Ép từ trên xuống dưới
Như PLVN đã thông tin ở những số báo trước, không phải ngẫu nhiên mà các cấp chính quyền Hà Tĩnh thẳng tay dẹp bỏ các nhà máy chế biến chè không phải của Cty CP Chè Hà Tĩnh như trường hợp của Kỹ sư Phạm Đăng Khoa ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn…
Từ trước đó, các quyết định phê duyệt quy hoạch ngành chè địa phương đã không giấu giếm sự ưu ái dành cho doanh nghiệp này, thậm chí người ta còn thấy những cam kết “ngầm” rất chặt chẽ.
Tìm hiểu của PLVN, cho đến thời điểm hiện nay, hàng ngàn hộ trồng chè là nông dân bản địa hay hộ gia đình được Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hô hào lên miền núi để thực hiện dự án Thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (gọi tắt Tổng đội) từ chục năm trước đã không còn lựa chọn nào khác ngoài sự phục tùng vô điều kiện cho quyền lợi Cty CP Chè Hà Tĩnh, bởi chủ trương “thu về một mối” mà tỉnh Hà Tĩnh đang rốt ráo thực hiện.
Chỉ còn lác đác khoảng hơn chục hộ nông dân ở xã Sơn Kim 2 không muốn bị ép vào phục vụ cho quyền lợi của doanh nghiệp này và đang phải đối mặt với những hạch sách của chính quyền cơ sở với những tuyên bố hùng hồn: “Không liên kết với xí nghiệp thì đừng hòng mà trồng chè”.
“Tháng 9 vừa rồi, hơn chục hộ chúng tôi bị chính quyền gọi lên để họp về chuyện cây chè. Nhưng lên họ hoạnh họe, rồi đòi lập biên bản bắt chúng tôi ký. Bức xúc, chúng tôi không đồng ý thì chính quyền dọa bà con nếu không ký hợp đồng liên kết với Xí nghiệp Chè Tây Sơn thì xã sẽ thu hồi đất”- ông Nguyễn Đại Nghĩa, xóm 3, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 cho biết.
Trao đổi với PLVN, ông Cao Kỷ Vị, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 không phủ nhận các cáo buộc nói trên của người dân nhưng ông lý giải thẩm quyền cấp xã là phải chấp hành đúng theo quy hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt và thực hiện theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Sơn Kim 2 và Đảng bộ Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã thống nhất thông qua từ năm 2012.
“Một mình một chợ”
Cần phải nhắc lại, Quyết định số 1744 ngày 18/6/2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn của UBND tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 và Quyết định số 2300 ngày 13/8/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, đều do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn ký, cho thấy các quy hoạch này không quy định rõ ràng là cấm mở thêm các cơ sở chế biến chè mà chỉ đề cập khá mập mờ: “đầu tư nâng cấp xưởng chè cho 3 xí nghiệp chè: Tây Sơn, 20/4 và 12/9”.
Thậm chí, quyết định phê duyệt quy hoạch mới đây nhất còn tạo hành lang pháp lý cho việc nâng hết công suất 2 nhà máy tại các xí nghiệp thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh. Rõ ràng, quy định như vậy sẽ rất có lợi cho hoạt động của Cty CP Chè Hà Tĩnh dù doanh nghiệp này đã cổ phần hóa 10 năm nay và cổ phần nhà nước chiếm chưa đầy 17%.
Không chỉ nhận được sự ưu ái từ việc ban hành chính sách có lợi cho mình, trong quá trình kinh doanh, hễ thấy cá nhân, tổ chức nào có biểu hiện cạnh tranh gây bất lợi cho mình, Cty Chè Hà Tĩnh ngay tức khắc làm văn bản “bẩm báo” với UBND tỉnh Hà Tĩnh để nhờ can thiệp.
Tài liệu thu thập của Báo PLVN cho thấy, sau khi đưa ra những điều kiện nhưng không nhận được sự đồng ý từ phía Tổng đội trong việc thu mua, chế biến chè, ngày 11/9/2013, ông Trần Công Lệ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chè Hà Tĩnh đã làm văn bản “cầu cứu” tới UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị có ý kiến với HĐND, UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn về việc Tổng đội tại sao không liên kết, liên doanh với Cty CP Chè Hà Tĩnh mà lại hợp tác với đơn vị khác.
Trong Công văn số 125 đang đề cập, lãnh đạo Cty CP Chè Hà Tĩnh không ngừng đả kích đối tác để lấy cớ đề nghị UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn có ý kiến chỉ đạo để Cty CP Chè Hà Tĩnh và Tổng đội phối hợp liên kết sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp UBND huyện Hương Sơn, yêu cầu sáp nhập của Cty CP chè Hà Tĩnh với Tổng đội đã được tỉnh chấp thuận sau đó không lâu. Để liên kết với Cty CP Chè Hà Tĩnh, Tổng đội phải chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ mà đơn vị này đã lỡ ký với các đối tác khác. Có thể nói, tới thời điểm hiện nay, Tổng đội và Cty CP Chè Hà Tĩnh tuy hai mà là một.
Như vậy, Tổng đội - đơn vị 100% vốn nhà nước, làm nhiệm vụ an sinh xã hội - muốn cạnh tranh bình đẳng với Cty CP Chè Hà Tĩnh còn không xong thì việc chính quyền địa phương thẳng tay dẹp bỏ nhà máy chế biến chè của hộ gia đình kỹ sư Khoa cũng là điều dễ hiểu.
Đáng nói, chỉ đạo “thu về một mối” của tỉnh Hà Tĩnh vô hình trung đang đẩy Tổng đội vào con đường đáo tụng đình khi đơn vị này đang phải đối diện với nguy cơ bị khởi kiện ra tòa, thậm chí phải bồi thường nếu xác định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của đơn vị này đối với đối tác khác để liên kết với Cty CP Chè Hà Tĩnh là vi phạm pháp luật.
Trước hàng loạt sự ưu ái quá mức của tỉnh Hà Tĩnh đối với một doanh nghiệp cổ phần mà hàng năm nộp ngân sách cho tỉnh vỏn vẹn chưa đầy 500 triệu đồng khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi những ưu ái này nhằm phục vụ lợi ích của ai?