Kỳ 1 - Nhiều trạm thu phí BOT khu vực Bắc Trung Bộ đặt "nhầm chỗ"?

Thứ ba - 06/06/2017 22:07
Những ngày qua, người dân vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh) liên tiếp điều động hàng trăm xe ô tô, dùng tiền lẻ mệnh giá 500 – 1.000 đồng để trả phí qua trạm BOT cầu Bến Thủy. Điều này dẫn đến giao thông bị tắc nghẽn, đình trệ nghiêm trọng, như là cách phản đối hữu hiệu nhất đến nhiều cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương.

Hiện tại, người dân 4 huyện thành: Vinh, Hưng Nguyên (Nghệ An), Nghi Xuân, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được miễn 100% giá vé khi qua trạm BOT Bến Thủy 1.

Làn sóng phản đối các trạm thu phí BOT.

Ngay sau đó, như một làn sóng phản đối các trạm thu phí “bất hợp lý”, người dân huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đồng loạt đổi tiền lẻ, tập trung hàng trăm xe ô tô để tiếp tục phản đối trạm thu phí BOT Cầu Rác (thuộc địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vì cho rằng trạm này cũng đặt sai mục đích.

Mới đây nhất, kể từ ngày 16/4, người dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh cũng tụ tập hàng trăm xe phản đối trạm thu phí Cầu Rác.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ có trạm thu phí Bến Thủy 1 và Cầu Rác là sai vị trí, khu vực Bắc trung bộ còn rất nhiều trạm phí với hình thức BOT nhưng cũng bất hợp lý như thế.

Rốt cuộc các trạm thu phí này có những điểm bất cập như thế nào? Pháp luật Plus giới thiệu đến độc giả loạt bài để người dân khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng hiểu sâu hơn về các trạm thu phí BOT đóng trên Quốc lộ 1.

Không thể phủ nhận những dự án BOT giao thông đường bộ đã làm cho bộ mặt cơ sở hạ tầng giao thông các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ khởi sắc, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH các tỉnh trong khu vực.

Người dân dùng khẩu hiệu dán trước nắp capo xe để phản đối trạm thu phí "đặt nhầm chỗ".

Tuy nhiên, việc các trạm thu phí được dựng lên để thu phí, hoàn vốn cho các dự án BOT dày đặc như “thiên la địa võng” như hiện nay, đã khiến cho không chỉ người dân bất bình, mà cơ quan có thẩm quyền cũng phải lên tiếng. Nhất là khi có nhiều trạm thu phí cho dự án BOT đặt nhầm chỗ.

Đây là thực tế nhức nhối bấy lâu nay, mà chỉ đến khi người dân Nghệ An- Hà Tĩnh ở 2 đầu cầu Bến Thủy 1 và 2 phản ánh, tuần hành và mua vé bằng tiền lẻ gây ách tắc cục bộ nhiều lần liền, lúc đó Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương mới vào cuộc, chỉ đạo kiểm tra và đưa ra giải pháp có lợi cho dân.

Giải pháp tích cực được đưa ra: Giảm 100% vé qua cầu Bến Thủy cho người dân có hộ khẩu ở TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Không sử dụng dịch vụ BOT cũng phải trả tiền

Pháp luật Plus đã từng phản ánh về thực trạng người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT, nhưng mỗi lần qua cầu Bến Thủy 1 và 2 đều phải đóng phí với giá “cắt cổ”.

Tại thời điểm cuối năm 2016, khi mà phí qua cầu Bến Thủy được tăng lên 45.000đ (sau giảm xuống 40.000đ) đối với xe ô tô 4 chỗ, đã gặp sự phản đối quyết liệt của người dân.

Rất nhiều cuộc "tuần hành" của người dân Nghệ An - Hà Tĩnh sống 2 bên cầu Bến Thủy đã diễn ra, đỉnh điểm là ánh tắc cục bộ nhiều giờ. Nhiều ngày liền khi người dân không chỉ đưa xe đi tuần hành, mà còn sử dụng hình thức mua vé qua trạm với tiền lẻ mệnh giá thấp, khiến nhiều lần các trạm thu phí Bến Thủy 1, 2 phải mở barie để phương tiện tự do lưu thông qua cầu mà không phải mua vé.

Trạm thu phí BOT Bến Thủy 1, nơi khởi đầu cho việc người dân tập trung phản đối.

Người dân "tuần hành" phản đối là có lý do, vì người dân ở 2 đầu cầu Bến Thủy (Nghi Xuân, Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh; Hưng Nguyên, TP Vinh - Nghệ An) hoàn toàn không sử dụng bất kỳ đoạn đường nào theo hình thức BOT, 5 dự án BOT: đường tránh TP Vinh, Cầu vượt QL48, Cầu Yên Xuân, Cầu vượt Bến Thủy 2 và Đường nối Cầu Bến Thủy 2 đến đường tránh TP Hà Tĩnh mà Cenco4 làm chủ đầu tư, người dân ở các địa phương nêu trên đều không hề sử dụng.

Do đó, việc đặt trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 ngay đầu cầu TP Vinh để thu phí của người dân Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Hưng Nguyên, TP Vinh là bất hợp lý.

Trạm thu phí Bến Thủy 1 chưa phải là trạm thu phí tuyến BOT duy nhất đặt nhầm chỗ, khiến người dân Hà Tĩnh phải chịu thiệt thòi, mà ngay cả trạm thu phí Cầu Rác (đóng tại xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) cũng là trạm thu phí tuyến BOT đặt nhầm chỗ.

Bởi trạm thu phí Cầu Rác chức năng chính là thu phí đường bộ tuyến tránh TP Hà Tĩnh. Mà tuyến đường tránh này nằm cách trạm thu phí BOT này… hàng chục km.

Theo hồ sơ, năm 2005, Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, Tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà được chọn làm chủ đầu tư. Công trình được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng chiều dài hơn 16km.

Từ xe con đến xe tải, đồng loạt tập trung trước trạm thu phí BOT Cầu Rác để phản đối việc người dân phải đóng phí bất hợp lý.

Đến tháng 5/2009, công trình hoàn thành, công ty Sông Đà đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác để thu phí, hoàn vốn đầu. Từ đó đến nay, công ty Sông Đà đã sử dụng trạm Cầu Rác nằm trên QL1A để thu phí hoàn vốn cho tuyến BOT nằm cách xa hàng chục km, đã khiến người dân và doanh nghiệp tại Hà Tĩnh hết sức bức xúc vì đặt nhầm chỗ.

Và đỉnh điểm là cuộc tuần hành bằng xe con, xe tải của người dân 2 đầu trạm thu phí ngày 16/4 mới đây.

Tình trạng “trạm thu phí đặt nhầm chỗ”, “dân không đi tuyến BOT vẫn è cổ đóng phí” còn diễn ra ở Quảng Bình (trạm thu phí Quán Hàu), Quảng Trị (trạm thu phí Triệu Phong), Thừa Thiên Huế (Trạm thu phí Lăng Cô).

Ở Trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình) đặt trên QL 1A đoạn qua xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh được dùng để thu phí hoàn vốn cho tuyến BOT tránh TP Đồng Hới. Sau đó, trạm này còn tăng giá để thu thêm phí đường bộ cho tuyến đường tránh lũ trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, song song với tuyến đường BOT tránh thành phố Đồng Hới.

Chính việc thu phí chồng chéo này đã khiến người dân và nhiều doanh nghiệp bức xúc, vì thực chất người dân nơi đây khi đi qua trạm thu phí này, hoàn toàn không sử dụng dịch vụ BOT mà trạm thu phí này thu để hoàn vốn.

Đỉnh điểm là đầu năm 2017, người dân ở 2 bên trạm thu phí Quán Hàu đã nhiều lần đưa xe ô tô ra chặn đường tại trạm để phản đối việc tăng giá và yêu cầu di dời trạm thu phí đến nơi hợp lý.

Ở trạm thu phí Triệu Phong (Quảng Trị) cũng thế, trạm này nằm giữa 3 trung tâm huyện lỵ Triệu Phong, Thị xã Quảng Trị, Hải Lăng và TP Đông Hà, dùng để hoàn vốn đầu tư cho 2 đoạn quốc lộ 1 (đoạn 1 từ Dốc Miếu, huyện Gio Linh đến TP Đông Hà và đoạn 2 từ Đông Hà đến Thị xã Quảng Trị).

Trên thực tế, hàng ngày rất nhiều phương tiện xe ô tô của người dân thuộc 3 huyện lỵ và TP Đông Hà lưu thông qua trạm BOT, nhưng hoàn toàn không sử dụng dịch vụ BOT mà nhà đầu tư đặt trạm ở đây để thu phí, hoặc nếu có sử dụng cũng không đáng kể, trong lúc phí xe ô tô qua trạm rất cao.

Riêng trạm thu phí Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), dùng để thu phí hoàn vốn cho hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế), lại được đặt tại Thị trấn Lăng Cô - một nơi không liên quan gì đến 2 hầm đường bộ này. Cho nên, việc Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT đặt trạm thu phí ở Thị trấn Lăng Cô là rất bất hợp lý.

Như vậy, có thể nói nhiều trạm thu phí mang hình thức BOT ở khu vực Bắc miền trung đã và đang gây bức xúc cho người dân khi túi tiền của họ ngày một "bào mòn", mặc dù không sử dụng nhưng mỗi lần đi qua đều phải đóng phí "cắt cổ". 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Trần Hoàng Pháp luật Plus

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây