10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông; Vai trò to lớn đối với tiến trình phát triển đất nước

Thứ tư - 28/11/2018 08:32
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tam nông đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Toàn cảnh hội nghị tam nông

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông.  

Nghị quyết lịch sử

Đây là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến 3 lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề tam nông là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.

15-59-48_ton_cnh_hoi_nghi_tm_nong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội nghị 

Nghị quyết này, như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, cả hệ thống chính trị đồng tình ủng hộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân.

Hội nghị đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và về nông dân tới năm 2020 và giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất của Hội nghị này là cung cấp thêm luận cứ để hoàn thiện Báo cáo tổng kết sớm trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết của Đảng về vấn đề này.

Ông Bình cho rằng, Hội nghị này có thể coi là Hội nghị Diên Hồng về phát triển tam nông Việt Nam trong giai đoạn mới.  

Chỉ rõ khiếm khuyết

Thay mặt Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương báo cáo kết quả thực hiện, nhấn mạnh một số thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm và các đề xuất, giải pháp thực hiện trong các năm tới.

15-59-48_thu_tuong_v_cc_di_bieu_thm_gin_hng_trien_lm_10_nm_su_nghiep_tm_nong
Thủ tướng và đại biểu thăm gian hàng triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông

Về một số thành tựu, ông Phát nhấn mạnh, nền nông nghiệp có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên, năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Nhiều mặt hàng nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.

Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/ năm. Sau 7 năm thực hiện, tới 30/6 cả nước có 3.069 xã và 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Vai trò chủ thể của nông dân được phát huy, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Đề cập đến các tồn tại, yếu kém, hạn chế, Báo cáo nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định. Nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn mục tiêu 3,5 – 4% như Nghị quyết đề ra. Nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chậm được khắc phục.

Nông thôn phát triển không đồng đều; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp; có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Xây dựng đời sống văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp; ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng.

Ông Cao Đức Phát cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của các tồn tại yếu kém nêu trên, nhưng chủ yếu là, nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” theo Nghị quyết ở nhiều nơi chưa đầy đủ. Nhiều nơi chưa quán triệt và thực hiện tốt phương châm “nông dân là chủ thể”, chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân nên sự tham gia của quần chúng chưa tích cực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước; có nơi lại có biểu hiện lạm dụng sự đóng góp của người dân để thực hiện các nhiệm vụ công cộng.

Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ. Sự lãnh đạo chỉ đạo của nhiều cấp ủy còn thụ động. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đây là một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.

Mục tiêu tổng quát chiến lược đối với tam nông từ nay đến năm 2030 và lâu hơn nữa vẫn được xác định là có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là then chốt để nâng cao nhanh đời sống của dân cư nông thôn. Trong đó, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái là nòng cốt.

Xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị và quá trình đô thị hóa nông thôn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, địa phương, tạo môi trường sống tốt đẹp cho dân cư nông thôn dần tiếp cận điều kiện như các đô thị văn minh.

Coi kinh tế hợp tác là cứu cánh cho cách làm ăn manh mún

Ông Lê Minh Hoan (ảnh), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, HTXNN ở địa phương phát triển rất mạnh, hoạt động đúng nghĩa. Lâu nay, trong sản xuất nông hộ chất lượng thì kém, chi phí thì cao. Do đó để nâng cao chất lượng nông sản, phải đầu tư cho kinh tế tập thể, coi kinh tế hợp tác là cứu cánh cho cách làm ăn manh mún nhất hiện nay.

16-05-18_ong_le_minh_hon

“Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí” là khẩu hiệu trong tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp, ông Hoan nói và nhấn mạnh phải có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, lấy chất, giá trị gia tăng, dẫn dắt nông thôn phát triển là rất quan trọng.

Quan điểm của Bí thư Đồng Tháp là không cần hỗ trợ cho nông dân mà hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để dẫn dắt nông dân phát triển. Nếu xem HTX là cứu cánh của nông nghiệp thì phải tách bạch HTXNN riêng ra.

Cuộc cách mạng ở nông thôn

Ông Lê Đình Sơn (ảnh), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh coi Nghị quyết “tam nông” như cuộc cách mạng ở nông thôn, là cơ hội vàng để phát triển toàn diện. Nghị quyết này có sức sống, tạo sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc.

16-05-18_ong_le_dinh_son

Hà Tĩnh có điểm xuất phát rất thấp. Khi thực hiện Nghị quyết tốc độ tăng trưởng ngành chỉ là 2,08% đến nay đạt 6%, cả giai đoạn là tăng 4%. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 30 triệu đồng, so với 10 năm trước là 8 triệu. Xây dựng NTM từ một điểm thấp chỉ 3,5 tiêu chí, nay bình quân đạt 16 tiêu chí. Sẽ có huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2018 và sẽ có 4 huyện đạt chuẩn vào năm 2020.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, phát triển kinh tế phải gắn với xã hội, môi trường, văn hóa, tạo động lực cho nhân dân. Quá trình thực hiện, Hà Tĩnh hình thành thêm tiêu chí khu dân cư và vườn mẫu. Đến nay toàn tỉnh có 300 khu dân cư kiểu mẫu và 2.700 vườn mẫu, tạo nên sức mạnh cộng đồng.

Điều ông Sơn lo ngại cho nông sản Việt là ra thị trường chưa đảm bảo thương hiệu nên cạnh tranh chưa lớn; môi trường và nước sạch ở nông thôn chưa cao; đặc biệt ở đâu cấp ủy Đảng, chính quyền mà xa dân, không nghe dân thì ở đó sẽ thất bại.

Ông Sơn đề nghị Trung ương sớm có chủ trương để thể chế hóa bằng luật pháp về vấn đề tích tụ đất đai. Đây là vấn đề thách thức đang rất khó khăn ở nông thôn.

Phải thuộc làu thị trường Trung Quốc để điều tiết sản xuất

Ông Võ Quan Huy (ảnh) ở ấp 3 xã Mỹ Bình huyện Đức Huệ tỉnh Long An chia sẻ, vừa rồi tôi vinh dự được tháp tùng Thủ tướng đi Trung Quốc. Sang đó tôi nhận thấy thị trường bạn rất rộng lớn, ở đó họ có các kho hàng chứa nông sản rất bài bản.

16-05-18_ong_vo_qun_huy

Trung Quốc đã trồng được thanh long, dưa hấu. Các cơ quan của Nhà nước phải nắm được thị trường của nước bạn để mình có kế hoạch cho cơ cấu mùa vụ nhằm tránh tình trạng dư thừa, ùn ứ sản phẩm.

Ông Huy kiến nghị nhà nước phải đổi mới chính sách đất đai thì mới CNH HĐH thành công. Ông cũng mong muốn chính sách tín dụng phải thông thoáng, thuận lợi để xóa được tín dụng đen nông thôn.

VĂN HÙNG

Nguồn tin: Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây