Nữ giám đốc vỡ nợ hàng chục tỷ đồng

Thứ hai - 05/06/2017 08:55
Giám đốc Công ty Mai Xuân Thịnh - bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đã vay nợ của nhiều người với số tiền khoảng 30 tỷ đồng, và đã bỏ trốn.

Theo một cán bộ Phòng điều tra tổng hợp Công an quận 6, TPHCM từ ngày 26/9 đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận khoảng 10 đơn trình báo của người dân liên quan đến vụ vỡ nợ của bà Mai. "Chúng tôi đang lấy lời khai của các nạn nhân để điều tra làm rõ vụ việc", cán bộ này cho biết.

Dựa vào mác giám đốc, bà Mai đã dễ dàng vay mượn tiền của nhiều người. Ảnh: Lệ Chi

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Mai Xuân Thịnh, chuyên về dịch vụ kế toán, tư vấn thuế và dịch vụ nhà đất. Người phụ nữ này đã vay vốn của nhiều người với lãi suất 3,5-10% một tháng để đầu tư vào bất động sản và chi dùng cá nhân.

Trao đổi với VnExpress.net, vợ chồng ông Kim, một nạn nhân của bà Mai cho biết, bà này vốn là chỗ bà con họ hàng xa, lại là giám đốc một công ty nên ông và những người thân (anh, em, bạn bè) đã tin tưởng và mang toàn bộ số tiền dành dụm được 1,2 tỷ đồng cho bà Mai vay với lãi suất 3,5% mỗi tháng.

Theo ông Kim, thời hạn trả nợ là đến hết tháng 6 năm nay (có hợp đồng qua công chứng). Trong thời gian vay, có tháng bà Mai trả lãi đúng hẹn, nhưng cũng có nhiều tháng không đúng hẹn. Đến thời điểm trả nợ gốc, bà cho biết gặp khó khăn về tài chính nên xin "khất" lại số tiền gốc này và hứa trả chậm nhất đến cuối tháng 9 với khoản thời gian phân kỳ thành 4 đợt, mỗi đợt 300 triệu đồng vào các ngày 20/7; 10/8; 25/8 và 10/9 (có thể hiện qua giấy cam kết).

Tuy nhiên, ông Kim cho biết kể từ tháng 7 đến nay, ông chưa nhận được đồng tiền nào từ phía bà Mai (cả lãi lẫn vốn gốc). Đồng thời, đến ngày 18/7 nghe tin bà này bỏ trốn, ông có đến nhà và thấy cửa khóa chặt. Sau đó một ngày, tức hôm 19/7, bà Mai nhờ người bạn thân đem đến một lá thư tay cho ông Kim với nội dung hứa hẹn một tháng sau sẽ về giải quyết toàn bộ nợ nần.

"Nhưng đây chỉ là công tác tư tưởng trấn an tinh thần của bà ấy, vì kể từ đó bà Mai cắt đứt tòan bộ liên lạc", ông Kim nói.

Tương tự là trường hợp bà Lan đang bị nữ giám đốc này "ôm" hơn 8 tỷ đồng, cũng bằng cách tạo niềm tin và uy tín bằng việc vay số tiền ít và trả lãi lẫn gốc sòng phẳng. Sau đó, mượn số tiền lớn dần rồi biến mất luôn.

Theo bà Lan, từ giữa năm 2010, bà Mai chỉ mượn vài trăm đến một tỷ đồng và trả lãi lẫn gốc rất nhanh chóng chỉ trong vòng vài ngày. Nhưng đến khoảng gần cuối năm đó, bà ta cho biết đang cần đầu tư vào một dự án bất động sản nên hỏi vay số tiền lớn dần, tổng cộng hơn 8 tỷ đồng, lãi suất khoảng 5% một tháng. "Đến đầu năm nay, bà ấy liên tục khất nợ với lý do dự án chưa xong nên chưa thu hồi được vốn. Từ đó trở đi, cả lãi cũng không thấy trả. Và đến giờ thì bà Mai đã trốn bặt tăm cùng số tiền trên", bà Lan cho biết.

Một số nạn nhân khác cũng đang khóc dở chết dở với số tiền đã cho bà Mai vay, bởi để có số tiền này họ đã phải đi vay mượn từ người thân, bạn bè.

Chị Bích - một chủ nợ khác cũng than thở, trước đây vì thấy bà Mai luôn thể hiện là người tốt, hay giúp đỡ người khác và rất giữ uy tín nên chị tin tưởng. Hồi tháng 4, bà này nói đang kẹt và cần mượn một số tiền. Chị Bích đã phải chạy vạy hỏi 'mượn' những người thân được 150 triệu đồng. Trong đó, mượn của một người bạn 100 triệu với lãi suất 10% một tháng, và một người thân là 50 triệu với lãi suất 5% để đưa cho bà Mai.

Chị Bích cho biết, từ tháng 4 đến tháng 6, bà Mai trả lãi đầy đủ. Nhưng từ tháng 6 trở đi, bà xin khất liên tục và cho biết đang chờ tiền từ dự án. "Tôi cũng không dám đòi vì ngại nên phải cắn răng bỏ tiền túi ra trả lãi cho những người kia tới tận bây giờ. Ai ngờ, nay vỡ lẽ ra bà Mai đã trốn ôm nợ không chỉ của riêng tôi mà còn nhiều người khác. Giờ tôi chỉ biết cầu mong bà ấy sẽ quay về và trả tiền lại chứ biết làm gì", chị Bích nói.

Ngoài các nạn nhân trên, còn khoảng hơn 10 người khác cũng cho bà Mai vay tiền từ 100 đến vài tỷ đồng nhưng chưa được trả tiền nên đã đến trình báo với công an.

Một lãnh đạo công an quận 6 cho rằng, đa phần các đối tượng tín dụng đen khi vay tiền, ban đầu đều tạo ra vẻ bề ngoài thật phô trương và luôn tạo niềm tin cho những người xung quanh, sau đó mới câu dụ những người nhẹ dạ, cả tin vào tròng. "Nếu người dân có vốn nên gửi vào ngân hàng cho an toàn và không nên tham lãi suất cao", ông khuyên.

Ngoài ra, vị này cũng khuyến cáo, trong quá trình giao dịch làm ăn nên đảm bảo tính pháp lý rõ ràng và tuyệt đối không dựa vào lòng tin. "Bởi hiện nay, nhiều người cho vay cả tỷ đồng nhưng chủ yếu qua lời nói miệng hoặc vài mảnh giấy viết tay. Khi xảy ra sự cố, rất dễ bị thua thiệt về quyền lợi", ông nói.

Theo Lệ Thanh
VnExpress

* Tên nạn nhân đã được thay đổi

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây