1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28/1/2016 là dấu ấn đầu tiên trong năm 2016.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, Đại hội đã tổng kết 30 năm đổi mới, đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, diễn ra trong tháng 1/2016 , đã đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ảnh: Đức Thanh |
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm 200 đồng chí, trong đó có 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
2. Bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ngày 22/5/2016, gần 70 triệu cử tri trên cả nước đi bầu cử HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội khóa XIV. Cử tri đã bầu ra gần 500 đại biểu Quốc hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức công khai, dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Thành công của cuộc bầu cử đã tạo tiền đề cho việc kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
3. Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển miền Trung
Vụ xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống của người dân. Vụ việc này diễn ra từ tháng 4/2016, được dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Với chủ trương “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt vào cuộc. Ngày 30/6, Chính phủ đã công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016 là do Formosa xả thải, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và buộc Formosa đền bù thiệt hại. Vụ việc dấy lên lời cảnh báo về thu hút đầu tư.
4. Kinh tế tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát dưới 5%
Năm 2016, kinh tế - xã hội đất nước đối mặt nhiều khó khăn, như hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt liên tiếp ở miền Trung, vụ Formosa xả thải, tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới, nhưng với nỗ lực điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, mặc dù ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn), nhưng kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá, với GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á (5,5%), khu vực Đông Nam Á (4,5%). Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD. Đáng chú ý, lạm phát năm 2016 tăng 4,74%, được kiểm soát đúng mục tiêu đề ra là dưới 5%.
5. Năm kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới, với hơn 110.000 doanh nghiệp
Với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp, tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kết quả phát triển doanh nghiệp nhờ đó khởi sắc và lập kỷ lục ấn tượng. Lần đầu tiên, Việt Nam có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm, với tổng vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về vốn. Trong khi đó, có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
6. Quyết liệt đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Năm 2016, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử; các dự án ngàn tỷ thua lỗ đang được mổ xẻ, làm rõ trách nhiệm; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm bị kỷ luật. Trong đó, nổi cộm là vụ việc nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và công tác cán bộ tại Bộ Công thương đang tiếp tục được chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.
Tháng 10/2016, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
7. Thiên tai khắc nghiệt gây hậu quả nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội
Ngay từ đầu năm 2016 đã ghi nhận tình trạng xâm nhập mặn khốc liệt chưa từng có trong vòng 100 năm qua ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Tiếp đó là tình hình khô hạn ở Tây Nguyên; các đợt rét đậm rét, rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc; mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung… Thiên tai khắc nghiệt đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, đời sống của người dân trong năm 2016. Các cấp, các ngành và cả cộng đồng đã chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, để sớm ổn định đời sống, chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
9. Việt Nam đón 10 triệu lượt du khách quốc tế
Ngày 25/12, tại Sân bay Quốc tế Phú Quốc, Việt Nam đã đón chào du khách quốc tế thứ 10 triệu đến từ nước Anh. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong một năm. Con số 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm (tăng 2 triệu lượt khách so với năm 2015). Đồng thời, ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu toàn ngành đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
10. Thể thao Việt Nam lập kỳ tích tại Olympics và Paralympics
Tại Olympics Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành chiến thắng ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam và sau đó giành Huy chương Bạc nội dung 50 m súng ngắn tự chọn nam, lập kỷ lục Thế vận hội bài bắn chung kết nội dung súng ngắn hơi 10 m nam với thành tích 202,5 điểm.
Ngay sau đó, tại Thế vận hội mùa hè dành cho người khuyết tật (Paralympics 2016), vận động viên Lê Văn Công đã giành Huy chương Vàng, đồng thời phá kỷ lục Paralympics và kỷ lục thế giới hạng cân 49 kg nam môn cử tạ.
Đó là những tấm Huy chương Vàng đầu tiên và cũng là thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympics và Paralympics đã tham dự.
Cũng trong năm 2016, Đội tuyển Fustal Việt Nam giành chiến thắng bất ngờ trước Nhật Bản ở tứ kết giải vô địch châu Á, lập kỳ tích lần đầu giành suất tham dự giải thế giới vào tháng 9/2016. Tại đây, đội tiếp tục xuất sắc vượt qua vòng bảng với chiến thắng chấn động 4 - 2 trước Guatemala, để vào vòng 1/8. Kết quả này cùng với việc Đội tuyển U19 Việt Nam thi đấu ấn tượng tại Vòng chung kết U19 châu Á để giành vé dự Vòng chung kết U20 thế giới là những thành tích chói sáng của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung trong năm 2016.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn