Nhà xưởng đành đắp chiếu
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, anh Phạm Đăng Khoa mong muốn trở về quê hương phát triển cây chè công nghiệp, làm giàu cho quê hương và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương
Sau khi có giấy phép, anh Khoa cùng gia đình vay 2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một nhà xưởng chế biến chè với quy mô nhỏ trên đất vườn, lắp đặt dây chuyền chế biến chè xanh đúng tiêu chuẩn với công suất 1,5 tấn chè búp tươi/ngày. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, gia đình anh Khoa đã ký hợp đồng với 50 hộ dân trồng chè tại thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) với tổng diện tích chè khoảng 2,8ha.
Tuy nhiên, theo phản ánh của anh Khoa, từ ngày gia đình anh mua máy móc thiết bị về sản xuất, chế biến chè, anh liên tục nhận được các công văn, quyết định, thông báo hành chính… từ các cấp, ngành của UBND huyện Hương Sơn yêu cầu anh đình chỉ việc xây dựng xưởng chế biến chè.
Từ cuối năm 2013 đến giữa tháng 3.2014, gia đình anh Khoa nhận được yêu cầu tháo dỡ công trình nhà xưởng. Không dừng lại ở đó, chính quyền huyện đã cắt điện để không cho xưởng chế biến chè hoạt động.
Trao đổi với NTNN, anh Khoa bức xúc: “Tôi đã được Nhà nước cấp phép sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, nhưng không hiểu sao lại bị chính quyền cấm”.
Không trả lời vì đơn khiếu nại “lung tung quá”
Để làm rõ sự việc, phóng viên NTNN đã có buổi làm việc với Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh. Theo lãnh đạo Sở này, một trong những lý do được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra để đình chỉ hoạt động xưởng chế biến chè của anh Khoa là do xưởng không nằm trong quy hoạch của tỉnh và chưa có vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất, chứ không có chuyện chính quyền ngăn cấm người dân đầu tư, làm ăn trên quê hương.
Trước ý kiến này, anh Khoa cho rằng, nếu không được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép thì anh đã không dám xây dựng nhà xưởng, để cuối cùng lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Liên quan tới ý kiến của Sở NNPTNT cho rằng anh chưa có vùng nguyên liệu, anh Khoa cho biết trước khi xin cấp phép kinh doanh, anh đã ký hợp đồng với 50 hộ sản xuất chè ở xã Sơn Kim 2, tuy nhiên lại bị chính quyền xã làm khó, không chịu xác nhận. “Vì vậy, tôi phải tự lặn lội đi tìm vùng nguyên liệu ở xã khác. Hiện nay tôi đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu với diện tích khoảng 8,3ha chè của một số hộ dân ở xóm Hồ Sen, xã Sơn Tây (Hương Sơn), được UBND xã này xác nhận. Tôi cũng đã gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Hương Sơn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm”.
Trả lời NTNN về việc vì sao không trả lời đơn khiếu nại của anh Khoa, ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Sơn – trả lời một cách rất “vô tư, hồn nhiên” rằng: “Tôi là người được giao chịu trách nhiệm trả lời đơn thư của anh Khoa nhưng tôi không trả lời vì nội dung của đơn lung tung quá”.
Theo tìm hiểu của PV, việc chính quyền địa phương o ép không cho anh Khoa xây dựng xưởng chế biến chè chủ yếu là do có ý muốn bảo hộ sự kinh doanh độc quyền cho Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh. Tại huyện Hương Sơn hiện đơn vị duy nhất được phép thu mua chè búp tươi của các hộ dân là Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh).Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn