Đánh đổi sinh mạng trên đại dương mênh mông

Thứ tư - 02/05/2018 16:38
Vài năm trở lại đây, ngư dân Quảng Ngãi đã rời biển Đông và tiến ra Thái Bình Dương để tìm ngư trường mới. Những con tàu đầu tiên mở đường đã mất hút cùng đội ngư dân giữa đại dương mênh mông, không một tin tức, không một mảnh ván.
Vậy nhưng nhiều con tàu vẫn tiếp tục tiến ra Thái Bình Dương và nuôi giấc mộng đổi đời nhờ lặn hải sâm. Các lượng lực chức năng đã xử lý nhiều tàu cá vi phạm, nhưng các ngư dân vẫn tìm cách thay đổi phương thức để ra đi, dù là vào chỗ chết.  

Vào chỗ chết

Cuối tháng 9/2017, các lực lượng chức năng trong đất liền đón lõng một chiếc tàu có hoạt động rất nghi vấn, đó là tàu cá QNg 95436 TS ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đang trên đường vào đất liền. Một số nguồn tin cho biết, tàu này chở theo một lô hải sâm trị giá lên đến 7 tỷ đồng. Trong lịch sử các tàu đánh bắt hải sản ở Việt Nam, chắc chắn không có con tàu nào đạt đến mức thu nhập lớn như vậy.

Tàu cá của ngư dân bị bắt tại Papua New Guinea (tư liệu)

Nghi vấn càng được nhấn mạnh, vì trên tàu có ngư dân Nguyễn Đại, một trong những người từng nhiều lần bị bắt giữ ở các nước. Ông Đại đi trên tàu này với địa vị chỉ là thuyền viên đi bạn, nhưng đây chỉ là cách hoán đổi vị trí để các cơ quan chức năng không quá chú ý vào người từng đã từng ngồi tù ở rất nhiều nước.

Khi con tàu này vào cảng Sa Kỳ, trạm kiểm soát biên phòng bật mở nắp tàu nhưng chỉ thấy một chiếc tàu trống rỗng. Lực lượng Bộ đội biên phòng không thu được gì ngoài lời khai của các ngư dân là đánh bắt hải sản và đã bán ở các tỉnh phía nam (!?).

Trong những năm qua, các ngư dân đi bạn dưới sự điều khiển của ông Đại đã liên tục chở xác chết vào bờ. Gần nhất là ngày 15-4 vừa qua, ngư dân Trần Xuân Hạnh, quê ở tỉnh Hà Tĩnh đã chết một cách bí ẩn khi trở về trên con tàu của ông Đại. Các ngư dân trên tàu khai nhận là ngư dân này chết vì bị sốc nước khi lặn ở quần đảo Trường Sa. Nhưng nhiều nguồn tin cho thấy, ngư dân này đã bị chết trên Thái Bình Dương, cách vùng biển Quảng Ngãi khoảng 4.000 hải lý.

Ngư dân ra Thái Bình Dương liên tục bị chết do nhiều nguyên nhân. Anh Dũng, một ngư dân địa phương cho biết mình từng lao vào cuộc mạo hiểm chết người để đi lặn hải sâm kiếm tiền. Lần đó, con tàu chở anh và đội ngư dân đi qua các kênh giữa các nước. Khi vượt qua kênh cuối cùng là 125, con tàu ra khỏi Biển Đông, trước mũi con tàu là Thái Bình Dương.

Từ đây, tàu cá sẽ đi qua mũi Manado, lách qua kẽ hở của đảo North Maluku. Nếu tàu ngoặt sang hướng mạn phải và đi khoảng 20 ngày thì sẽ ra Ấn Độ Dương và nếu đủ nhiên liệu đi tiếp 50 ngày nữa thì sẽ vòng qua mũi Châu Phi và đi sang biển Ban Tích. Chỉ cần tàu chết máy là toàn bộ bỏ xác vì đường xa xôi và không ai có thể đến cứu.

Sau khi đi ra khỏi Biển Đông, con tàu tiếp tục hành trình không nghỉ suốt 14 ngày đêm. Quãng đường vắng lặng không có bóng một con tàu. Tất cả tín hiệu trên máy Icom và thông tin dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đều im bặt, vì ngoài vùng phủ sóng.

Ngư dân đã quen với tọa độ kinh đông trên hải đồ là chữ N, nhưng ra khỏi biển Đông thì định vị lật qua độ S. Suốt chặng đường hành trình, vì quá căng thẳng nên thuyền trưởng liên tục thắp hương vái lạy. Giữa đại dương mênh mông, một ngày trôi qua rất dài. Mùi khói hương khiến các ngư dân nổi da gà khi nghĩ đến cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Thái Bình Dương rộng mênh mông và có nhiều khu vực là vùng tự do đi lại, tự do đánh bắt. Nhưng những vùng này thường có độ sâu hàng ngàn mét. Vì vậy các ngư dân phải cho tàu phải tiến vào các đảo có độ sâu chỉ còn vài chục mét để thả đội thợ lặn xuống bắt hải sâm. Tàu đi cắt qua đảo Karangetang, chạy mất mấy ngày đêm đến khu vực đảo Pulau Dagasuli của quốc đảo Papua New Guinea. Khi tới gần đảo thì các ngư dân phát hiện ra tàu tuần tra đang xả khói đen kịt đuổi bắt.  

Quốc đảo thổ dân

Trước tiên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Papua New Guinea ở đâu? Vì đây là một quốc gia có cái tên khá xa lạ. Nếu ví các các nước như Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines giống như bức tường bao bọc phía đông và tây Biển Đông thì Papua New Guinea nằm phía bên kia bức tường, thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương, diện tích lớn hơn Việt Nam (473.000 km2) nhưng dân số chỉ có 6,2 triệu người, sử dụng 800 thổ ngữ, giành độc lập tháng 9/1975, trước năm 1933 vẫn sử dụng vỏ sò để làm tiền tệ. Sơ lược thông tin về Papua New Guinea để bạn đọc hiểu rằng, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại quốc đảo này là một tai họa thật sự. Việc liên hệ với chính quyền nước sở tại để giải cứu ngư dân là điều không hề dễ dàng.

Ngư dân Phạm Tấn Phương đang được đưa vào máy giảm áp ở Les Nouvelles vì bị tê bại do thay đổi độ sâu đột ngột (tư liệu)

Trong những giờ phút bỏ chạy, tất cả các ngư dân chỉ biết nhìn thuyền trưởng với chiếc điện thoại vệ tinh để kết nối với đất liền. Có ngư dân cầu mong tàu đừng bị hỏng máy, vì nếu có sự cố xảy ra thì hết đường trở về. Cuộc hành trình của các ngư dân rõ ràng là đi vào chỗ chết. Tuy nhiên, giấc mộng hải sâm kiếm trăm triệu trở thành lòng tham, đôi lúc đè nén sự phập phồng, khiến các ngư dân tiếp tục cho tàu tiến về các quốc đảo để lặn bắt trộm hải sản. Nhưng có điều may mắn là các ngư dân lặn dưới nước rút lên tàu chưa bị sốc nước.

Có rất nhiều tàu, khi ngư dân đang lặn sâu 70 mét thì tàu tuần tra xuất hiện. Theo quy định về an toàn lao động, các ngư dân ngoi từ độ sâu này lên tàu cũng phải mất gần 15 phút. Đó là cứ lên khoảng 15-20 mét thì dừng lại để cơ thể quen dần với áp suất nước giảm dần. Nhưng vì hiệu lệnh giật dây gấp gáp trên tàu nên có ngư dân đã liều mình phóng từ độ sâu 70 mét lên tàu. Cơ thể của thợ lặn đang bị đè nặng bởi áp suất nước, khi trèo lên tàu thì người lập tức co giật, trợn mắt, tiểu không ra, cơ thể đau nhức như bị bẻ từng đốt xương. Trong lúc con tàu kéo ga bỏ chạy thì các ngư dân được tiêm thuốc giảm đau và đó là lúc sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc.

Ngày 31/3/2017, tờ báo Les Nouvelles ở đảo Nouméa đã đưa lên trang nhất và đăng tin một ngư dân Việt Nam tên Phạm Tấn Phương đi trên tàu cá của Quảng Ngãi đã bị tê bại do bị sốc độ sâu. Theo bài báo miêu tả, khi các ngư dân đang đánh bắt trộm hải sâm ở độ sâu 70 mét thì phát hiện tàu tuần tra nên rút các ngư dân lên để bỏ chạy. Theo kinh nghiệm, nếu thợ lặn đang ở dưới mực nước sâu ngoi lên thì phải lên chậm để giảm áp lực chậm. Do ngư dân này phóng lên quá nhanh để bỏ chạy nên bị tê bại và có khả năng dị tật vĩnh viễn.

Cách đây vài tháng, tàu cá của ông Vinh ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi “no căng” nhiên liệu và đưa đội thợ lặn đi trót lọt qua kênh ra khỏi Biển Đông. Khi vừa ra Thái Bình Dương thì tàu chết máy. Thuyền trưởng khóc hết nước mắt vì con tàu này mới đóng vài tỷ đồng và mở phiên biển đầu tiên. Tàu cá của ông Nguyễn Đại trên đường về đã giao kèo sẽ kéo tàu bị nạn qua kênh, với điều kiện chủ nậu ở đất liền phải chung trước 5 tỷ đồng. Cuộc giao kèo bất thành, các ngư dân và thuyền trưởng gạt nước mắt bước qua tàu của ông Đại. Con tàu gỗ chứa đầy lương thực và 60 ngàn lít dầu trở thành tàu ma trôi tự do giữa đại dương.

Trong thời gian qua, lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã phát hiện và ngăn chặn 42 tàu cá ra nước ngoài đánh bắt, xử phạt hành chính 8 trường hợp, 530 triệu đồng. Tàu cá vi phạm bị tước giấy phép từ 3 đến 6 tháng. Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 84 vụ, 156 tàu với 1.323 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Theo Hà Anh nông nghiệp

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây