Khu dân cư 5 năm không điện, nước Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì vấn đề điện, nước là một trong những nhu cầu sống thiết yếu hàng đầu. Vậy mà người dân xóm Tân Học, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh, 5 năm nay không có điện, nước để sử dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đời sống & Tiêu dùng, khu dân cư Tân Học đã được UBND TP. Hà Tĩnh phê duyệt dự án bán đất cho con em trong xã có nhu cầu cấp thiết nhà ở và 1 số cán bộ nhân dân trong thành phố. Năm 2010 có 86 hộ dân được mua đất theo diện cấp đất ở xóm Tân Học này, nhiều hộ dân đã về làm nhà. Tưởng như cuộc sống sẽ đổi khác khi có căn nhà mới cho riêng mình. Vậy mà cho đến nay, cơ sở hạ tầng như điện, nước sạch vẫn chưa được chưa đầu tư thực hiện đầy đủ.
Khu dân cư 5 năm không điện, nước.
Để giải quyết nhu cầu cấp thiết trước mắt cho mình, nhiều hộ dân đã phải đi xin câu điện ở các vùng xung quanh về sử dụng. Những đường dây điện thấp lè tè được chống bởi những cọc tre yếu ớt mong rằng nó sẽ đem lại ánh sáng cho gia đình. Nhưng đó cũng giống như những cái bẫy chết người có thể cướp đi tính mạng của họ, khi mà các đường dây không có cáp quang bảo vệ, không có sứ cách điện, cọc chống không đảm bảo có thể đổ gãy bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão đến.
Ngân sách hạn hẹp Để làm rõ hơn về thông tin trên, chúng tôi đã có buổi làm việc ông Trương Công Trung chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh, Ông Trung cho biết: Theo như nguyên tắc làm hạ tầng thì phải đầy đủ điện, đường, trường, trạm, nhưng vì ngân sách hạn hẹp cho nên vẫn chưa hoàn thành.
Ông Trung cho biết giá đất bao nhiêu là do tỉnh quy định. Theo như bản thiết kế thì có điện, nước nhưng vì ngân sách khó khăn nên chưa thực hiện được.
Ông Trương Công Trung chủ tịch UBND xã Thạch Hạ "Ngân sách hẹp"."
Cũng theo ông Trương Công Trung thì xã sẽ có kế hoạch để thực hiện, nhưng chưa biết lúc nào. Hiện tại thì xã đã cho lập lại dự toán vì bản dự toán trước lập 2009- 2010 nên giá có nhiều thay đổi, yêu cầu thành phố phê duyệt lại.
Ở đây có 86 lô đất đã được bán cho 86 hộ, nhưng vì chưa có điện nước nên họ không thể làm nhà để ở, hiện tại chỉ mới có vài chục hộ tới ở. Đúng theo như thiết kế thì phải làm đồng bộ nhưng vì ngân sách khó khăn nên không làm được.
Cán bộ thì nói do ngân sách thiếu không làm được, người dân thì hàng ngày phải gánh chịu cảnh thiếu điện, thiếu nước không biết cứ thế này người dân ở xã Thạch Hạ biết lúc nào mới có điện, nước để sử dụng.
Khi được hỏi về việc mà người dân bắt điện ở các vùng xung quanh bằng các cọc tre yếu ớt, dễ đổ gãy như vậy thì xã nghĩ thế nào? Ông Trung cho biết: Lỡ mà xảy ra vấn đề gì đó thì cũng rất khó cho địa phương. Đất ở đây được cấp cho con em trong địa phương có đầy đủ nhu cầu cũng như là điều kiện để cấp đất. Việc mà xã chưa xây dựng hệ thống điện nước là vì sau khi cấp đất các hộ dân chưa có nhu cầu làm nhà nên chưa làm.
Thiết nghĩ một cán bộ xã mà suy nghĩ như vậy thì không biết người dân ở dưới còn phải chịu khổ đến bao giờ. Nếu họ không có nhu cầu làm nhà thì họ mua đất làm gì, khi mà có những người dù đang phải thuê nhà để ở cũng không dám về đây làm nhà vì không có điện nước sử dụng, mà đó là những nhu cầu tối thiểu nhất trong cuộc sống. Dù sự thật họ chưa có nhu cầu làm nhà đi chăng nữa, thì việc xây dựng điện nước cũng phải thực hiện, chứ không thể cứ chờ người dân kêu mới làm được.
Một xã nằm giữa thành phố nhưng 5 năm vẫn chưa có điện nước thì trách nhiệm thuộc về ai? Thì ông Trung vẫn khẳng định đây là trách nhiệm thuộc của Nhà nước và chính quyền.
Hi vọng với sự phản ánh tích cực của báo chí sẽ giúp cho kế hoạch sớm được thực hiện để người dân nơi đây sớm có điện nước để sử dụng, đảm bảo đời sống hàng ngày.
Theo Trí Thức – Diễm Phước (Đời sống và Tiêu dùng)