Quản lý nhà máy nước kém hiệu quả, khách hàng chịu thiệt

Thứ tư - 02/05/2018 16:36
Thời gian gần đây, hàng nghìn hộ dân sử dụng nước sạch tại tỉnh Hà Tĩnh đang đối mặt không ít khó khăn. Nhiều nhà dân sống gần nhà máy nước, nhưng phải sử dụng nước nhiễm phèn, không ít hộ dân phải trả tiền sử dụng nước cao hơn rất nhiều so với giá quy định.

Nhà máy Nước sạch xã Gia Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư xây dựng 18 tỷ đồng, nhưng hiện không hoạt động.

Liên tiếp trong những tháng qua, gần 1.000 hộ sử dụng nước sạch ở xã Đức Thịnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) không khỏi ngỡ ngàng bởi giá nước cao gấp nhiều lần so với giá quy định. Cụ thể, người dân phải trả 8.000 đồng/m3, ngoài ra, các hộ dân sử dụng nước phải đóng thêm 10.000 đồng/hộ để chi trả tiền công cho tổ quản lý và bù lượng thất thoát nước. Theo chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Quang Thịnh, những năm trước đây, giá nước sạch bà con phải nộp vốn dĩ đã cao hơn so với giá Nhà nước quy định. Tuy nhiên, vì nhu cầu dùng nước sạch quá bức thiết, cho nên người dân vẫn phải chấp nhận đóng tiền nước theo yêu cầu. Thế nhưng, không hiểu vì sao, thời gian gần đây, giá nước lại tiếp tục tăng, thậm chí tăng cao gần gấp hai lần so với giá quy định của Nhà nước.

Lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết, năm 2007, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Nhà máy cấp nước Hồng Lĩnh đồng ý cấp nước cho các hộ dân có nhu cầu tại xã Đức Thịnh. Tuy nhiên do địa phương nằm ngoài vùng phục vụ của nhà máy cho nên đơn vị này chỉ đồng ý bán nước tại đồng hồ tổng với cùng một đơn giá theo mức giá thấp nhất, còn việc vận hành hệ thống cấp nước trên địa bàn giao cho địa phương quản lý. Chủ tịch UBND xã Đức Thịnh Đoàn Ngọc Hường cho biết, do không tìm được người có chuyên môn nghiệp vụ đứng ra để quản lý vận hành, cho nên mỗi thôn cử một người chịu trách nhiệm ghi chỉ số đồng hồ và thu tiền nước. Việc hạch toán được thực hiện theo chỉ số đồng hồ và giá được thống nhất từ trước đến nay. Nhưng, ba tháng gần đây, lượng nước thất thoát lên đến gần 17.000 m3, do không tìm được phương án bù lỗ, tổ quản lý nước của xã đã chia đều số lượng nước thất thoát cho mỗi đồng hồ, vì vậy các gia đình phải gánh thêm một khoản tiền ngoài số tiền nước phải trả theo quy định. Bởi vậy, giá nước tăng đột biến so với các tháng trước đây. "Địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhà máy nước trực tiếp vận hành, kinh doanh. Tuy nhiên, đơn vị cung ứng nước từ chối tiếp nhận, quản lý”, Chủ tịch UBND xã Đức Thịnh nói.

Thiếu mô hình quản lý, vận hành hiệu quả cũng chính là nguyên nhân khiến hàng trăm hộ dân ở xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) phải tự khoan giếng, dùng nước nhiễm phèn mặc dù trên địa bàn đã có nhà máy nước sạch được đầu tư hơn sáu tỷ đồng. Cuối năm 2011, nhà máy nước sạch đi vào hoạt động, cung cấp nước cho khoảng 400 hộ dân ở năm thôn. Theo tìm hiểu, mặc dù nhà máy đã được giao cho Hợp tác xã (HTX) Môi trường và nước sạch xã Vĩnh Lộc quản lý, khai thác. Trên thực tế, HTX này mới chỉ làm được phần việc kinh doanh, chứ không chú trọng duy tu, bảo dưỡng, cho nên đã ngừng hoạt động.

Nhà máy Nước sạch xã Gia Phố (huyện Hương Khê) có tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng, thi công nhiều giai đoạn, sau bốn năm mới được bàn giao cho địa phương để đi vào hoạt động. Thế nhưng, sau trận lụt hồi tháng 10-2016, nhà máy ngừng hoạt động. HTX Nước sạch và Môi trường Gia Phố không đủ tiền đầu tư, sửa chữa, ngân sách của xã không đủ “nuôi” nhà máy, hệ quả, gần một nghìn hộ dân xã nông thôn mới Gia Phố phải sử dụng nước nhiễm phèn. Giám đốc HTX Nước sạch và Môi trường Gia Phố Lê Đình Nam lý giải, nguồn hỗ trợ từ xã không có, muốn khởi động lại nhà máy phải mất hàng tỷ đồng sửa chữa. Trong khi đó, nguồn thu từ các hộ sử dụng nước không đủ kinh phí cho hoạt động của nhà máy cho nên HTX liên tục gặp khó khăn.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương tranh thủ tốt các nguồn lực để đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung, tuy nhiên các công trình này sau khi giao về cho các địa phương, cộng đồng quản lý đều hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Bên cạnh những lý do khách quan, có thể thấy, ở hầu hết các địa phương, đội ngũ công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến tổ chức quản lý vận hành không ổn định, công trình không phát huy được hiệu quả. Hoạt động của tổ quản lý không tự chủ mà phụ thuộc hoàn toàn vào UBND xã, nên công tác duy tu, bảo dưỡng, kiểm soát chất lượng nước còn hạn chế, không thường xuyên, thiếu bền vững. Ngoài ra, vai trò kiểm tra, chỉ đạo của chính quyền cấp huyện còn mờ nhạt. Đã đến lúc Hà Tĩnh cần tính toán, xây dựng mô hình quản lý, vận hành các công trình nước sạch tập trung một cách phù hợp, đừng để người dân gánh chịu tình trạng “thiệt đơn, thiệt kép” như vừa qua.

“Cùng với công tác vận hành nhà máy, nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng phải được đặt lên hàng đầu. Thông thường, tỷ lệ thất thoát nước ở các nhà máy nước xấp xỉ 20% tổng khối lượng nước tiêu thụ. Do đó, việc cân đối, kiểm tra chất lượng nước và tỷ lệ thất thoát phải được tiến hành thường xuyên. Để nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước tập trung, cần mạnh dạn chuyển giao các công trình này cho doanh nghiệp đủ năng lực, trình độ quản lý”.

NGUYỄN HỒNG QUANG Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh

Theo Bài và ảnh: NGÔ TUẤN Nhân dân
 

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây