Theo Chi cục Thú y tỉnh, tình hình dịch bệnh tôm diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước; riêng các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ đến thời điểm hiện nay, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh 805,15 ha. Phần lớn tôm bị bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đặc biệt nhiều diện tích tôm chết chưa xác định được tác nhân gây bệnh.
Ở tỉnh ta, đến ngày 23/6, dịch bệnh đốm trắng trên tôm đã phát hiện tại 21 vùng nuôi của 9 xã thuộc 4 huyện với tổng diện tích hơn 65ha (chiếm 3,1% diện tích nuôi).
Trước điều kiện nắng nóng xen những đợt mưa lớn gây bất lợi cho quá trình nuôi tôm; phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng và môi trường nuôi chưa đảm bảo; một bộ phận người nuôi tôm còn tủy tiện trong thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi, thả giống tôm chưa qua kiểm dịch; đặc biệt, một số địa phương, ngành chuyên môn phát hiện, báo cáo dịch chậm và chưa tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời... nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng rất cao.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vụ nuôi tôm xuân hè và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho nuôi tôm vụ 2, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND các huyện ven biển và thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 21/3/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách.
Cụ thể, về phía UBND các huyện ven biển và thành phố Hà Tĩnh: tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thành lập các đoàn công tác, phân công cán bộ về các vùng nuôi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng dịch, nghiêm cấm xả nước ao nuôi và tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, chỉ đạo thu hoạch nhanh tại các ao bị dịch có tôm đã lớn trong vòng 1 - 3 ngày; tuyệt đối không tháo xả bớt nước để thu hoạch, không để nước và tôm nuôi bị bệnh rơi vãi ra môi trường xung quanh; tổ chức xử lý dập dịch kịp thời bằng hóa chất Chlorine, không để dịch lây lan ra diện rộng;
Nhiều ao nuôi tôm của một số hộ dân ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt. Ảnh: Thúy Quỳnh |
UBND các huyện ven biển và thành phố Hà Tĩnh cũng cần chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra nắm chắc tình hình, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; thu mẫu tôm xét nghiệm xác định bệnh đối với những ao có tôm chết nhưng triệu chứng chưa rõ ràng; kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi dấu dịch, khai báo dịch chậm, xả nước và tôm bệnh ta môi trường chưa qua xử lý, vận chuyển và sử dụng giống tôm chưa qua kiểm dịch, xem xét thuy hồi quyền thuê đất nuôi tôm và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp cố tình vi phạm...
Về phía Sở NN&PTNT, chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm dịch, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở SX-KD con giống, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và cơ sở nuôi tôm thâm canh tập trung; cung ứng kịp thời hóa chất Chlorine phục vụ công tác xử lý dịch bệnh...;
Chỉ đạo Chi cục nuôi trồng thủy sản tăng cường hướng dẫn thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chất lượng môi trường trong nuôi tôm theo quy định, đồng thời thông tin kịp thời và phối hợp với Chi cục Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh...
Theo Hương Anh (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn