"Hồi đó tôi ngô nghê không biết gì, sau vài hôm đi theo học việc được các tiền bối đi trước tiết lộ về quy định ngầm của dân buôn bán ngoài vỉa hè để định giá từng loại hoa quả cụ thể", anh nói.
Tất cả hàng rong đều thuộc như lòng bàn tay những quy định về cách tính giá bán sao cho cả trăm hàng phải giống nhau cả trăm. |
Nói quy định ngầm, nhưng theo anh Công, chỉ là một công thức tính toán chung để cho ra giá bán với hầu hết các loại hoa quả của dân buôn.
Ví dụ, với đa phần các loại hoa quả xuất xứ Trung Quốc, giá bán tới tay người tiêu dùng thường gấp đôi so với giá lấy buôn ở chợ đầu mối. Với những mặt hàng độc lạ, những loại quả mới giai đoạn đầu mùa, giá bán được tính cao gấp 3-4 lần giá mua.
Riêng những mặt hàng hoa quả nội thì công thức lại khác, chỉ khoảng 60/40. Tức là, dưa hấu lấy buôn ngoài chợ giá 6.000 đồng/kg thì ra vỉa hè, dân buôn có thể bán lên 10.000 đồng/kg, lãi 4.000 đồng/kg. Rất ít loại quả nội có công thức tính giá bán lẻ gấp đôi so với giá lấy buôn.
Dựa vào quy định về công thức tính giá nên người dân có đi từ đầu này Hà Nội sang tận bên kia Thủ đô, với khoảng cách lên đến 20 km, khi hỏi mua cùng một loại quả thì có thể thấy giá bán vẫn giống hệt nhau, anh Công cho hay.
Theo anh Công, "buôn có bạn, bán có phường", phải có quy định ngầm về công thức tính lợi nhuận như vậy mới tránh được tình trạng chỗ bán đắt, chỗ bán rẻ, mới tránh được chuyện bán phá giá của một vài dân buôn nhằm kéo khách.
Ngoài ra, dân buôn hoa quả còn có luật ngầm để xử những người cố tình không tuân theo quy định, bán với giá rẻ. Trường hợp "phá luật" này, dân buôn sẽ đến chỉ tận mặt để răn đe. Nếu không có chuyển biến, họ sẽ bị cô lập, dùng các "mánh" riêng để buộc những trường hợp đó phải nghỉ bán, bỏ nghề.
Nói về những quy định ngầm cũng như luật ngầm của dân buôn bán hoa quả ngoài vỉa hè, chị Lê Thị Tân bán hoa quả trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ: Ở Hà Nội này, số lượng dân buôn bán hoa quả rong trên những chiếc xe máy, xe đạp thồ lên đến hàng ngàn người. Phố nhỏ thì vài ba người, phố lớn lên đến cả trăm người chứ không ít.
Song, tất cả đều thuộc như lòng bàn tay những quy định về cách tính giá bán sao cho cả trăm hàng phải giống nhau cả trăm.
"Nếu thấy chênh nhau giữa hàng này với hàng kia khoảng 5.000 đồng thì đó không phải là hàng kia bán rẻ hơn mà là do chất lượng hoa quả khác nhau. Còn cùng một loại quả, cùng chất lượng thì giá nhất định thì không bao giờ có chuyện hàng này bán đắt hơn hàng kia 1.000-2.000 đồng cả", chị nói.
Chị Tân cho hay, cách đây khoảng hơn 1 tháng, cũng trên con đường này có một cậu chưa đầy 30 tuổi đứng bán mận. Dù đã được giới buôn hoa quả phổ biến quy định ngầm rồi nhưng do hàng ế, đến đầu giờ chiều, cậu bán rẻ hơn những hàng khác 5.000 đồng/kg. Biết việc, dân buôn hoa quả trên cả tuyến đường này dồn đến "cảnh cáo".
Hôm sau, cậu thanh niên vẫn tiếp tục làm vậy và còn hạ giá bán ngay từ đầu buổi sáng. Kết quả, chiếc xe máy với 2 sọt mận tím đầy ú ụ không bán nổi 1 quả, bởi có 3 dân buôn khác luôn túc trực cạnh hàng của cậu. Cứ khách đến hỏi mua, những người này lập tức chạy ra nói "tạm thời không bán và đuổi khách đi".
"Sau 3 ngày bị dân buôn cùng tuyến ‘vây’ như vậy thì cậu thanh niên tự động nghỉ bán, bởi có bán cũng chẳng có khách nào đến mua", chị Tân nói.
Chị cũng cho biết, dù là buôn bán tự do ở ngoài vỉa hè, nhưng tất cả đều có quy định ngầm hết. Tuân thủ, làm đúng theo quy định thì được tồn tại, còn không sẽ bị đánh bật ra khỏi vòng chơi.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn