Đổ hàng chục tỉ đồng ngân sách lên đất cát bạc màu
Tỉnh Hà Tĩnh có gần 1.000ha đất cát dọc ven biển sau khi khai thác khoáng sản titan trở nên bạc màu, không thể sản xuất nông nghiệp. Giữa năm 2013, tỉnh này cử đoàn công tác đi Dong Shan (Trung Quốc) để học tập mô hình sản xuất rau trên cát sau khi khai thác khoáng sản.
Đến tháng 9.2013, tỉnh Hà Tĩnh giao Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Tổng công ty Mitraco là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình khảo nghiệm, sản xuất thí điểm tại thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà với quy mô 12ha.
Khu sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát của Tổng công ty Mitraco tại thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà đang trong giai đoạn "im lìm"
Đến đầu năm 2014, sau khi mô hình “được đánh giá thành công bước đầu”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ thí điểm sản xuất rau, củ, quả trên cát với quy mô 680ha trên địa bàn 13 xã thuộc 4 huyện ven biển.
Hiện thực hóa chính sách này, ngày 13.1.2014, ông Võ Kim Cự lúc này đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định số 135/QĐ-UBND về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiên phong đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao. Theo quyết định này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiên phong sản xuất quy mô trên 1ha sẽ được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, một phần chi phí đầu tư hạ tầng, kinh phí đào tạo chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, lồng ghép các chương trình mục tiêu và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tại thời điểm này, hầu hết diện tích trồng rau của Mitraco đang bỏ hoang, hệ thống tưới nước bị cỏ phủ lấp
Đến nay, Tổng công ty Mitraco đã được hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh Hà Tĩnh là 18,5 tỉ đồng; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình thực hiện mô hình này được hỗ trợ tất cả là 16,437 tỉ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích đất đã san lấp mặt bằng phục vụ mô hình sản xuất này là 230ha, trong đó diện tích của Tổng công ty Mitraco là 85ha tại xã Thạch Văn, còn lại là của các hợp tác xã, tổ hợp tác rải rác trên địa bàn 4 huyện ven biển là Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân.
Thu hẹp quy mô
Những ngày giữa tháng 10 này, chúng tôi đã có buổi tìm hiểu thực tế tại dự án chuỗi sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên cát của Tổng công ty Mitraco tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà.
Thực tế ở đây cho thấy, trên tổng số 85ha đất cát đã được san lấp mặt bằng, có 50ha được lắp đặt hệ thống tưới nước công nghệ Israel. Hiện tại chỉ còn khoảng 5ha là đang có cây ổi, táo và thanh long sinh trưởng nhưng rất cằn cỗi. Còn lại hầu hết diện tích đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trên các dãy luống. Nhiều người dân địa phương vào đây để cắt cỏ về cho bò ăn. Một số hạng mục như nhà lưới ươm giống, giàn đỡ dưa leo bị bão số 10 giữa tháng 9 vừa qua làm đổ sập chưa được tu sửa vì hiện không sản xuất.
Nhà lưới ươm giống bị hư hỏng sau bão tháng 9 vẫn chưa được sửa chữa vì hiện tại Mitraco không sản xuất rau
Người quản lý dự án tại đây cho biết, từ tháng 6.2017 việc xản xuất ở đây đã thu hẹp diện tích lại. Hiện tại chỉ còn 15 công nhân ở đây để bảo vệ tài sản và chăm sóc 5ha cây ăn quả. Khu nhà lưới chính được công nhân sử dụng để trồng rau phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Theo số liệu báo cáo từ tháng 6.2017 của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, tại vụ xuân - hè năm 2017, các đơn vị trên toàn tỉnh thực hiện theo mô hình này chỉ sản xuất được 73,9ha trên tổng số hơn 200ha; Mitraco là doanh nghiệp chủ đạo trong mô hình này chỉ canh tác được 4ha trên tổng số 85ha.
Đánh giá chung của sở NN&PTNT, sản xuất rau trên cát thời gian qua đang chủ yếu là khảo nghiệm, giá trị sản xuất mang lại còn nhỏ, không có lãi. Quá trình khảo nghiệm trên 90 loại giống với 47 loại cây chỉ lựa chọn được 13 loại giống thích ứng với điều kiện tự nhiên ở vùng đất cát ven biển.
Cũng theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, hiệu quả sản xuất của Tổng công ty Mitraco thời gian qua còn thấp; do điều kiện thời tiết khắc nghiệt không sản xuất được liên tục các vụ trong năm, chỉ tập trung vào vụ đông và xuân trùng với thời vụ sản xuất của người dân nên khó cạnh tranh về giá thành, tiêu thụ sản phẩm; việc thực hiện các kế hoạch, hợp đồng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã còn chậm, chưa đầy đủ về vấn đề cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm nên ảnh hưởng đến tiến độ mở rộng sản xuất của địa phương.
Vườn ổi cằn cỗi
Khu vực trồng dưa đang bị bỏ hoang
Theo số liệu mà Chi cục trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cung cấp, tổng chi phí sản xuất của Tổng công ty Mitraco trong thời gian qua là 13,849 tỉ đồng; lỗ 11,062 tỉ đồng.
Theo quy hoạch ban đầu, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc quy hoạch các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684,1ha. Tuy nhiên, mới sau hơn 3 năm thực hiện, tổng diện tích sử dụng mới chỉ 230ha nhưng quá trình sản xuất đang rơi vào tình trạng “ngắc ngoải”, không có lối thoát.
Loay hoay tìm lối thoát
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) về thực trạng dự án rau, củ, quả trên cát này.
Ông Hà cho biết, nhìn chung mô hình sản xuất rau trên cát được thực hiện trên toàn tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ đem lại hiệu quả cục bộ ở một số giống cây trồng, về tổng thể thì chưa có hiệu quả kinh tế. Vì mục tiêu ban đầu của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là phát triển mô hình này để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, nhưng với điều kiện khí hậu ở Hà Tĩnh thì sản phẩm làm ra rất khó để thực hiện mục tiêu đó, trong khi bán lẻ tại chỗ cũng phải cạnh tranh với sản phẩm từ hộ gia đình.
Người dân vào khu sản xuất rau đang bỏ hoang của Mitraco để cắt cỏ về cho bò ăn
“Dự án của Tổng công ty Mitraco thì gọi là có sản phẩm chứ hiệu quả kinh tế thì chưa có. Có một số cây như củ cải, cải bẹ, dưa, cà rốt... vẫn cho năng suất cao nhưng tiêu thụ không được.
Có thời điểm Sở NN&PTNT còn phải vận động cán bộ mua giúp sản phẩm rau từ mô hình này. Vì quy mô đầu tư của Mitraco lớn, giá thành phải cao trong khi sản phẩm của dân trồng lại rẻ. Thứ hai là thời tiết trên vùng đất cát này khắc nghiệt, nếu ở đó làm được thì dân họ cũng làm được nên có sự cạnh tranh mạnh, với lại nhu cầu tiêu thụ không nhiều, mà xuất đi cũng không được. Giờ một số hợp tác xã liên kết cũng đang duy trì nhưng sản xuất ít”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho biết thêm: “Khi chúng tôi đi kiểm tra thực tế mới đây thì thấy khu sản xuất của Tổng công ty Mitraco chỉ đang chăm sóc một số cây ăn quả như thanh long, ổi, còn lại phần lớn diện tích đều không sản xuất”.
Về nguyên nhân mô hình rau, củ, quả trên cát rơi vào tình trạng như hiện nay, ông Hà nói: “Nguyên nhân thứ nhất là thời tiết khắc nghiệt và thứ hai là không có đầu ra (nơi tiêu thụ sản phẩm - PV)”.
Khu sản xuất rau quả đang đứng trước nguy cơ tái sa mạc hóa
Hiện Tổng công ty Mitraco là chủ đầu tư lớn nhất, mang yếu tố chủ đạo trong việc thực hiện mô hình rau sạch công nghệ cao trên cát của tỉnh Hà Tĩnh cũng đang rơi vào lúng túng, chưa có phương án cụ thể để tháo gỡ cục diện bế tắc này.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng Giám đốc Mitraco bày tỏ quan điểm: tuy dự án rau, củ, quả công nghệ cao trên cát mà đơn vị này đã đầu tư sản xuất đến nay chưa mang lại hiệu quả về kinh tế nhưng hiệu quả về mặt xã hội thì đã đạt được.
“Đánh giá chung thì về mặt xã hội (dự án) đã có tác động lớn, đó là người dân đã biết đất này cũng canh tác được, thực tế các hợp tác xã đã làm có hiệu quả. Về mặt kinh tế thì đơn vị đã bỏ ra một kinh phí rất lớn nhưng chưa thu hồi được. Vì là dự án mô hình thí điểm, để nhân rộng cho bà con, nên hiện đã giải quyết được nút thắt đó rồi. Còn về hiệu quả kinh tế thì doanh nghiệp chưa đạt được”, bà Hà nói.
Về phương án tìm “con đường sáng” cho dự án, bà Hà cho hay, hiện đơn vị đang có hai phương án. Một là liên kết với địa phương, giao đất cho các hợp tác xã và hộ dân ở địa phương; phía doanh nghiệp sẽ tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, cơ sở vật chất hạ tầng sẵn có, sản phẩm người dân làm ra có thể tự bán hoặc doanh nghiệp sẽ thu mua. Phương án thứ hai là sẽ hợp tác với một đơn vị đối tác ở TP.HCM chuyên về sản xuất rau với đầy đủ công nghệ và mối tiêu thụ sản phẩm.
Bà Hà cho biết: “Đơn vị ở TP.HCM đã ra khảo sát cơ sở vật chất hạ tầng. Tuy nhiên hiện chúng tôi đã gửi văn bản xin ý kiến của tỉnh và đang chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh mới quyết định phương án”.
Kho chứa có khoang làm mát để bảo quản đang "ngủ im" vì không có sản phẩm
Người dân Hà Tĩnh vẫn còn nhớ, giữa năm 2016, cán bộ của Mitraco từng thông tin với báo chí rằng có nhiều đối tác từ TP.HCM đã và đang tiếp cận trong việc phối hợp đầu tư và bao tiêu sản phẩm của cánh đồng rau, củ, quả trên sa mạc cát. Đặc biệt, hai khách hàng lớn đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tiếp cận Mitraco. Sau khi tham quan mô hình rau củ quả trên sa mạc cát này, cả hai đối tác đều cho biết sẽ hợp tác trọn việc bao tiêu sản phẩm. Mitraco còn có kế hoạch tổ chức du lịch sinh thái cho du khách tham quan dự án trồng rau này. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn bị “sa lầy”.
Video: khu sản xuất rau củ quả công nghệ cao trên cát của Mitraco đang trở thành bãi cỏ hoang:
Theo Quang Cường Một thế giới
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn