Vụ nước uống tinh khiết nhiễm khuẩn gây viêm màng tim, viêm phổi: Phiếu kiểm nghiệm đã được “bán” khống

Thứ ba - 06/06/2017 16:21
Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An chủ trì kiểm tra đột xuất 41 cơ sở sản xuất nước tinh khiết trên địa bàn đã phát hiện tới 21/37 mẫu nước không đạt chất lượng theo quy chuẩn. Đặc biệt, qua xét nghiệm đã phát hiện loại trực khuẩn màu xanh, có tên khoa học là vi khuẩn Psendomonas aeruginosa có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người, kháng thuốc đối với nhiều kháng sinh, có thể gây viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi...


n Sự nhếch nhác, mất vệ sinh ở một cơ sở sản xuất nước tinh khiết tại Nghệ An. Ảnh: Hồ Hà

Loạn tên gọi “ăn theo”!

Nếu như trước đây, thị trường nước uống tinh khiết ở Nghệ An chỉ lèo tèo vài hãng sản xuất tên tuổi như: Lavie, Thạch Bích, Thiên An… thì những năm gần đây, các cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống tinh khiết bỗng dưng mọc lên như nấm khắp nơi. Các hãng nước đóng chai loạn tên gọi như: ViTa, Xvita, Xpro, ANLIM, KiWi, Vista, Aquavita, Anova… với nhãn mác na ná, “ăn theo” các hãng nước có tên tuổi, uy tín trên thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, ngộ nhận.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, 40 tuổi, trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) bày tỏ: “Nhiều tên gọi na ná nhau quá, chúng tôi hầu hết vẫn sử dụng theo cảm quan, miễn là sản phẩm có nhãn mác, địa chỉ là được. Tôi không phân biệt được sự khác nhau giữa nước khoáng và nước tinh khiết như thế nào?”. Cũng theo chị Tâm thì không những hộ gia đình sử dụng mà hiện nay nước khoáng, nước tinh khiết đều có mặt ở trong cả trường học, cơ quan công sở cho đến bệnh viện… “Tôi đi chăm người ốm ở bệnh viện cũng thấy từ bệnh nhân đến người nhà đều sử dụng nước đóng chai, đến trường học cũng thấy học sinh sử dụng nước trong bình, thậm chí ở cơ quan công sở cũng sử dụng loại nước này cả nên nếu hỏi về chất lượng thì đúng là biết mô mà lần!.”, chị Tâm nói.

Cũng như chị Tâm, chị Nguyễn Thị Thuỷ, trú tại khối 10, phường Trường Thi, TP Vinh cho hay: “Tôi cũng rất băn khoăn về chất lượng của nước uống trong chai và bình nhưng thấy mọi người đều sử dụng cả nên mình cũng sử dụng vì thấy nó tiện lợi mà giá lại rẻ”.

Nước tinh khiết, chất lượng… khỏi biết!

Để tìm hiểu chất lượng của nước uống đóng chai và bình, chúng tôi đã mục sở thị một số cơ sở sản xuất.  Điểm đến đầu tiên là cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết có tên là Vistar nằm trên đường Hàm Nghi, phường Hưng Dũng, TP Vinh. Nằm trong hẻm nhỏ của con đường, cơ sở sản xuất chỉ rộng chưa đầy 100m2, nhưng lại là nơi ăn uống, sinh sống, ngủ nghỉ của hàng chục  người. Lúc chúng tôi đến nơi, nhiều lao động đang cởi trần mặc quần đùi ngồi lau chùi các vỏ chai để tái chế. Những vỏ chai vứt bừa bãi đủ các chủng loại. Phía trong không gian chỉ khoảng 10m2 với 3 chiếc bình lọc lớn, chủ cơ sở cho biết, đó là nơi sản xuất sản phẩm gọi là…nước uống tinh khiết hàng ngày cung ứng cho thị trường.

Đến một cơ sở sản xuất “nước tinh khiết” khác có tên là Trường Sơn tại đường Bùi Dương Lịch, phường quán Bàu, TP Vinh để kiểm chứng sự khác biệt, chúng tôi còn hoảng hồn hơn. Cơ sở sản xuất này rộng chỉ khoảng 70 m2. Nhân viên cũng “quần đùi, áo da” (cởi trần) làm việc, không có bất cứ một thứ bảo hộ lao động nào như bao tay, khẩu trang. Người thì rửa bình, người thì dán nhãn, người chiết rót nước. Việc sản xuất cũng rất thủ công, nghĩa là nước được bơm vào bể, sau đó bơm chuyền lên để lọc qua 3 cột là than hoạt tính, ion, thạch anh, sau đó lọc qua màng RO và cuối cùng được tiệt trùng bằng tia cực tím trước khi đóng chai. Chưa nói đến chất lượng nguồn nước cũng như dây chuyền sản xuất, chỉ nhìn cách mà các cơ sở nói trên làm “nước tinh khiết” cũng đủ để rùng mình.

Trong quá trình tìm hiểu thêm nhiều cơ sở sản xuất khác trên địa bàn, chúng tôi cũng bắt gặp được những điều tương tự. Điều bất ngờ là khi được hỏi về giấy cũng như các số liệu liên quan đến chất lượng, họ đều xuất trình đầy đủ và tỏ ra rất tự tin. Điều đó trái ngược hoàn toàn với những gì chúng tôi quan sát được ở các cơ sở với đầy rẫy sự mất an toàn, vệ sinh.

“Cháy nhà mới ra mặt chuột”

n Danh sách các cơ sở sản xuất bị Đoàn thanh tra xử phạt.

Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46), Thanh tra Sở Y tế, Chi cục Quản lí thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tiến hành kiểm tra đột xuất 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đóng chai trên địa bàn tỉnh này và phát hiện sự thật đầy kinh hãi. Cụ thể, đoàn thanh tra đã lấy 37 mẫu nước để thử nghiệm chất lượng tại Viện Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Qua xét nghiệm, có tới 21/37 mẫu nước không đạt chất lượng theo Quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hầu hết các mẫu này đều không đạt các chỉ tiêu vi sinh vật như E.Coli, Coliforms, vi khuẩn kỵ khí khử Sunphiite. Đặc biệt, qua kiểm tra còn phát hiện loại trực khuẩn màu xanh, có tên khoa học là vi khuẩn Psendomonas aeruginosa có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người, kháng thuốc đối với nhiều kháng sinh, có thể gây viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi...

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thanh tra, đoàn đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất sử dụng Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước thể hiện là do Phòng thử nghiệm Vilas 236 thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Nghệ An cung cấp làm thủ tục công bố hợp quy cũng như kiểm soát chất lượng nước định kì hàng năm song phiếu này có một số dấu hiệu bất thường.

Đoàn thanh tra cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 cơ sở với tổng số tiền là 35,5 triệu đồng, buộc thu hồi lại tất cả các lô hàng vi phạm. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là, không hiểu vì sao nhiều cơ sở sản xuất nước uống, nước đóng chai không đạt chất lượng như vậy nhưng trong quá trình tung ra bán ngoài thị trường tiêu thụ vẫn không bị phát hiện dù được kiểm tra, thanh tra những 2 lần trong 1 năm?

Theo quy định, quy trình sản xuất nước đóng bình phải trải qua các bước: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các sinh vật. Và qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Nếu làm đúng quy trình trên thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá từ 8.000 – 9.000 đồng/bình 20 lít được?.

Vỏ chai vỏ bình làm từ nhựa y tế tái sinh

Theo Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, do nhân lực mỏng, nên đợt kiểm tra này, đoàn thanh tra chưa xác định được chất lượng nguyên liệu làm vỏ chai, tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy hầu hết vỏ chai được làm từ nhựa y tế tái sinh. Để cho ra một sản phẩm nước sạch đóng chai, chủ sản phẩm phải bỏ ra chi phí làm vỏ, nhãn mác, đóng thuế, thuê nhân công… trong khi giá thành trung bình bán ra thị trường chỉ khoảng 8.000 đồng/bình; 3.000 đồng/chai. Không loại trừ trường hợp chủ xưởng sản xuất đã hạn chế sử dụng tia cực tím vì giá thành của loại thiết bị này rất đắt lại nhanh hỏng trong khi người tiêu dùng bằng cảm quan không thể nào nhận biết được nước sạch có thực sự “sạch” hay không?

Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL Nghệ An: Phiếu kiểm nghiệm chất lượng nước là… đồ rởm

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH Cuối tháng liên quan đến việc “bảo kê” cho nhiều cơ sở sản xuất sử dụng Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước “rởm” do Phòng thử nghiệm Vilas 236 thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Nghệ An cung cấp làm thủ tục công bố hợp quy, ông Phan Ngọc Quang, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khẳng định: Các phiếu kiểm nghiệm trên hoàn toàn không phải do phòng Vilas 236 cấp, vì phòng này đã chấm dứt hoạt động từ tháng 10/2012, trong khi các phiếu trên có thời gian cấp từ tháng 3/2013 đến tháng 6/2015.

Cũng theo ông Quang, mẫu phiếu cũng không đúng mẫu của phòng đã từng sử dụng; các mẫu nước thực tế không được thử nghiệm tại Vilas 236. Ông Quang cũng cho hay, trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, ông Trịnh Quang Thông, Trưởng phòng Tiêu chuẩn ĐLCL, người liên quan trong việc đã ký đóng dấu cấp phiếu kiểm nghiệm cho các cơ sở sản xuất nước tinh khiết đã giải trình mình không trực tiếp cung cấp phiếu kiểm nghiệm cho các cơ sở sản xuất nước, mà cung cấp thông qua một cán bộ của Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm. Các kết quả chỉ tiêu chất lượng ghi trên phiếu là kết quả khống và do ông Thông đã đóng dấu khống từ trước thời điểm tháng 10/2012.

Như vậy, có thể khẳng định các phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước do Vilas 236 cấp mà các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng để làm thủ tục công bố hợp quy là giả mạo. “Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe được thông tin từ kết luận của đoàn thanh tra. Hiện chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Thông. Hội đồng kỷ luật đã họp và đề xuất hình thức kỷ luật. Chúng tôi sẽ tiến hành xử lý trong thời gian sớm nhất”, ông Quang cho biết.

Hiện, thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra làm rõ sai phạm cũng như xem xét đình chỉ hoạt động, rút giấy phép đối với tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đang sử dụng kết quả thử nghiệm giả. Buộc các cơ sở sản xuất này thực hiện lại các quy trình đăng ký, kiểm nghiệm chất lượng từ đầu, đến khi nào có biện pháp khắc phục lỗi vi phạm mới được phép hoạt động trở lại.    

Hồ Hà

Các cơ sở sản xuất nước tinh khiết vi phạm chất lượng ở Nghệ An:

1. Công ty TNHH SX & TM An Hải (đường Ngô Quyền,TP.Vinh)

2. Công ty TNHH TM Phú Hưng (đường Hàm Nghi, TP Vinh)

3. Hộ kinh doanh Hằng Hiếu (xóm 7, xã Nghi Ân, TP.Vinh)

4. Doanh nghiệp tư nhân SX&DV Bảo An (số 12 Lý Tự Trọng, TP.Vinh)

5. Công ty TNHH Lợi Phát (phường Quán Bàu, TP.Vinh)

6. Công ty SXKD Mai Anh (xã Hưng Lộc, TP.Vinh)

7. Công ty TNHH SX nước tinh khiết TK (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên)

8. Công ty TNHH TM Thanh Thảo (xã Quỳnh Lập, TX.Hoàng Mai)

9. Công ty CP Thực phẩm và PTDV Vin Hoàng Mai (TX.Hoàng Mai)

10. Hộ kinh doanh Đào Văn Qúy (xã Văn Thành, huyện Yên Thành)

11. DNTN Thương mại Manh Kiều (xã Hưng Lộc, TP.Vinh)

12. Hộ kinh doanh Đào Xuân Hoàng (phường Trung Đô, TP Vinh)

13. Hộ kinh doanh Nam Trung (xã Nghi Ân, TP.Vinh)

14. HTX DV NN và sản xuất nước uống đóng chai Bình Hải Hà – Kim Sơn (thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong)

15. Công ty TNHH TM&DV Tiên An (xã Đồng Hợp, huyện Qùy Hợp)

16. Công ty TNHH TM-SX&DV Bình Huy (TX.Thái Hòa)

17. Hộ kinh doanh Phạm Quang Huy (phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa)

18. Cơ sở sản xuất nước uống An Lim (xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn)

19. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thể (xã Đô Thành, huyện Yên Thành)

20. Công ty CP SX&DV Tuấn Tú (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc)

21. Hộ kinh doanh Trần Văn Kiên (xã Long Sơn, huyện Anh Sơn).

Nhóm PV miền Trung/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây