Rất nhiều bà con phản ánh việc cửa ra vào bến neo đậu tàu thuyền quá hẹp và nông nên rất khó khăn cho việc ra vào của tàu thuyền.
Xây dựng bến neo đậu tàu, thuyền theo kiểu “đan gàu tát biển”
Theo phản ánh của ngư dân tại các xã Kỳ Lợi, Kỳ Nam và phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) thì bến neo đậu tàu thuyền nghề cá ở phường Kỳ Phương dù chưa được bàn giao nhưng đã xảy ra nhiều bất cập gây bức xúc đối với các ngư dân thường xuyên hoạt động ở khu vực này như: Cửa ra vào bến neo đậu vừa nhỏ vừa cạn, phía trong bến neo đậu bị cát bồi lấp chiếm diện tích lớn, một số hạng mục xây dựng có dấu hiệu xuống cấp, cấu kiện bê tông hạng mục đê chắn sóng chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng đã sụt lún, đứt gãy không theo thiết kế.
Hệ thống kè một số vị trí bị xói lở, sụt lún, một số điểm bị sóng đánh dạt khỏi vị trí ban đầu.
Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, Ngư dân Mai Xuân Sỹ, xã Kỳ Nam cho biết: “Hiện nay bến neo đậu tàu thuyền ở phường Kỳ Phương vào cũng khó, ra cũng khó do cửa quá hẹp, cát bồi lắng nên rất nông, tàu thuyền khó quay trở. Chúng tôi đi biển bao đời nay nên rất am hiểu khu vực này, đơn vị thiết kế bến neo đậu có thể chưa tìm hiểu kỹ về khu vực này, họ cho xây dựng cửa ra vào ngay tại vị trí nước quá nông - phía ngoài cửa bến neo đậu có một khu vực cạn, nên khi có bão thì vị trí này sẽ hình thành những ngọn sóng cao, lớn hơn những vị trí khác - nên dễ gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Tại khu vực bờ kè phá sóng, người ta cho đặt các trụ chân kiềng thưa quá nên khi mùa gió bão thì việc neo đậu tàu thuyền ở phía trong gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, hiện tượng cát ở phía ngoài biển theo sóng chảy vào phía trong âu thuyền khiến một khu vực lớn bị bồi lắng cát làm cho diện tích bị thu hẹp lại. Giờ chúng tôi có nguyện vọng mở rộng ra, nạo vét sâu hơn nữa khu vực cửa ra vào để cho tàu thuyền có thể dễ dàng di chuyển”.
Khu vực bến bị cát bồi lắng mất một phần lớn diện tích sử dụng.
Anh Phong, ngư dân phường Kỳ Phương cho biết: “Không hiểu việc khảo sát thiết kế như thế nào mà chọn đúng nơi có dòng chảy ngược, bồi lắng cát. Năm ngoái đã có thuyền vào âu mắc cạn và bị lật úp, may mà ngư dân thoát chết”
Có mặt tại bến neo đậu tàu thuyền nghề cá vào sáng 20/5, chúng tôi nhận thấy một số khu vực tại bờ kè chắn cát có hiện tượng sụt lỡ, các trụ bê tông theo kiểu thùng chìm có dấu hiệu lệch, nghiêng ngả so với vị trí ban đầu. Các trụ bê tông dùng để neo tàu, thuyền thì bị cát vùi lấp hơn một nửa. Nhiều cột neo tàu thuyền nằm sâu trong bãi cát bồi cách mặt nước đến cả trăm mét.
Rất nhiều vị trí hệ thống trụ bê tông dùng để neo tàu thuyền bị cát vùi lấp hoàn toàn, không phát huy tác dụng.
Đem vấn đề này chia sẻ với ông Nguyễn Hữu Bảo, Trưởng thôn 1, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi thì được biết: “Hiện tại công trình vẫn chưa bàn giao do một số hạng mục chưa xong. Nhiều hạng mục xong rồi thì xuống cấp nghiêm trọng. Về việc này, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số vấn đề tồn tại. Diện tích bến neo đậu hiện nay bị cát bồi lắng chiếm hết gần 1/3 diện tích rồi”.
Ban đầu, khi đưa ra phương án chọn địa điểm để làm thì có 3 phương án. Vị trí được chọn lựa lúc đầu là ở khu vực phía bắc Khu tượng, vị trí này đắc địa hơn để xây dựng bến âu thuyền vì có một mỏm núi chạy thẳng ra biển có thể che chắn tốt hơn. Người dân chúng tôi cũng không hiểu vì sao đến phút chót lại thay đổi vị trí. Đặc biệt, giữa các bên đã thống nhất với nhau về việc chọn vị trí xây dựng chợ cá ở đâu thì khi đó sẽ đặt bến neo đậu tàu thuyền ở đó. Thế nhưng, vị trí bến neo đậu tàu thuyền thay đổi, chợ cá cũng vì thế mà vắng tanh không ai ngồi họp cả, lý do là không thuận lợi, không có đường nối từ bến neo đậu xuống” – Ông Bảo nói thêm.
Được biết, công trình bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương thuộc dự án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư tại Khu kinh tế Vũng Áng do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dư án được xây dựng với diện tích 9ha, kinh phí đầu tư lên đến gần 153 tỷ đồng.
Lập Hội đồng khoa học đánh giá thực trạng bến neo đậu tàu thuyền
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: “Hiện nay công trình bến neo đậu tàu thuyền ở phường Kỳ Phương đã hoàn thành khối lượng công việc nhưng chưa bàn giao nên đơn vị thi công vẫn phải chịu trách nhiệm để quản lý công trình. Chúng tôi đang mời các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, cùng với chủ đầu tư và nhà thầu xem lại những phần nào đã làm rồi, xem phần bị bồi lắng nguyên nhân là cái gì, khi nào có số liệu cụ thể thì chúng tôi mới có thể trả lời chính xác về vấn đề này. Quan điểm của chúng tôi là nhà nước bỏ tiền ra làm bến thuyền cho nhân dân thì bến phải hoạt động được”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh vừa ký ban hành Quyết định số 1287/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng khoa học (HĐKH) đánh giá thực trạng thiết kế, thi công sử dụng và đề xuất giải pháp điều chỉnh bến neo đậu tàu, thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, xây dựng các phương án kiểm tra hồ hơ thiết kế, thi công, khảo sát thực trạng, phân tích, đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ở bến neo đậu tàu thuyền nghề cá; đề xuất giải pháp điều chỉnh hợp lý, phù hợp sử dụng thực tế và theo các tiêu chuẩn quy định.
Trước một số phản ánh có cơ sở của ngư dân về những “bất cập” tại đây thì việc UBND tỉnh ban hành văn bản thành lâp HĐKH để kiểm tra đánh giá lại từ khâu thiết kế là vô cùng cần thiết thể hiện sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý đối chủ đầu tư dự án.
Mục đích xây dựng bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương là đảm bảo đội tàu cá của thôn Đông Yên tại khu tái định cư mới và các xã lân cận có thể chứa 336 chiếc tàu (loại tàu nhỏ hơn 20 CV 229 chiếc, loại tàu từ 20 CV đến 90 CV là 69 chiếc, loại tàu lớn hơn 90 CV là 38 chiếc) có thể neo đậu với thời gian ít nhất 240 ngày trong một năm. Tàu thuyền vẫn hoạt động an toàn trong bến neo đậu khi có gió cấp 6, sóng cấp 5. Công trình được thiết kế tránh trú trong điều kiện bão cấp 12 giật đến cấp 13.
Thế nhưng, tình trạng xuống cấp của các hạng mục xây dựng và toàn bộ diện tích được quy hoạch để xây dựng bến neo, đậu tàu thuyền bị cát lấn chiếm 2/3 như hiện nay dẫn đến việc bến neo đậu “có cũng như không”. Số tiền gần 153 tỷ được nhà nước đầu tư có nguy cơ mất trắng, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước việc lỗi ngay từ khâu khảo sát, thiết kế…?
Ngư dân cho rằng, việc đặt hệ trống chân kiềng tại bờ kè quá thưa dẫn đến cát chảy theo vào bồi lắng.
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.