Trước thực trạng mất mùa vì Thiên ưu 8: Lúng túng như gà mắc tóc

Thứ tư - 07/06/2017 10:06
21 ngàn ha lúa bị mất trắng; 1/3 sản lượng lúa bị tụt giảm, gây thiệt hại trên 700 tỷ đồng giáng xuống đầu nông dân nghèo vô tội, ai chịu trách nhiệm, ai lo đời sống cho nông dân?!
Cho đến thời điểm này, nông dân Hà Tĩnh gặt hái đã gần xong, kẻ đầy bồ người treo niêu. Ai trồng giống lúa Thiên ưu 8 thì bị mất trắng, còn người trồng những giống lúa khác thì lại được mùa to, vậy mà ngành nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn “bình chân như vại” không hề tổ chức bất kỳ một cuộc họp khẩn nào, vẫn tiếp tục chạy đôn, chạy đáo để lấy cho bằng được 400 tấn lúa giống từ Cty CP giống cây trồng Trung ương (Cty tư nhân), đơn vị cấp giống gây ra tình trạng mất mùa khủng khiếp nói trên để tiếp tục buộc nông dân SX vụ vào vụ hè thu tới, gọi là giống hỗ trợ cho nông dân bị mất mùa. Tuy nhiên, hậu quả trước mắt đó là cuộc sống của người nông dân đang phải đối mặt với nạn đói đang cận kề.

Nông dân kêu trời

Tính đến cuối mùa gặt hái vụ xuân 2017, toàn tỉnh có tổng diện tích bị thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông xảy ra là 21.500ha, trong đó diện tích Thiên ưu 8 chiếm đến gần 18.000ha. Các huyện bị thiệt hại nặng nề nhất đó là Thạch Hà (3.382ha); Cẩm Xuyên (3.679ha); Hương Sơn (2.256,8ha); Can Lộc (2.672,8ha); Đức Thọ (hơn 2.018ha); Nghi Xuân (hơn 1.973ha)… tụt sản lượng lương thực so cùng kỳ năm ngoái trên 12 vạn tấn/tổng sản lượng lương thực vụ xuân là 335 vạn tấn. Một con số thật khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp Hà Tĩnh. 

Ông Nguyễn Hữu Phong (Thạch Đài, Thạch Hà) tố cáo giống Thiên ưu 8 là giống chất lượng kém, gây ra nạn mất mùa nặng

Ông Nguyễn Hữu Phong, trú thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, Thạch Hà nói: “Khi nghe cán bộ Cty này cũng như huyện về tuyên truyền giống lúa Thiên ưu 8 là giống lúa chất lượng cao, đặc biệt kháng bệnh đạo ôn (đề quảng cáo ngoài bao bì) nên gia đình tôi mua về gieo cấy 13 sào. Khi đưa giống ngâm ủ thì có khoảng 1/3 hạt lép nổi lên mặt nước buộc phải xúc vớt đổ đi. Một vấn đề lạ nữa là khi lúa đến thời kỳ “con gái”, có hai cán bộ về tuyên truyền, bán cho mỗi hộ nông dân 2 lọ thuốc và nói, đây là thuốc chống bệnh đạo ôn gây hại trên lúa, nhà tôi cũng mua 2 lọ và cũng nghi lắm bởi lúc đó lúa chưa hề có hiện tượng sâu bệnh xảy ra kể cả hiện tượng bệnh đạo ôn. Khi lúa đến kỳ trổ bông, chúng tôi thấy hiện tượng lúa tại cổ bông xuất hiện một vòng mờ thâm đỏ, bông nào đậm hạt lúa chuyển sang màu trắng, lép hạt. Lúc đó mới vỡ lẽ ra cả diện tích đã bị nhiễm bệnh cổ bông nặng, ai nấy tự mua thuốc về tự phun để cứu lúa nhưng rốt cục chẳng ăn thua bởi đạo ôn cổ bông ăn ngay từ trong thân lúa. Thế là toàn bộ số diện tích của nhà tôi mất trắng”, ông Phong chỉ vào đống lúa chất bên vệ đường bức xúc.

Chung tình cảnh như ông Phong, ông Thân Toản ở thôn Trung, xã Thạch Lưu cũng nghe cán bộ khuyên giải nên gieo cấy 3,1 mẫu giống Thiên ưu 8 nhưng tất cả đều mất trắng không có thóc để ăn, nguy cơ đói cả nhà. 

Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) Nguyễn Huy Hà cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn cổ bông là do giống, bởi khi ủ hạt lép nổi lên nhiều, chưa có giống nào kém chất lượng như thế. Phần nữa, tại sao gieo cấy trong một ruộng nhưng cấy giống hương thơm thì được mùa to, không nhiễm đạo ôn, còn Thiên ưu 8 thì mất trắng? Theo ông Hà, Thạch Xuân gieo cấy vụ xuân 525ha, trong đó cơ cấu 331ha là giống Thiên ưu 8 thì có đến gần 300ha mất trắng, diện tích còn lại thiệt hại từ 50 – 70%.

 Ông Đào Nghĩa Nhuận, Hội Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, nguyên nhân mất mùa là do giống lúa Thiên ưu 8 không có khả năng kháng bệnh đạo ôn, đồng thời khi gặp thời tiết có độ ẩm cao là bùng phát mạnh. Cũng theo ông Nhuận, đây có thể đánh giá một vụ mùa thất bại nặng nề nhất từ trước tới nay. Chính vì vậy phải làm rõ, quy trách nhiệm, phải bồi thường cho dân.

Giống kém chất lượng!

Vụ xuân năm 2014, một Cty  CP Vật tư Nông nghiệp luôn làm ăn có uy tín trên cả nước vào Hà Tĩnh cung ứng giống cho nông dân ngâm ủ. Tuy nhiên, giống nảy mầm chậm bởi thời tiết lúc đó độ ẩm rất cao, rét đậm, rét hại, nhưng chưa đưa ra gieo cấy bất kỳ một diện tích nào, nên không gây thiệt hại gì đối với nông dân. Nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại chỉ đạo cương quyết phải xử lý nghiêm. Biết là chưa gây thiệt hại gì, nhưng nhà SX giống cũng đã nhận trách nhiệm về mình, chịu bồi thường “thiệt hại” cho nông dân kể cả tiền lãi suất ngân hàng. 

Người dân xót xa bên đống lúa mất công gặt phải bỏ đi vì lúa Thiên ưu 8 có võ không có hạt

Chưa dừng lại ở đó, một lãnh đạo cao cấp tỉnh còn chỉ đạo giao cơ quan chuyên môn phải làm thủ tục để phạt 3 tỷ đồng, đồng thời giao cho cơ quan điều tra làm rõ, khởi tố vụ án và giao ngành nông nghiệp, tuyệt đối không được cơ cấu bất kỳ một loại giống gì của Cty này khi chưa giải quyết xong. Điều đó đã thể hiện sự kiên quyết của lãnh đạo tỉnh trước nguy cơ đe doạ đến cuộc sống lâu dài của người dân nơi đây.

 Tính chất nghiêm khắc của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thời đó là thế. Còn nay, trong lúc Cty CP giống cây trồng lợi dụng mác là của Trung ương đề quảng bá trên bao bì “…Đặc biệt kháng bệnh đạo ôn” nhưng ngược lại, chính giống lúa Thiên ưu 8 trong cái bao bì này lại là thủ phạm gây ra bệnh đạo ôn, gây thiệt hại giảm 1/3 sản lượng cho một tỉnh nghèo đang trong hoàn cảnh về sự cô môi trường biển, lũ chồng lũ, bế tắc hàng trăm vạn con lợn không xuất chuồng được, nay lại mất mùa lúa vì giống Thiên ưu 8. Người nông dân cuối cùng chỉ biết đội tay lên đầu. 

Phải bồi thường thiệt hại cho nông dân!

Nói về trách nhiệm, một lão thành từ ngành nông nghiệp nghỉ hưu cho rằng, để nông dân bị mất mùa nặng nề trách nhiệm trước hết phải thuộc về ngành chuyên môn đó là Sở NN-PTNT thiếu lo cho dân, thiếu kiểm tra chất lượng giống, thiếu kiểm tra thường xuyên trên đồng ruộng, bỏ mặc cho dân để bệnh đạo ôn bùng phát mạnh, tự dân phải chống chọi, sau đó cán bộ mới về họp dân để “giảng bài”. Với cách làm của cán bộ kiểu này nông dân mất mùa là phải. Cũng nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này tỉnh chưa hề tổ chức bất kỳ một cuộc họp nào để chính thức đưa ra con số thiệt hại, tìm nguyên nhân từ đâu, ai là người phải chịu trách nhiệm để có biện pháp xử lý. 

Hà Tĩnh mất mùa, trong khi đó các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa được mùa to. Đây trước hết phải nói đến công tác cán bộ, bởi cả tỉnh có một Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chuyên phụ trách công tác nông nghiệp cộng với 8 Phó giám đốc Sở NN-PTNT và nhiều cơ quan giúp việc, cần xem lại lực lượng này để quy trách nhiệm.

 Một số ý kiến khác bảo thủ cho rằng, mất mùa do thời tiết. Tuy nhiên, nếu đổ lỗi do vì thời tiết thì các giống lúa khác sao không bị bệnh vã lại được mùa to?!. Vì thế không thể đổ lỗi cho là thời tiết được mà phải khẳng định là do giống. Trong khi nông dân đang hoảng loạn mất mùa lo thiếu đói ngành nông nghiệp lại chạy đôn chạy đáo tiếp tục đưa 400 tấn giống lúa của Cty này về buộc dân phải SX theo kiểu hỗ trợ. Thật là trớ trêu. Còn đối với nông dân, khi nói đến Trung ương thì cứ tưởng đây là cơ quan của Nhà nước Trung ương, đồng thời thấy ngoài bao bì có ghi chữ: “Đặc biệt kháng bệnh đạo ôn” lại càng tin hơn. Suy cho cùng đây là một cách làm mập mờ để lừa dân, cần phải được xử lý nghiêm đúng pháp luật quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã nói rằng: “Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp chỉ đạo như thế là không ổn, bởi mất trên 20 nghìn ha lúa mà chỉ đạo vô cảm và thiếu trách nhiệm. Tại sao mấy tỉnh miền Trung thời tiết gần giống Hà Tĩnh mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An lại được mùa to, trong lúc đó Hà Tĩnh mình lại bị mất mùa nặng. Cái này cần xem xét lại”.

Theo Anh Bình An ninh tiền tệ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây