Sức bật miền biên viễn
Còn nhớ, năm 2010, khi được về dự đại hội đảng bộ xã, diện mạo nông thôn nơi đây khá sơ sài, đời sống của bà con hết sức khó khăn, thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 15%. Mặc dù, luôn trăn trở, tìm tòi hướng đi nhằm nâng cao đời sống cho người dân, nhưng theo lãnh đạo địa phương lúc bấy giờ, do địa hình phân bố rộng, hệ thống hạ tầng còn thiếu và yếu, bà con vốn dĩ đã nghèo khó, việc huy động nguồn lực từ nhân dân cũng coi như không, nên “cái khó bó cái khôn”.
Thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1 nhanh chóng đổi thay sau thời gian ngắn xây dựng NTM |
Giữa lúc đang “tìm đường vượt khó” thì chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được phát động, như một luồng gió mới, mang đến cho địa phương nghèo động lực, nguồn sinh khí để tạo sự bứt phá. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 - Nguyễn Sỹ Luận vui mừng cho biết, thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, chúng tôi đã phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ ngoại lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 5 năm qua, xã Sơn Kim 1 đã huy động hơn 130 tỷ đồng xây dựng 3 trạm biến áp, 32,6 km đường điện, 21 km đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng 3 cấp học, trạm y tế, bưu điện đạt chuẩn. Đồng thời, xây mới, sửa chữa 9 nhà văn hóa, trung tâm vui chơi thể thao, 3 km kênh mương thủy lợi, xây mới và chỉnh trang hơn 1.200 nhà ở theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng...
Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đảng bộ, chính quyền địa phương luôn đề cao tính minh bạch, dân chủ nên dù khó khăn, người dân vẫn tự nguyện góp sức, chỉ tính riêng ngày công, việc hiến đất... bà con đã đóng góp trên 50 tỷ đồng để xây dựng NTM. Điều đặc biệt, mặc dù, số lượng các công trình hạ tầng thời gian qua khá lớn nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản của địa phương chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng.
“Chúng tôi không đặt mục tiêu về đích bằng mọi giá, công tác xây dựng được thực hiện trên cơ sở quy hoạch và kế thừa những công trình hiện có để từng bước củng cố và hoàn thiện hệ thống hạ tầng” - ông Luận cho biết.
Cùng ông Trần Toản (83 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, ở thôn Khe Năm) rải bước trên con đường bê tông rộng 8m, dài 7 km nối quốc lộ 8A với Khe Năm, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự đổi thay ở vùng biên giới. Ông Toản chia sẻ: “Đường rộng thênh thang như thế là nhờ Đảng, nhờ Nhà nước đó chú ạ! Chúng tôi chỉ hiến đất, hiến cây khi mở đường”.
Hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân mạnh dạn phát triển sản xuất. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn toàn xã đã xây dựng được 385 mô hình sản xuất thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm trở lên, trong đó, có 220 mô hình thu nhập từ 100 triệu - 1 tỷ đồng/năm/mô hình. Nhờ biết chọn hướng đột phá, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao, Sơn Kim 1 là xã biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - Võ Văn Phúc, vượt qua nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực ở huyện miền núi, sau gần 5 năm triển khai xây dựng NTM, Hương Sơn đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phục vụ đời sống, sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2014, huyện đã xây dựng 125,61 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa 25,29 km kênh mương thủy lợi, 31 phòng học, phòng chức năng của 7 trường; nâng cấp, chỉnh trang 6 trường học; xây mới trụ sở làm việc 3 xã; nâng cấp, chỉnh trang trụ sở làm việc 2 xã; xây mới 19 hội quán thôn, 1 nhà văn hóa xã, chỉnh trang 36 hội quán thôn; nâng cấp, mở rộng 3 sân thể thao xã; đầu tư xây dựng 1 chợ (Sơn Long) đạt tiêu chuẩn chợ hạng 3 nông thôn; xóa 128 nhà tạm dột nát; chỉnh trang, sửa chữa 1.205 nhà ở đảm bảo đạt chuẩn theo quy định...
Xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh. |
Nền tảng phát triển đô thị
Nằm ở vùng ven đô, với nhiều lợi thế phát triển KT-XH, song, công bằng mà nói, so với các địa phương khác của TP Hà Tĩnh, xã Thạch Hạ còn thiếu nền tảng cần thiết để tiến lên đô thị. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sông Hàn cho biết: “Nhận thức được những khó khăn và yêu cầu phát triển của địa phương, ngay khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã xác định, xây dựng NTM ở Thạch Hạ phải gắn liền với phát triển đô thị. Các tiêu chí NTM phải có mức độ đạt chuẩn cao hơn bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM đã được ban hành và tiệm cận với xu hướng mở rộng đô thị trong tương lai gần”.
Ngay thời gian đầu, thành phố đã chỉ đạo quy hoạch và thực hiện quy hoạch NTM phải hài hòa, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị chung, nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng KT-XH nông thôn. Chỉ tính riêng 3 năm đầu xây dựng NTM, xã Thạch Hạ đã xây dựng 10 km đường trục xã, 10,6 km đường trục thôn đạt trên chuẩn với thiết kế B nền 7m và B mặt 5m, đảm bảo tải trọng thiết kế xe 13 tấn vào tận các hộ gia đình ở 11 thôn và chuẩn hóa 11,4 km đường ngõ xóm, gần 14 km đường nội đồng đảm bảo xe cơ giới ra, vào các vùng sản xuất...
Cùng với xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tiệm cận nhu cầu phát triển đô thị, Thạch Hạ đã tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh trên địa bàn, nhằm xác định quy hoạch vùng lâu dài để ổn định đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng kinh tế đô thị. “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, Thạch Hạ sẽ bắt nhịp với tốc độ phát triển đô thị khi thành phố khoác áo mới - đô thị loại II”, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ - Nguyễn Sông Hàn nhấn mạnh.
Sau 5 năm xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn 3.300 km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 47%; kiên cố hóa 719 km kênh mương thủy lợi nội đồng, nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 47,7%; xây dựng 610 km đường điện; đầu tư, nâng cấp 330 trường học, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 73,25%, 91 trạm y tế, nâng tỷ lệ số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia lên 64,7%; xây dựng 101 nhà văn hóa xã, 72 khu thể thao xã, 968 nhà văn hóa thôn, 880 khu thể thao thôn; xóa bỏ 13.260 nhà tạm; xây dựng, nâng cấp 56 khu nghĩa trang và 61 khu xử lý rác thải...
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn