Nhưng điều đặc biệt là tại vùng đất mới, cuộc sống mới, những lão ngư vốn quen với cuộc sống biển cả đã biết làm giàu từ nghề... nuôi thỏ.
Trăn trở từ nơi ở mới
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm các mô hình chăn nuôi thỏ của các hộ dân tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi.
Mô hình nuôi thỏ đang mang lại thu nhập khá cho gia đình ông Long ở thôn Đông Yên |
Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi những hộ dân trước kia chỉ quen với việc ra khơi đánh cá nay lại chuyển sang mô hình hoàn toàn khác: nuôi thỏ.
Cách đây 4 năm, cũng như bao gia đình khác, hộ gia đình ông Mai Xuân Long nhường đất cho dự án Formosa chuyển lên vùng tái định cư (TĐC) mới.
Lên vùng đất mới, cuộc sống khác, môi trường cũng khác, để thích nghi và ổn định mưu sinh là một bài toán khó không chỉ đối với những ngư dân vốn quen với biển cả như gia đình ông Long mà còn đối với các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh.
Với quyết tâm vượt khó để làm giàu, cuối năm 2016, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, ông Long đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã có những thành công ngoài sức mong đợi.
Ông Long nhớ lại: “Cuộc sống trước kia của gia đình tôi là lênh đênh trên biển, quen với việc bắt con tôm, con cá để mưu sinh. Nay phải lên đây để nhường lại mảnh đất mà mình đã gắn bó bao đời lúc đầu cũng buồn, cũng nhớ cái vị mặn mòi của biển lắm nhưng cũng vì cái chung thôi"!
Nuôi thỏ - hướng đi mới cho bà con vùng TĐC
Hiện tại, thôn Đông Yên có HTX nuôi thỏ với 10 hội viên, 4 tháng triển khai, hợp tác xã đã vừa xuất được 1,5 tấn thỏ thịt đầu tiên ra thị trường. |
Sau nhiều đêm trăn trở, tình cờ một lần ông Long được đọc vài bài báo nói về nghề nuôi thỏ. Nhận thấy, nghề này số vốn phải bỏ ra không phải là nhiều lắm nên ông có ý tưởng nuôi thỏ thịt.
Từ ý tưởng đó, ông Long đã quyết định đi tham quan các mô hình chăn nuôi thỏ ở các huyện, các tỉnh lân cận. Nhận thấy nghề chăn nuôi thỏ khá phù hợp với hoàn cảnh gia đình, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ ở thôn Đông Yên – Kỳ Lợi.
Hiện, Hợp tác xã hiện có 10 thành viên, đều là hội viên của hội nông dân Chi hội 1 Hội nông dân xã Kỳ Lợi. Qua gần 4 tháng triển khai, hợp tác xã đã vừa xuất được 1,5 tấn thỏ thịt đầu tiên, là tín hiệu khởi đầu đầy thuận lợi.
Nuôi thỏ không khó nhưng điều cốt yếu là phải có kiến thức và niềm đam mê. Hết học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi thỏ, ông Long lại mua sách khoa học để tự tìm hiểu, nghiên cứu. Ngoài ra, ông Long còn được Hội nông dân thị xã Kỳ Anh bồi dưỡng một khóa đào tạo ngắn ngày về thú y để chủ động trong việc phòng ngừa các bệnh cho việc nuôi thỏ cho cho gia đình mình và các thành viên trong Hội.
Chỉ với 10 con thỏ giống ban đầu, đến nay gia đình ông Long đã phát triển được đàn 50 con thỏ sinh sản. Sau mỗi lứa thỏ sinh sản, chăm sóc, trại thỏ của ông Long xuất ra thị trường khoảng 400 con thỏ thịt, mỗi con có trọng lượng trung bình 2kg.
Với giá thỏ giống 150.000 - 170.000 đồng/kg, thỏ thịt 85.000 đồng/kg, có thị trường thuận lợi, trang trại của gia đình ông Long xuất bán thường xuyên.
Ông Trần Đình Gia – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh thăm mô hình nuôi thỏ tại thôn Đông Yên. |
Về kinh nghiệm nuôi thỏ của bản thân, ông Long tận tình chia sẻ: “chuồng khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt, song yêu cầu phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Thỏ là loài vật rất dễ bị nhiễm bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh bại huyết (xuất huyết đường ruột). Khi mắc bệnh này, thỏ chết rất nhanh. Phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng chu đáo. Khi cho thỏ ăn chú ý không để các loại rau thấm nước và bẩn.”
Bà Võ Thị Thìn – Chủ tịch Hội nông dân thị xã Kỳ Anh vui vẻ cho chúng tôi biết, mô hình nuôi thỏ phù hợp với quy mô hộ gia đình, mức đầu tư vừa phải, ít rủi ro nên đang được người dân chú trọng phát triển. Hiện tại, mô hình Hợp tác xã nuôi thỏ ở thôn Đông Yên mới chỉ có 10 hội viên, chúng tôi đang khảo sát, thí điểm nếu thuận lợi thì sẽ tạo điều kiện về con giống và cách chăm sóc để khuyến khích bà con phát triển ngành nghề này.