buồm nước ngoài phấp phới trên con sông Hồng huyết mạch chỉ còn trong dĩ vãng…
Lê Tiên Long
Theo vietnamfinance.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây