Buồn - vui nghề nuôi ngao

Thứ hai - 05/06/2017 08:57
Sau một thời gian được du nhập vào tỉnh ta, nghề nuôi ngao thương phẩm sớm khẳng định được ưu thế trong các loại hình nuôi trồng thủy sản. Cũng trong ngần ấy thời gian, nghề nuôi ngao trên địa bàn đã bộc lộ không ít hạn chế, từ việc lựa chọn nguồn giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ…
Mở hướng thoát nghèo

Có mặt tại làng ngao Mai Lâm (xã Mai Phụ - Lộc Hà) vào đúng mùa thu hoạch, chúng tôi phần nào hiểu được những câu chuyện vui buồn của nghề nuôi ngao. Nhớ lại thời điểm ngao được du nhập vào địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ Phạm Trọng Hợp chia sẻ: "Phát huy thế mạnh tự nhiên của vùng cửa biển và hiệu quả kinh tế do nuôi ngao nên chỉ trong một thời gian ngắn, bà con ở Mai Phụ đã tập trung nguồn lực, khoanh bờ, ngăn thửa, cải tạo chất đất, mở rộng diện tích nuôi trồng. Từ một vài ha nuôi nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay, Mai Phụ đã có 100 ha nuôi ngao thương phẩm, thu hút sự tham gia của hàng trăm hộ. Nuôi ngao thương phẩm thực sự trở thành cánh cửa thoát nghèo chính đáng cho nhiều hộ dân".

Nhờ nuôi ngao thương phẩm, nhiều hộ gia đình ở Mai Phụ (Lộc Hà) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Ảnh TL

Theo anh Nguyễn Văn Việt - một trong những người tiên phong du nhập, phát triển nghề nuôi ngao ở Mai Phụ, ngao là loại động vật nhuyễn thể dễ nuôi, chỉ cần cải tạo đất, chọn vị trí nuôi phù hợp rồi thả con giống chứ không phải cho ăn. “Từ 16 kg giống ngao Bến Tre ban đầu, đến nay, tôi đã mở rộng diện tích 17 ha. Bình quân mỗi năm doanh thu của trang trại đạt 4 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng”, anh Việt cho hay.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi ngao, nhiều hộ dân ở Mai Phụ đã biết liên kết lại với nhau, mở rộng quy mô sản xuất. HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ môi trường Hùng Thuận ra đời như một xu thế tất yếu của phát triển. Với 20 xã viên, HTX Hùng Thuận hiện đang làm chủ 37 ha ngao Bến Tre, 4 ha tôm, cua, hàu, 4 bè cá lồng và lấn sân kiêm thêm dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn xã. Nhờ biết tổ chức sản xuất, đầu tư máy móc, phương tiện phục vụ cho hoạt động SXKD nên HTX sớm “ăn nên làm ra”, với thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng/tháng/xã viên.

Bấp bênh nguồn giống...

Trong muôn vàn câu chuyện kể về cái khó của nghề nuôi ngao, theo trăn trở của bà con, khó khăn lớn nhất mà người nuôi ngao đang gặp phải đó là việc xây dựng khâu liên kết giữa phát triển nguồn giống, nuôi thương phẩm và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Thanh – Xóm trưởng xóm Mai Lâm (Mai Phụ) cho rằng, khi diện tích nuôi ngao được mở rộng cũng là lúc phong trào nuôi ngao ở Lộc Hà phải đối mặt với vấn đề thiếu giống. Nguồn ngao giống từ tự nhiên ngày một cạn kiệt, các hộ nuôi phải mua con giống từ các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng thông qua khâu ương nuôi trung gian của các trại nuôi ở Thái Bình, Nam Định. Do đường xa, lại mất nhiều công đoạn vận chuyển nên giá ngao giống được đẩy lên rất cao. Mặt khác, do không tiếp cận được nguồn giống chính gốc nên người nuôi ngao ở đây luôn bị đẩy vào thế bị động, lệ thuộc vào sự bất ổn của thương lái. Nhiều hộ nuôi nhập con giống về do vận chuyển xa, khi thả ngao chết nhiều, ảnh hưởng tới năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Đìu hiu bãi ngao mùa thu hoạch

Điều đáng nói là mặc dù ở tỉnh ta đã có trại ngao giống, nhưng người nuôi vẫn phải nhập giống từ các tỉnh phía Bắc. Theo lý giải của các hộ nuôi, Trại giống ở Xuân Thành (Nghi Xuân) chỉ ương đến giai đoạn ngao tấm (2- 3 vạn con/kg), mà loại giống này quá nhỏ, không thích ứng được với điều kiện bãi nuôi trên địa bàn. Để thả xuống các bãi nuôi, kích thước con giống phải bằng cúc áo (400 – 500 con/kg), tức là thêm một công đoạn ương nuôi nữa.

Anh Nguyễn Bá Nghĩa - chủ trại ương giống Xuân Thành cho biết, trại giống có khả năng cung cấp khoảng 600 triệu con ngao giống (đáp ứng 20 - 30% nhu cầu trên địa bàn), song, do không có bãi ương nuôi nên chỉ thực hiện được công đoạn ương nuôi ban đầu, sau đó bán cho các trại giống ở ngoài Bắc tiếp tục ương nuôi và phân phối trở lại cho các hộ nuôi trên địa bàn. “Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu thủy sản trong nước, chúng tôi đủ trình độ, kỹ thuật để thực hiện tất cả các công đoạn ương nuôi ngao giống nếu được tạo điều kiện xây dựng các bãi ương nuôi” - kỹ sư Nguyễn Bá Nghĩa khẳng định.

Rõ ràng, việc thiếu liên kết, không xây dựng được chu trình sản xuất ngao từ nguồn giống, ương nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ, không những làm giảm lợi ích kinh tế của trại sản xuất ngao giống do phải bán “lúa non”. Quan trọng hơn, người nuôi trồng không có cơ hội tiếp cận với nguồn giống ngay tại địa phương, điều đó đồng nghĩa nghĩa với việc chất lượng nguồn giống không được đảm bảo trong khi chi phí sản xuất được đội lên.

... và bí đầu ra

Trong khi bài toán về nguồn cung ngao giống chưa được giải quyết thì người nuôi ngao lại tiếp tục chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo thông lệ, từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời điểm thương lái thu mua ngao để xuất sang Trung Quốc. Thời điểm này năm ngoái, xe chuyện dụng nườm nượp nối đuôi nhau về Mai Phụ “ăn hàng”. Ngao xuất bãi bao nhiêu được thu mua bấy nhiêu. Tuy nhiên, năm nay, thị trường Trung Quốc bỗng dưng đóng cửa, thương lái từ chối thu mua ngao số lượng lớn, làm tồn đọng hàng trăm tấn ngao thương phẩm trên các bãi nuôi.

Dù xót của nhưng để có tiền trả nợ ngân hàng và huy động vốn để tái sản xuất nên nhiều gia đình đành ngậm ngùi bán với giá rẻ, thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái (giá ngao thịt mua tại bãi hiện chỉ còn 15.000- 20.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm ngoái giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg).

Thị trường Trung Quốc đóng cửa, người nuôi ngao chất vật tìm đầu ra trên thị trường nội địa

HTX nuôi trồng thủy sản và vệ sinh môi trường Hùng Thuận là đơn vị chiếm gần ½ diện tích nuôi ngao ở Mai Phụ, với 37 ha. Chủ nhiệm HTX Lê Xuân Hùng cho biết, hiện nay, tại các bãi nuôi của HTX đang tồn đọng gần 300 tấn ngao thương phẩm. Đưa mắt nhìn về phía bãi ngao, anh Hùng than thở: “Bỏ vào đây hơn 11 tỷ đồng, đến lúc thu hoạch lại bị tắc đầu ra. Thêm 1 ngày bán chậm là thêm lỗ, vì hàng ngày vẫn phải trả công cho người trông coi, rồi tiền lãi, nếu bán chậm, ngao quá lứa, không kịp thả giống cho vụ mới, còn thiệt hại hơn. Ngao rớt giá khiến cho thu nhập của người làm nghề cào ngao cũng giảm một nửa, nếu trước đây, một ngày công của người cào ngao khoảng 170.000 đồng, nay chỉ còn 80.000 đồng".

Không tìm được đầu ra cho sản phẩm, người nuôi ngao đang lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười, ngao thì ế ẩm trên bãi, lãi ngân hàng đến hạn thì phải trả. Anh Nguyễn Văn Hùng (xóm Mai Lâm) cho biết, mùa ngao năm nay, anh đầu tư 200 triệu tiền giống, gia đình chỉ xoay xở được một nửa, số còn lại vay ngân hàng. Đến hạn một năm nhưng không trả được tiền vay nên gia đình phải xin đảo khế...

Lời kết

Hướng đi tuy rõ, nhưng người nuôi ngao đang chịu “thiệt đơn, thiệt kép” do phải chấp nhận nguồn giống trôi nổi với giá cao, trong khi đầu ra bấp bênh. Thiết nghĩ, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, khi hầu hết nhà bà con nông dân còn nghèo, còn thụ động trong sản xuất thì các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ bà con về kỹ thuật, lãi suất. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược sản xuất bằng việc quy hoạch vùng ương nuôi, xây dựng thương hiệu, kết nối với những thị trường ổn định, gắn sản xuất với chế biến.

                                                                                                                         Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây