Kiếm bạc tỷ nhờ vườn dâu tây “lơ lửng” sai trĩu quả

Thứ tư - 02/05/2018 05:53
“Bén duyên” với nghề trồng dâu mới được hơn 4 năm, nhưng anh Nguyễn Thanh Trúc, trú tại Trại Mát, phường 11, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có tới 3 khu nhà kính trồng dâu với tổng diện tích lên đến 9000m2. Trung bình, mỗi năm anh thu về tiền lãi xấp xỉ 2 tỷ đồng. Đó là con số đáng ngưỡng mộ, ngay cả với những người trồng dâu lâu năm.

Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Trúc cho rằng, nếu không có sự nhanh nhạy và dám liều mình đầu tư thì có lẽ cho đến giờ, anh vẫn chỉ quanh quẩn với ít lợi nhuận bấp bênh thu được từ vườn hoa cúc. Đến đầu năm 2013, vợ chồng anh quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để tìm hướng phát triển kinh tế mới. Khác với nhiều mô hình ở Đà Lạt vào thời điểm đó, anh Trúc trồng dâu theo phương pháp thủy canh.

Thay vì trồng dâu dưới đất hoặc trên giàn, anh đặt cây lơ lửng trên không theo từng hàng thẳng tắp, cách mặt đất khoảng 1m. Anh tiết lộ: “Việc dùng dây cáp treo các luống dâu lên cao giúp mặt đất bên dưới thông thoáng, tạo điều kiện chăm sóc cây dễ dàng, đặc biệt không lo luống dâu bị nghiêng, đổ giống như trồng trên giá đỡ bằng gỗ”.

“Để treo dâu tây trên không, tôi phải làm nhà kính bằng khung sắt chắc chắn. Các hàng dâu được cố định bằng khung sắt bọc nilon. Tôi cũng không lấy đất trồng cây mà dùng xơ dừa xay nhỏ, ủ mục cùng phân hữu cơ”, anh Trúc nói.

Thay vì giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như hầu hết mọi người chọn, vợ chồng anh “mạo hiểm” với giống dâu New Zealand và dùng toàn bộ chất dinh dưỡng được nhập về từ Đức, Hà Lan, Isarel,…

Đầu tư tất cả tiền bạc, sức lực, thời gian cùng với niềm hy vọng, nhưng sau 5 tháng, dâu bắt đầu phát bệnh. Anh Trúc lo lắng đến mất ăn mất ngủ, sợ sẽ rơi vào cảnh trắng tay. Áp lực cứ thế đè nặng ngày này qua tháng khác khiến tóc anh dần bạc trắng.

Không cam chịu thất bại, anh dồn chút niềm tin cuối cùng vào quyển sách hướng dẫn trồng dâu do người bạn của em trai từ Mỹ gửi về. Vừa tra từ điển để dịch, vừa nghiên cứu kỹ thuật của nước ngoài để áp dụng vào vườn dâu của mình, sau 6 tháng ròng rã, anh cũng tìm được cách “thu phục” cây dâu New Zealand và cho ra năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường.

Thừa thắng xông lên, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng trọt thành 3 khu nhà kính với tổng diện tích lên đến 9000m2. Toàn bộ nhà kính đều được áp dụng phương pháp treo “lơ lửng” cũng như công nghệ tưới tự động, giúp giảm chi phí thuê nhân công chăm sóc và tăng năng suất cho cây. “Tùy theo mùa, mỗi ngày tôi thu hoạch trung bình 40 - 150kg dâu. Với nguồn đầu ra khá ổn định, tôi bán giá sỉ là 200.000 đồng/kg, sau khi trừ đi mọi chi phí, tôi thu về tiền lãi xấp xỉ 2 tỷ đồng/ năm.”.

Anh Trúc chia sẻ: “Thực ra trồng dâu tây vất vả lắm. Giống cần phải mua ở nơi uy tín để đảm bảo chất lượng. Trong quá trình trồng, hàng tuần phải hái lá hư hỏng, lá bị cháy nhiều để cây ra lá mới. Ngoài ra, phải thường xuyên có mặt ở vườn, thậm chí cả đêm để quan sát, theo dõi mới kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh khác”.

Mặc dù vườn dâu đang đạt lợi nhuận cao, nhưng anh Trúc cũng tiết lộ rằng chỉ mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2017, anh sẽ bổ sung 40% yêu cầu kỹ thuật còn lại trên 9000 m² vườn dâu tây Đà Lạt của mình. “Cây dâu cũng như con người, phải hiểu hết nó mới chăm sóc được. Nhất là về khâu dinh dưỡng, ăn uống không điều độ hoặc ăn không đúng, không vệ sinh thì sẽ đổ bệnh thôi”.

Bên cạnh đó, gia đình anh Trúc còn mở cửa vườn dâu treo để khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn với giá bán lẻ là 250.000 đồng/kg. Có rất nhiều người tò mò, muốn đến chiêm ngưỡng tận mắt vườn dâu “lơ lửng” độc đáo này.

Theo Hoàng Ngọc Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây