Chỉ được trồng chè cho một doanh nghiệp?
Như NTNN số 298/2014 đã thông tin, kỹ sư nông nghiệp Phạm Đăng Khoa (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị o ép khi xây dựng xưởng chế biến chè dù có giấy phép kinh doanh và tự chịu trách nhiệm trước nguồn nguyên liệu.
Không chỉ vậy, một số người dân xã Sơn Kim 2 cũng phản ánh việc họ bị chính quyền xã ép lấy giống để trồng chè bán cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh). Ông Nguyễn Đại Nghĩa (thôn 3, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn) cho biết: “Ngày 19.9, dù gia đình tôi trồng chè trên đất nông nghiệp của mình nhưng vẫn bị chính quyền xã xuống không cho trồng. Họ yêu cầu phải ký hợp đồng trồng và bán chè cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn mới được tiếp tục thực hiện. Chúng tôi không đồng ý thì họ mời lên xã họp và dọa thu hồi đất của chúng tôi” (?).
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhuận (thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2) bức xúc: “Tôi có đất ở Khe Bén (xã Sơn Kim 2) đã được xã đồng ý chuyển đổi sang trồng chè. Nhưng xã yêu cầu phải liên kết với Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Khi tôi không muốn liên kết thì bị xã cấm”.
Cũng theo tìm hiểu của PV, khi anh Phạm Đăng Khoa bị yêu cầu tháo dỡ xưởng chế biến chè vì không có vùng nguyên liệu, anh đã làm 2 tờ trình xin đầu tư khai hoang 15ha đất ở khu vực Khe Bén để trồng chè, nhưng chính quyền xã từ chối.
Trả lời NTNN về những vấn đề này, ông Cao Kỹ Vị - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho rằng: “Không có chuyện xã ép dân phải trồng chè cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn, tất cả người dân đều tự nguyện”. Nhưng ông Vị cũng cho rằng người dân phải trồng theo quy hoạch vùng nguyên liệu chè của tỉnh, nghĩa là phải trồng cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn.
Gây khó cho doanh nghiệp và người trồng chè
Tuy ông Chủ tịch UBND xã Sơn Kim trả lời vậy, nhưng theo những tài liệu PV thu thập được thì nhiều văn bản, kế hoạch của chính quyền đều ban hành theo hướng rất có lợi cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn, tạo nên thế độc quyền trong kinh doanh chè và gây khó cho người trồng chè.
Cụ thể, Quyết định 1744 ngày 18.6.2012 phê duyệt quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 và Quyết định 2300 ngày 13.8.2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 (do ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký) dù không nói là cấm mở thêm các cơ sở chế biến chè nhưng đề rõ “đầu tư nâng cấp xưởng chè cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn”.
Đáng chú ý hơn, ngày 11.9.2013, ông Trần Công Lệ -Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất có ý kiến với HĐND, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn về việc Tổng đội Thanh niên xung phong không liên kết, liên doanh với Công ty này mà lại hợp tác với đơn vị khác (Công ty TNHH Chè Trường Thịnh ở Nghệ An). Ông Lệ cũng kiến nghị UBND tỉnh, Tỉnh đoàn có ý kiến chỉ đạo Tổng đội Thanh niên xung phong phối hợp, liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Sơn - xác nhận sau đó không lâu tỉnh đã chấp thuận yêu cầu này của Công ty CP Chè Hà Tĩnh.
Điều trớ trêu là Tổng đội Thanh niên xung phong đang phải đối mặt với nguy cơ bị doanh nghiệp Trường Thịnh kiện vì phá vỡ hợp đồng.
Trong hợp đồng ký với các hộ dân, đại diện Công ty CP Chè Hà Tĩnh tiếp tục ràng buộc trách nhiệm với chính quyền địa phương: “Trong trường hợp bên B (các hộ dân) chuyển nhượng vườn chè cho người khác thì UBND xã có quyền yêu cầu người nhận chuyển nhượng vườn chè cũng phải tiếp tục thực hiện ký hợp đồng bán sản phẩm với Xí nghiệp Chè Tây Sơn, là đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu”.Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn