Cầu cảng NĐVA 1 có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải tối đa 30.000 tấn, nhưng không thể tiếp nhận tàu từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau do mưa bão. Do đó, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) không thể cung cấp đủ khối lượng than bằng đường biển và không cung cấp bằng đường bộ.
Trong khi đó, nhu cầu than cho hai tổ máy là 10.000 tấn/ngày, kho chứa than của nhà máy chỉ có giới hạn nhất định.
Vì vậy, việc bổ sung nguồn than còn thiếu để đảm bảo việc vận hành nhà máy liên tục là đòi hỏi tất yếu.
Cách NĐVA1 2,5km, Cty Hoành Sơn có kho hàng với diện tích 30.000m2, có xe đảm bảo vận chuyển liên tục. Cty cũng đầu tư một tuyến đường chuyên dụng, lắp trạm cân tại cổng kho than của nhà máy.
Về chất lượng than, Cty thực hiện Hợp đồng (HĐ) kinh tế ký ngày 16.4.2015, đã cung cấp 790.921,763 tấn; theo quy chuẩn của Việt Nam việc tính khối lượng được quy về độ ẩm 8%.
“Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn đã cung cấp than theo đúng chất lượng của HĐ ký kết giữa hai bên” – ông Sơn nói.
Về giá cả, lãnh đạo Cty Hoành Sơn cho hay, trên cơ sở đối sánh với giá mua của TKV mà Nhà máy NĐVA 1 đang thực hiện thì 1 tấn than của Cty Hoành Sơn là 103.410 đồng/tấn. Nếu tạm tính với khối lượng đã cung cấp thì tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 81 tỷ đồng.
Toàn bộ khối lượng than Cty Hoành Sơn đều có nguồn gốc, HĐ, hóa đơn đầy đủ. Trong đó, hơn 740.000 tấn than nhập khẩu và có 50.000 tấn than nội địa mua của Cty Hoàng Thảo Lâm (30.000 tấn) và Cty Triệu Phong (20.000 tấn).
“Khi đoàn Thanh tra yêu cầu hồ sơ, Cty Hoành Sơn đã cung cấp HĐ, hóa đơn đầy đủ, nhưng theo yêu cầu của đoàn Thanh tra thì hai Cty trên phải cung cấp được hồ sơ nguồn gốc số than trên cho đoàn Thanh tra. Tuy nhiên, hai Cty trên đề nghị nếu đoàn Thanh tra yêu cầu cung cấp hồ sơ nguồn gốc than thì làm việc trực tiếp với Cty để họ cung cấp” – TGĐ Phạm Hoành Sơn nói.
Một cán bộ Hải quan Hà Tĩnh cho biết, đối với hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển như than của Cty Hoành Sơn, đã hoàn thiện các thủ tục thì được Hải quan, Thuế, Cảng vụ đóng tại địa phương cho phép lưu hành.