Ai đang “giết chết” dòng Đăk Bla?
Dòng sông Đăk Bla nằm bên nách phía Nam TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) quanh năm yên bình, hiền hòa như một biểu tượng thơ mộng nơi đại ngàn. Dòng chảy của Đăk Bla từ lâu cung cấp một lượng lớn phù sa để người dân 2 bên bờ canh tác ngô, khoai, sắn... qua bao đời...
Thế nhưng, vì lợi ích, những kẻ táng tận lương tâm ngang nhiên đưa tàu cuốc, vòi rồng đến “rút ruột” dòng sông Đăk Bla bất kể ngày hay đêm.
Phóng viên có mặt bên bờ sông Đăk Bla, ngay chiếc cầu sắt Chư H’Reng (TP.Kon Tum) để quan sát hoạt động của cát tặc. Đứng tại đây, chúng tôi nghe khá rõ tiếng gầm rú của những tàu cuốc đang hoạt động nhộn nhịp dưới lòng sông Đăk Bla kia.
Càng tiến sát gần dòng sông, tiếng hút cát của những tàu cuốc càng rõ nét hơn. Chỉ cách vài chục mét, nơi mà những kẻ đã vì lợi ích cá nhân mà không hề để ý đến nhiều tấm biển cảnh báo: “Dòng sông sạt lở nguy hiểm. Nghiêm cấm khai thác cát, sỏi”.
Thế rồi, bất chấp cả ngày hay đêm, chúng ra sức “tận thu” hàng nghìn m3 cát dưới lòng sông Đăk Bla để mang về cho mình một khoản tiền bất chính từ tài nguyên quốc gia.
Qua nhiều ngày mật phục theo dõi, thu thập bằng chứng để có thể “buộc tội” những kẻ xấu đã cố tình “đánh cắp” tài nguyên Quốc gia, chúng tôi đã gặp phải sự theo dõi của các đối tượng trong mỏ cát.
Nằm ngay bên cầu sắt Chư H’Reng là cổng ra, vào của mỏ cát và được chủ nhân mỏ này vây hàng rào, ngăn cổng cẩn thận để tránh người lạ xâm nhập. Ở cổng này UBND TP.Kon Tum có treo 1 tấm biển cảnh báo: “Khu vực sạt lở nguy hiểm. Cấm khai thác cát, sỏi”. Tuy nhiên, phớt lờ điều đó, chủ mỏ cát đã ngang nhiên phá dỡ tấm biển để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép dưới bờ sông kia.
Sau một thời gian dài thu thập tài liệu thực tế, chúng tôi bắt đầu tiếp cận khu mỏ cát nằm ngay sát bờ sông Đăk Bla, thuộc thôn Kon H'Reng Ktu, xã Chư H'Reng, TP.Kon Tum (Kon Tum). Ghi nhận tại hiện trường, nằm bên mép bờ sông, 4 chiếc xà lan cỡ lớn đang hút cát từ xà lan lên trên bờ. Bên trên là một đại công trường tập kết cát. Gần đó, những chiếc xe ben vẫn chở cát ra, vào liên tục. Khi thấy sự có mặt của chúng tôi, ngay lập tức, 4 chiếc xà lan đang hút cát dừng hoạt động, chiếc máy múc cũng tắt máy. Khi được hỏi ông chủ mỏ cát này là ai thì những người ở đây đều lắc đầu và trả lời: “không biết”.
Cách điểm khai thác này khoảng 300m, một điểm khai thác cát cũng đang hoạt động rất nhộn nhịp. Theo quan sát, dưới bờ sông 3 cỗ máy xà lan hạng lớn cũng đang thực hiện việc hút cát lên bãi tập kết để chở đi tiêu thụ.
Chính quyền xã bất lực hay… “làm ngơ”?
Để đưa sự việc ra trước công luận, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Chư H’Reng để có được câu trả lời về tình trạng “cát tặc” lộng hành. Trao đổi với phóng viên Doanhnhan.vn, ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Chư H’Reng, khẳng định sau khi xem bằng chứng mà phóng viên cung cấp, tại vị trí đang bị khai thác cát thuộc thôn Kon H’Reng Ktu: "Sau khi thực hiện dự án bờ kè phía Nam tỉnh Kon Tum thì tỉnh không cấp phép cho một đơn vị nào và nghiêm cấm các doanh nghiệp khai thác hay nạo vét trên sông Đăk Bla trên địa bàn xã Chư H'Reng quản lý".
Ông Luận cũng cho biết: “Thời điểm năm 2015 và 2016, UBND xã cũng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 2 lần đối với đơn vị này. Xã cũng nhiều lần cưỡng chế, thu ống nhưng được một thời gian rồi tiếp tục làm lại”.
Điều mà dư luận thắc mắc, từ mỏ cát đến UBND xã Chư H’Reng chỉ cách khoảng mấy trăm mét, nhưng không hiểu sao chính quyền lại không hề hay biết.
Dư luận đang đặt ra nghi vấn tại sao doanh nghiệp khai thác cát lậu này lại ngang nghiên hành động bất chấp pháp luật như vậy? Liệu mức xử phạt của chính quyền địa phương đã đủ nghiêm khắc chưa hay chỉ làm qua loa rồi lại để "cát tặc" ngang nhiên lộng hành như vậy?
Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục đi tìm sự thật về vấn nạn “cát tặc” trên sông Đăk Bla.