Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ ba - 06/06/2017 16:47
(Hatinhnews)-Cơn bão số 1 vừa hoành hành ở các tỉnh Nam bộ được đánh giá là đến sớm hơn mọi năm và khá bất thường. Nói đúng hơn, biến đổi khí hậu đang ngày càng có những biểu hiện rõ nét với tính chất nguy hiểm hơn, đe dọa đến cuộc sống của con người. Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như nông nghiệp thì việc ứng phó với BĐKH là việc làm cấp bách, không thể chậm trễ….

Nằm trong dải ven biển miền Trung, địa hình hẹp, các con sông thường ngắn và dốc là nguyên nhân khiến hàng năm Hà Tĩnh phải gánh chịu bao mất mát do thiên tai, bão lũ gây ra. Trong bối cảnh BĐKH, các tác động xấu do hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai tăng lên cả về số lượng và cường độ. Hệ lụy của nó là tình trạng xâm mặn ngày càng lan rộng gây xói lở bờ biển với cường độ cao, trong khi cơ cấu nông nghiệp chưa có biện pháp thích ứng. Điều đáng nói, sự thất bát lại càng tăng lên gấp bội khi thiên tai thường xảy ra đúng vào thời vụ sản xuất chính trong năm.

Trận rét hồi đầu vụ đông xuân 2011- 2012 đã cướp mất của bà con nông dân hàng nghin ha lúa

Nỗi ám ảnh mà người nông dân Hà Tĩnh vẫn không thể quên được là sự tàn phá khốc liệt của trận rét lịch sử đúng vào thời vụ đông xuân năm 2008 rồi tiếp đến là “cơn đại hồng thủy” ở vụ đông năm 2010, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, hậu quả đến bây giờ vẫn chưa thể khắc phục hết. Mới đây nhất, do phản ứng liên hoàn từ vụ đông xuân muộn, nhiều diện tích lúa hè thu 2011 đã không kịp đến kỳ thu hoạch vì những cơn mưa lớn vào cuối vụ ập đến; hơn 6735 tấn lúa đã thu hoạch không thể phơi sấy nảy mầm, hư hỏng. Cực chẳng đã, 58 ngày rét trong vụ đông xuân 2011- 2012 lại “bồi” thêm cho người nông dân thêm gánh nặng khi 584,3 ha mạ và 5867 ha lúa gieo bị mất trắng.

Ông Phan Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Là huyện thuộc đồng bằng ven biển, Lộc Hà là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đó là bão lụt, hạn hán và nước biển dâng. Chỉ trong 10 ngày trong trận hạn năm 2010, toàn huyện đã thiệt hại trên 11,6 tỷ đồng. Đồng ruộng nứt nẻ, ngao, tôm chết trắng đồng, người dân rơi vào tình cảnh thiểu nước trầm trọng là những hình ảnh không thể nào quên. Tuy nhiên, nhận biết về thách thức và nguy cơ của BĐKH của người dân còn nhiều hạn chế, thậm chí thuật ngữ này còn chưa xuất hiện trong suy nghĩ của bà con nên công tác ứng phó BĐKH dựa vào cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn”.

Theo kịch bản BĐKH do Bộ TN&MT cung cấp, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 3 đến 5oC, mực nước biển trung bình tăng lên 1 m, có thể gây ngập hơn 30.000 km vuông. Riêng Hà Tĩnh có khả năng đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ trung bình lên đến 2,8oC, lượng mưa trung bình tăng từ 7-8% và mực nước biển dâng 75cm.

Mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGrap cho hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sự tác động của BĐKH đến ngành nông nghiệp là rất rõ nét, các quy luật về thời tiết có nhiều thay đổi gây không ít khó khăn trong sản xuất, nhất là đối với trồng trọt. Việc cấp bách bây giờ là phải căn cơ làm sao để mùa vụ hè thu, vụ đông tránh được bão lũ và vụ đông xuân tránh được rét. Đó là giải pháp thích ứng với BĐKH an toàn nhất cho nền sản xuất nông nghiệp hiện nay. Còn về lâu dài, nông nghiệp tỉnh nhà đang hướng tới nền nông nghiệp sạch, giảm phát thải nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Cụ thể ra, đó chính là sự chuyển dịch về mùa vụ, thay đổi giống kém chất lượng, dài ngày, dễ tổn thương sang loại có hiệu quả hơn và tăng cường áp dụng KHKT vào sản xuất… Chẳng thế mà, mấy năm nay mô hình trồng lúa thâm canh cải SRI, rau an toàn hay mô hình chăn nuôi khép kín sử dụng biogas lại được khuyến khích và phát triển đến thế. Đặc biệt, vụ đông xuân 2011- 2012 thời tiết giá rét đã làm lúa chết hàng loạt nhưng cái để lại cho bà con là cơ hội vàng tiếp cận với nền sản xuất mới. Tỷ lệ trà xuân muộn toàn tỉnh đạt cao nhất trong 3 trà lúa (31.929 ha/54.359 ha) và cao hơn kế hoạch ban đầu mà ngành nông nghiệp đặt ra hồi đầu vụ (kế hoạch là 40%); một loạt giống mới được đưa về trên địa bàn với phẩm cấp cao, chất lượng tốt thay vì dòng giống lỗi thời, già cỗi là những chuyển biến đáng mừng trong cuộc chiến giành thế chủ động.

Từ Can Lộc, địa phương tiên phong “nói không với IR 1820” đã tạo ra sức lan tỏa lớn mạnh trong toàn tỉnh, kể cả ở những nơi có tập quán canh tác lâu đời như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà. Bỏ trà xuân sớm đang là hướng đi tất yếu cho nông nghiệp tỉnh nhà. Thêm vào đó là kỹ thuật canh tác che phủ ni lông cho mạ, nhằm bảo vệ an toàn vụ sản xuất trong tiết trời khắc nghiệt của vụ đông xuân Hà Tĩnh.

Dẫu sao chiến lược dài hơi vẫn luôn đảm bảo tính bền vững tuyệt đối trong sản xuất. Đó là duy trì hoặc tăng diện tích rừng thông qua giảm phát thải nhờ nỗ lực giảm suy thoái rừng và mất rừng, cải thiện công tác quản lý rừng, tái trồng rừng và trồng mới rừng; tăng cường chuyển dịch cơ cấu, tìm đúng cây, con chủ lực cho địa phương; đổi mới công nghệ, hướng đến sản xuất hàng hóa sạch, hữu cơ và an toàn. Không ai khác, sức mạnh cộng đồng là động lực để xây nên thành lũy vững chãi trước thách thức của BĐKH.

Theo Hatinhonline

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây