Nới lỏng đo nồng độ cồn để cứu doanh thu du lịch, có nên?

Thứ năm - 04/05/2023 20:46
Việc một số nhà hàng ven biển ở Hà Tĩnh viết thư tay gửi lãnh đạo tỉnh này về việc xin nới lỏng đo nồng độ cồn để khách đến ăn uống nhiều hơn, nhằm tăng doanh thu đang trở thành một vấn đề: Có nên đánh đổi sự an toàn của người dân để có doanh thu du lịch?
Thông tin từ lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước cho biết tại các địa phương, trong 5 ngày nghỉ lễ đã kiểm tra, phát hiện xử lý 48.819 trường hợp vi phạm; phạt tiền 106 tỉ 459 triệu đồng; tạm giữ 826 xe ôtô, 20.067 xe môtô, 210 phương tiện khác; tước 10.914 GPLX các loại. Đáng chú ý lỗi vi phạm về nồng độ cồn vẫn đứng số 1 với 15.852 trường hợp, chiếm 32,4%.

Điều đó cho thấy, dù cơ quan chức năng ở hầu khắp các địa phương trên cả nước đã tổ chức ra quân chặt chẽ nhưng ý thức của một bộ phận người dân chưa chuyển biến. Bởi vậy việc giám sát người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cần tiếp tục được thực hiện nghiêm.

Ngay tại Hà Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh này cũng thông tin trong 5 ngày nghỉ lễ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm 3 người chết, 1 người bị thương. Lực lượng chức năng toàn tỉnh lập biên bản, xử lý 467 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tạm giữ 161 phương tiện, phạt tiền 851 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm…

Có thể khẳng định chắc chắn là nếu không có đợt ra quân, làm nghiêm kiểm tra nồng độ cồn trong dịp nghỉ lễ thì số vụ tai nạn sẽ tăng vọt.

Bởi thế kiến nghị của một số nhà hàng ven biển mong “nới lỏng đo nồng độ cồn hoặc quy định nồng độ cồn ở một mức nào đó mới xử phạt để khách hàng đi tắm biển, ăn uống nhiều hơn ở các nhà hàng hải sản ven biển” là không hợp lý và không phù hợp với các quy định hiện hành, cụ thể là Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
 
D2023050504
Lá thư xin được nới lỏng đo nồng độ cồn của một số nhà hàng ven biển Hà Tĩnh. Ảnh Trần Tuấn

Nhưng ở đây cần trở lại vấn đề: Đã đến lúc thay đổi áp dụng “quy định nồng độ cồn ở một mức nào đó mới xử phạt” hay còn gọi là “vùng xanh” xử lý nồng độ cồn hay không?

Quy định hiện hành của Việt Nam là không có “vùng xanh”, nghĩa là cứ phát hiện có cồn trong máu hoặc hơi thở mà điều khiển phương tiện giao thông là bị phạt. Đã có ý kiến cho rằng, nếu đặt ra ngưỡng xử phạt với nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 thì trong một số trường hợp có thể bị xử phạt theo luật dù không sử dụng rượu, bia. Điều này ảnh hưởng tới quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sinh hoạt bình thường của người dân trong xã hội.

Một tờ báo điện tử khảo sát trên 70.000 ý kiến thì có tới 90% đồng ý nên áp dùng vùng xanh. Cần hiểu rõ ràng “vùng xanh” trong xử lý nồng độ cồn không phải là việc cho phép sử dụng một lượng bia- rượu nhất định khi sử dụng phương tiện giao thông. Ở đây, là đặt ra ngưỡng tối  thiểu (có ý kiến cho rằng nên đặt mức nồng độ cồn trong máu là 0,03%, tương đương 0,14mg/lít khí thở) để tránh xử phạt những trường hợp do cồn nội sinh trong cơ thể, do vô tình sử dụng những loại thực phẩm lên men gây vết cồn trong hơi thở.

Thế nên, việc “xin được nới lỏng đo nồng độ cồn để khách ăn uống (bia rượu) nhiều hơn ở nhà hàng ven biển” là khó chấp nhận, thậm chí cần tăng nặng hành vi này nếu nồng độ cồn ở mức cao mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhưng việc đưa ra một “vùng xanh” trong xử lý nồng độ cồn hiện nay là cần xem xét, bởi điều này không phải là cổ vũ dân nhậu mà là đưa thêm các yếu tố mang tính khoa học vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Theo Mỹ Linh báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây