Chủ tịch Quốc hội: "Có lẽ chưa tăng lương được"

Thứ hai - 05/06/2017 08:57
Đề xuất tăng lương 100.000 đồng của Chính phủ không nhận được nhiều ý kiến tán đồng tại nghị trường chiều 31/10 và theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nếu có tăng, chỉ nên chọn lọc với một số đối tượng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị chỉ tăng lương cho một số đối tượng khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà

Phiên thảo luận về ngân sách Nhà nước chiều 31/10 tại hội trường Quốc hội, vấn đề tăng lương tối thiểu một lần nữa lại được đặt ra. Nhưng thay vì sự ủng hộ tuyệt đối, đề xuất của Chính phủ về việc điều tiết 20.700 tỷ đồng từ các nguồn khác để chi cho tăng lương, lại vấp phải nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng từ phía đại biểu.

Để có thể đảm bảo tăng lương theo lộ trình lên 1,3 triệu đồng ở thời điểm 1/5/2013, ngân sách nhà nước cần bố trí 60.000 - 65.000 tỷ đồng, chưa kể 29.000 tỷ đồng thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng hiện nay và phụ cấp công vụ 25%. Với lý do số tiền này vượt khả năng cân đối ngân sách 2013, đầu kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã đề xuất lùi thời hạn tăng lương.

"Tuy nhiên để đáp ứng nguyện vọng của người hưởng lương, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thủ tướng chỉ đạo dự kiến trình Quốc hội xem xét phương án tăng lương ngay", Bộ trưởng Vương Đình Huệ trình bày trong phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 31/10.

Phương án đề xuất của Chính phủ có thay đổi so với ban đầu, theo đó tiền lương tối thiểu cho 8 triệu người gồm cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công sẽ tăng 100.000 đồng một tháng, chứ không phải tăng 250.000 đồng, áp dụng từ 1/7/2013, chậm 2 tháng so với lộ trình. Theo Bộ trưởng, tổng số kinh phí dành cho phương án tăng lương này là khoảng 20.700 tỷ đồng, chủ yếu được điều tiết từ giảm đầu tư công (10.000 tỷ đồng), phát hành trái phiếu Chính phủ, tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10% (khoảng 1.600 tỷ đồng), và giảm chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Chia sẻ với VnExpress.net, Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ so sánh ngân sách nhà nước như một tấm chăn, “co đầu này thì đầu kia sẽ thiếu”. Do vậy, việc thu, chi, giảm chi đều phải hết sức căn cơ.

"Dường như sức ép từ phía công chúng khiến Chính phủ phải thay đổi ý kiến của mình, từ chỗ ngừng tăng lương theo đúng lộ trình lên 1,3 triệu đồng rồi chuyển thành chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng và lùi thời gian thực hiện hai tháng. Nhưng quả thật ngân sách khó khăn thế này, nguồn đâu mà tăng lương", lãnh đạo một ủy ban của Quốc hội chia sẻ với VnExpress.net bên hành lang chiều 31/10. Theo vị này, nếu Chính phủ điều tiết từ nguồn đầu tư phát triển cho tăng lương hoặc thậm chí phải dùng biện pháp vay nợ để tăng lương, thì vi phạm các quy định về chi tiêu ngân sách.

Tại hội trường, nhiều đại biểu cũng chung quan điểm. Đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng vốn đầu tư phát triển 180.000 tỷ đồng cho năm 2013 đã là mức thấp nhất trong các năm và phần lớn chưa nhìn tới mục tiêu trung dài hạn, nay nếu cắt tiếp sẽ không thể đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

"Trong điều kiện cân đối ngân sách hết sức khó khăn, Quốc hội cần tính toán, xử lý hài hoà, tuy nhiên quan trọng hơn phải đảm bảo cân đối ngân sách trong ngắn và trung hạn. Xử lý hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm", đại biểu Chiểu đề nghị.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết rất vui mừng khi Bộ trưởng Tài chính hứa tăng lương, nhưng ông cũng lo lắng khi nhìn vào thực tế thu chi ngân sách. "Nhìn cân đối trong bảng chi ngân sách, không hiểu chúng ta co kéo từ đâu để có nguồn tăng lương. Nếu co kéo giảm chi đầu tư xuống 130.000-140.000 tỷ đồng sẽ không đủ đầu tư phát triển", ông nói.

Ông đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tác động tổng thể việc tăng lương này sẽ ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp nhất là khi họ đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, lại phải tăng chi trợ cấp xã hội cho người lao động.

Cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Bắc Việt còn lo lắng về nhiều lệ lụy như lương tăng ít giá tăng nhiều, chênh lệch thu nhập giữa các thành phần trong xã hội và lương tăng mà trách nhiệm của công chức với dân, với công việc không tăng tương ứng.

"Nếu vẫn quyết tăng lương thì phải tăng thu, tiết kiệm chi. Không đủ nguồn thì theo tôi chỉ quan tâm tới nhóm đối tượng chính sách và cán bộ xã thôn. Bên cạnh đó, phải nâng tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức trong công việc và phục vụ dân. Đồng thời tăng cường quản lý giá cả thị trường", ông đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc hiển cho biết sẽ họp với Chính phủ trong vài ngày tới về kế hoạch tăng lương. Ảnh: N.A

Đại biểu Võ Thị Dung cũng kêu gọi tinh thần gương mẫu trong cả hệ thống chính trị nhằm tiết kiêm chi tiêu, coi đó là một phần trách nhiệm với dân, với nước. Nghẹn giọng kể lại câu chuyện các bệnh nhân ở một bệnh viện địa phương phải sống trong điều kiện khó khăn, chỉ dám ăn 2 bữa một ngày, bà đề nghị nếu có tăng lương chỉ nên tập trung cho những đối tượng khó khăn.

Trước những ý kiến đóng góp của đại biểu, trong phần phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần xem xét lại kế hoạch điều chỉnh lương trong năm 2013.

"Ngân sách do Quốc hội quyết định, tôi đề nghị có lẽ chúng ta chưa thể tăng lương được. Dù thế nào chúng ta phải tiết kiệm triệt để và dành phần tiết kiệm đó để chi cho các đối tượng khó khăn, số tiền này có thể không tới hai mươi mấy nghìn tỷ để tăng lương như Bộ trưởng Tài chính đề xuất", ông nói.

Cần được tăng lương và phụ cấp nhất lúc này, theo Chủ tịch Quốc hội là những đối tượng chính sách, các cụ hưu trí và một bộ phận công chức thu nhập dưới 2-3 triệu đồng mỗi tháng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho VnExpress biết Ủy ban sẽ tổng hợp ý kiến từ các đoàn đại biểu và làm việc với Chính phủ trong vài ngày tới để đưa ra phương án hợp lý và trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp. “Dù có theo phương án nào thì cũng sẽ phải báo cáo lại với Quốc hội.

Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội buổi sáng, ông Huệ cũng đã thay mặt Chính phủ đề xuất phương án tăng lương tối thiểu trong năm 2013 thêm 100.000 đồng so với mức 1,05 triệu đồng hiện nay. Ngân sách dự kiến sử dụng cho kế hoạch này tương đương 20.700 tỷ đồng, được lấy từ việc giảm chi đầu tư 10.000 tỷ, phát hành trái phiếu và giảm chi thường xuyên. Đây được Chính phủ xem là giải pháp “hợp lý và khả thi nhất” sau khi cho biết không thể bố trí được khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương lên 1,3 triệu đồng kể từ 1/5 năm sau.

Kết quả thăm dò ý kiến do VnExpress tiến hành từ 15h ngày 31/10 cho thấy, chỉ hơn 5% độc giả tham gia hài lòng với phương án tăng lương tối thiểu và cho rằng tăng lương giúp họ cải thiện thu nhập. Gần 56% cho rằng mức tăng 100.000 đồng như đề xuất của Chính phủ là không đáng kể trong khi hơn 39% còn lại lo ngại tăng lương sẽ khiến vật giá leo thang.
Theo VnExpress

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây