Hình ảnh cúi chào của lãnh đạo và nhân viên ở trạm xăng người Nhật ở Hà Nội, theo nhiều người "gây sốc", nhưng không cần thiết, rằng chỉ cần bán đủ, bán đúng đã là mừng.
Người mua xăng khi lỡ gặp, và không hiếm trường hợp, mua phải xăng dỏm, kém chất lượng, vừa mất tiền vừa hỏng xe, trong trường hợp đó điều cần thiết nhất là tìm được nơi bán xăng tốt, có chất lượng.
Nhưng ở Việt Nam, với nhiều người, hễ đi mua xăng là mua cái sự thiếu do đong gian bán lận. Một lít xăng có khi chỉ được 0,7-0,8 lít hay "gần một lít".
Nhiều người mua xăng ở Việt Nam cứ phải đa nghi, một mắt chăm chú nhìn đồng hồ bơm xăng, một mắt không rời khỏi tay của nhân viên bán xăng để tránh bị "bấm cò" mà vẫn không tránh khỏi thất thoát.
Trong trường hợp này, người tiêu dùng lại muốn mua được tại các trạm xăng bán đúng khối lượng, mà theo tiêu chuẩn Việt Nam là +- 0,03% (thường thì - chứ không thấy +). Thế cũng đã là mừng. Vậy mà trạm xăng chuẩn Nhật bán chính xác đến 0,01 lít.
Khi chất lượng đi cùng với khối lượng, mong ước tiếp theo sẽ là giá. Dường như không tìm thấy sự khác biệt giữa giá cả từ trạm xăng này qua trạm xăng khác dù nhiều doanh nghiệp kinh doanh, nhiều thương nhân đảm trách. Giá do nhà nước quy định, nhưng ở trạm xăng chuẩn Nhật, giá lại rẻ được 200 đồng/lít.
Chỉ cần sự khác biệt một trong ba yếu tố gồm chất lượng, khối lượng và giá cả đó cũng đã là một điểm cộng thu hút khách hàng đến đổ xăng. Vậy mà, người Nhật, cùng một lúc, mang đến cả ba thứ đó. Chưa hết, nhân viên còn lau kính chùi xe, lãnh đạo còn cúi đầu chào khách.
Nên hiểu điều này như thế nào? Giả sử, khi tất cả các cây xăng ở Việt Nam cùng "chuẩn Nhật" bán đúng, bán đủ, cạnh tranh nhau sòng phẳng thì điểm khác biệt khi đó doanh nghiệp cần làm chính là dịch vụ, thái độ phục vụ, ấy là chào khách và lau chùi xe.
Đằng này, với tất cả sự vượt trội, nhiều người cho rằng việc cúi chào là không cần thiết. Cuộc tranh luận diễn ra với nhiều luồng ý kiến: Liệu ta có quá cuồng người Nhật với nét văn hóa kinh doanh cúi đầu chào khách, hay đơn thuần đó là một hành động "diễn hơi quá", mang tính quảng bá?
Một trong những doanh nhân từng trải là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn, nhận định rằng cúi đầu là văn hoá và thói quen của người Nhật nên việc một ông giám đốc đứng cúi đầu đón khách mua xăng vào những ngày mới khai trương "âu cũng là bình thường".
Hành động này, theo ông Hưng, giống như giám đốc Việt Nam đứng chào khách hàng ngày khai trương, hay bà bán bún mua gói kẹo chia cho các cháu đi theo bố mẹ đến ăn ngày đầu năm mở hàng vậy.
"Suy cho cùng với khách hàng, người ta chỉ cần một cửa hàng có thể thuận tiện mua được xăng đúng khối lượng và chất lượng, thậm chí cửa hàng đổ xăng tự động càng tốt chứ đâu cần một người đứng cúi đầu", ông Hưng nhận định.
Theo ông Hưng, nét văn hoá của mỗi dân tộc luôn là điều khác biệt để phân biệt họ với những dân tộc khác, chúng ta tôn trọng họ nhưng đừng vì thế quay sang chê bai thậm chí coi thường những gì của chúng ta không giống họ. "Mọi người cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau".
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Biti's Vưu Lệ Quyên nhận định rằng tạo sự khác biệt trong văn hóa phục vụ khách hàng cho riêng mình thì hay hơn nhiều.
"Mình thì mình nghĩ làm gì cũng cần nhiệt tâm, nhiệt thành, toàn tâm toàn ý... Cầm dù trong mưa để chào khách, hay ngồi xuống mang giày tận chân cho khách thì cũng đúng thôi mà nếu mình đủ yêu thương, biết ơn và trân trọng thật sự những người khách của mình", viết trên Facebook.
Đi mua xăng bạn có muốn người bán cúi đầu chào, và đi mua giày bạn có muốn nhân viên mang giày cho hay không?
Hoàng Phi
Theo Tuổi trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn